Y tế

Tăng bệnh nhân tâm thần do Covid-19

03/06/2021, 11:30

Dịch bệnh Covid-19 gây đảo lộn cuộc sống, thu nhập bấp bênh kèm theo lo sợ thái quá… khiến tỷ lệ người mắc chứng bệnh tâm thần gia tăng!

img

Bệnh nhân khám và chữa trị về các bệnh lý tâm thần gia tăng trong mùa dịch Covid-19 Ảnh: Quang Nhật

Tự tử vì trầm cảm kéo dài trong mùa dịch

Sau 4 đợt dịch bệnh bùng phát, cửa hàng lúc đóng lúc mở, làm ăn thua lỗ, nợ chồng nợ, chị N.T.H. (42 tuổi, Thái Bình) rơi vào trầm cảm nặng lúc nào không hay. Trong 2 tháng gần đây, nữ doanh nhân này luôn trong tình cảnh phiền muộn, bỏ ăn, mất ngủ… và đặc biệt lúc nào trong đầu cũng chỉ nghĩ tới cái chết. Sau nhiều lần tự tử bất thành, gần đây nhất bệnh nhân nhảy xuống ao gần nhà, may mắn được người thân phát hiện cứu được.

Chị H. chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân đang được chữa trị bởi PGS.TS Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1.

“Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 xảy ra, số bệnh nhân tới khám và chữa trị tăng lên rất nhiều, từ biểu hiện sang chấn tâm lý tới trầm cảm nặng. Đặc biệt, với lần quay trở lại này, dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, bệnh nhân lo sợ không tới được phòng khám, đành phải gọi qua video call cho bác sĩ để được nghe tư vấn, giải đáp tức thời bởi họ cảm thấy quá căng thẳng”, BS. Phương cho hay.

Theo BS. Phương, bệnh nhân mắc trầm cảm trong mùa dịch Covid-19 phần nhiều là phụ nữ với muôn vàn lý do. “Ngoài việc phải gồng mình vừa lo công việc vừa chăm lo con cái phải nghỉ học vì dịch, bản thân chị em cũng là đối tượng rất dễ lo lắng, nghĩ ngợi nên dễ bị khủng hoảng tâm lý và khó cân bằng lại được.

Chẳng hạn một phụ nữ sau khi tung ảnh khoe nâng mũi lên Facebook, bị mọi người ào ào bình luận châm chọc rằng “coi thường dịch bệnh” hay “thời buổi khó khăn còn rảnh tiền đi làm đẹp”… vậy là cũng sinh ra trầm cảm.

Hay hai bà mẹ lên mạng tâm sự chuyện học hành con cái, rồi lại đâm ra so sánh “con nhà mình thế này, con nhà người thế kia…”, rồi cứ thế đổ tức giận lên con khiến cháu bé phải chịu ấm ức đâm ra mắc bệnh…”, vị bác sĩ chia sẻ.

Đáng nói, khác với bối cảnh bình thường, việc chữa trị cho các bệnh nhân trầm cảm trong mùa dịch Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn.

“Trong bối cảnh dịch dã, giãn cách xã hội, tỷ lệ bệnh nhân cao hơn với tiên lượng xấu hơn, khó chữa trị”, ông Phương nói và lý giải: “Phương pháp chữa bệnh hiệu quả nhất đối với người mắc bệnh trầm cảm là cần được giao lưu, hòa nhập, tham gia sinh hoạt cộng đồng để giải tỏa stress… Tuy nhiên, do dịch bệnh, không còn các điểm vui chơi giải trí, đặc biệt bệnh nhân tại các thành phố còn bị nhốt bởi 4 bức tường nên bệnh ngày càng trầm trọng hơn”.

Tương tự, BS. Đỗ Tuyết Mai, Hệ thống phòng khám Med247 cho biết, thời gian qua cũng tiếp nhận nhiều ca khám bệnh online với biểu hiện khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng.

“Đa phần bệnh nhân mắc bệnh trong tình trạng lo lắng bị nhiễm dịch bệnh, khó xin việc, làm việc bấp bênh không chắc chắn, tiền bạc không có… Đáng nói, những biểu hiện tâm lý này kéo dài nhưng nhiều bệnh nhân lại ngại đi khám và điều trị vì thiếu tiền”, BS. Mai cho hay.

Đừng nên bỏ qua triệu chứng giai đoạn đầu

Thống kê sơ bộ từ các bệnh viện chuyên ngành, số người mắc các chứng bệnh tâm thần gia tăng đáng kể trong dịch Covid-19.

Cụ thể, tính từ đầu năm 2021 đến nay, khu cách ly Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tiếp nhận 43 người. Riêng đợt dịch mới hồi tháng 4, khu cách ly bệnh viện tiếp nhận 22 người. Theo đó, hầu hết bệnh nhân có vấn đề tâm thần từ trước, tuy nhiên dịch Covid-19 là yếu tố liên quan đến khởi phát, tái phát và làm nặng lên tình trạng tâm thần của bệnh nhân.

Còn tại Bệnh viện Tâm thần TP HCM, chỉ riêng trong tháng 4, số lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh về các bệnh lý tâm thần lên tới gần 20 nghìn lượt; trong đó bệnh rối loạn loạn thần (F20 - F29) tăng mạnh nhất, so với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 6 nghìn ca.

BS. Trần Đức Cường, người trực tiếp điều trị tại khu cách ly của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: “Có nhiều người chưa mắc bệnh nhưng có những biểu hiện rối loạn tâm thần như mất ngủ, đau đầu, lo âu, căng thẳng kéo dài... Nếu không kiểm tra, thăm khám và điều trị kịp thời rất dễ bỏ qua “cơ hội vàng” để hồi phục, dẫn tới bệnh lý tâm thần”.

Chi tiết hơn, BS. Tô Thanh Phương cho biết, dấu hiệu dễ nhận biết người mắc chứng trầm cảm chính là mất ngủ, chán ăn với tần suất ngày càng tăng. “Chỉ cần tình trạng này kéo dài quá 2 tuần, từ dấu hiệu sẽ chuyển sang giai đoạn mắc bệnh. Do đó, cần phải giải quyết sớm tình trạng mất ngủ ở thể nhẹ có thể uống các loại thảo dược như tâm sen, bình vôi…; thể nặng như thức trắng nhiều đêm thì cần phải tới bác sĩ để thăm khám và kê thuốc an thần”, ông Phương cho biết.

Ngoài chuyện “ngủ đủ giấc, ăn đủ chất”, điều quan trọng giúp người bệnh mau khỏi chính là yếu tố môi trường sống. “Người bệnh cần được quan tâm chia sẻ động viện từ chính các thành viên trong gia đình để vượt qua khó khăn; sắp xếp lại công việc, tạo cảm giác thoải mái, suy nghĩ tích cực. Chẳng hạn, nên bố trí người bệnh làm các công việc vặt hàng ngày, đan xen các hoạt động giải trí, tránh tình trạng ngồi ỳ một chỗ, không vận động”, BS. Phương khuyến cáo.

Theo các chuyên gia y tế, trên thế giới chưa có bằng chứng khoa học để nói Covid-19 gây ra bệnh lý tâm thần nhưng đây là một trong những yếu tố gây áp lực tâm lý nặng nề cho nhiều thành phần trong xã hội. Trong đó, nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất là bệnh nhân Covid-19. Một nghiên cứu trên hơn 230.000 người từng mắc Covid-19 nhận thấy 1/3 số người sau khi bình phục đã mắc chứng rối loạn tâm thần trong 6 tháng.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.