Thời sự

Tăng chất lượng phục vụ thay vì hạ giá vé?

18/11/2014, 09:56

Phóng viên Báo Giao thông trao đổi với ông Ông Đặng Trọng Hiền – Giám đốc Chất Lượng Phương Trang - FUTA Bus Lines xung quanh việc chưa hạ giá cước vận chuyển...

Ông Đặng Trọng Hiền
Ông Đặng Trọng Hiền – Giám đốc Chất Lượng Phương Trang - FUTA Bus Lines, trao đổi với PV.

Chưa hạ giá vé để đầu tư chất lượng dịch vụ

Ông Đặng Trọng Hiền cho biết, nếu giảm vài ngàn đồng thì không khó. Nhưng thay vì các doanh nghiệp vận tải giảm giá thì nên kêu gọi tăng chất lượng phục vụ, chất lượng vận tải hành khách để tương xứng với “tiền nào của đó”. Điều này nhằm tăng nâng cao sự an toàn cho hành khách và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động ngày càng tốt hơn, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn.

Khi PV nêu vấn đề, thực tế, có những hành khách hiện chưa đủ điều kiện hưởng những dịch vụ chất lượng cao, ông Hiền ví von: “Cùng là tên khác sạn, nhưng khách sạn 5 sao khác 2 sao rất nhiều bởi chất lượng phục vụ của 5 sao. Xe Phương Trang cũng thế, luôn đặt chất lượng lên hàng đầu như 5 sao nên không thể đánh giá bằng nhau được. Đấy là còn chưa tính đến những loại xe “chạy dù, bến cốc” cho chất lượng dịch kém và không an toàn cho hành khách…”

Với câu hỏi hiện tại Phương Trang không hạ giá vé, ông Hiền khẳng định: “Hãng đang xem xét mọi khía cạnh để có quyết định chính xác nên phải nói đúng là chưa hạ. Doanh nghiệp tự biết rõ phải làm như thế nào cạnh tranh lành mạnh và tự quyết định giá vé theo cơ chế thị trường. Bởi luật cho phép cùng 1 sản phẩm không bắt buộc các doanh nghiệp phải có giá bán giống nhau…”

Ông Hiền thông tin, hiện nay giá vé của Phương Trang chỉ bình quân bằng 60-80 % so với mức giá phải đăng ký. Nghĩa là, vẫn còn 20-40% giá thành được dùng để dành cho việc tái đầu tư, nâng cao chuỗi giá trị dịch vụ như nhà chờ, trạm dừng, dịch vụ, đảm bảo an toàn.

Nằm trong chương trình nâng cao chất lượng dịch vụ đó, Phương Trang đã đầu tư thay thế 400 chiếc xe đời mới(2013 – 2014) cho tuyến cố định, kể cả xe trung chuyển đầu tư mới trên 250 xe điều về cho các chi nhánh thuộc hệ thống Phương Trang đưa rước khách tận nhà. Phương Trang đã và đang nâng cấp các phòng vé, phòng chờ ở các BX Miền Đông, BX Miền Tây, Cà Mau, Rạch Sỏi, Châu Đốc... Đặc biệt, Phương Trang đầu tư BX Đà Lạt hàng chục tỷ đồng đạt chuẩn, các trạm dừng phục vụ dọc tuyến Quốc lộ nhằm phục vụ hành khách tốt nhất.

Ông Hiền nêu quan điểm của Phương Trang là luôn phục vụ và tri ân khách hàng bằng cách hành động cụ thể như việc giảm 20% cho sinh viên mùa thi và nếu thu bằng giá thì Phương Trang cũng thu được 20 tỷ trong thời gian qua. "Đặc biệt là dịp lễ không tăng giá, còn dịp Tết chỉ tăng tượng trưng, bởi khách hàng đã ủng hộ cả năm rồi nên cuối năm không tăng cao các nhà xe khác thường làm và có nhà xe đã tăng 100% vào mùa Tết", ông Hiền nói.

Ông Hiền dẫn chứng, BX Miền Đông dịp Tết cho phép tăng tối đa 60% nhưng Phương Trang chỉ tăng 30%, BX miền Tây cho phép tăng 40% nhưng Phương Trang chỉ tăng từ 10%-20%. “Nếu chúng tôi tăng kịch trần theo quy định cho phép bù đầu rỗng dịp Tết thì doanh số thu về cũng gần cả trăm tỷ. Việc này Phương Trang không làm là bởi muốn tri ân với hành khách đã ủng hộ Phương Trang suốt cả năm qua”, ông Hiền nói.

Giá cả hãy để thị trường điều tiết

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM nhận xét, thường các nhà xe tăng thì nhiều mà giảm thì ít. Nhưng chỉ tính từ đầu tháng 7/2014 đến nay, sau mấy lần điều chỉnh giảm giá, mức giảm giá xăng, dầu cũng khá nhiều. Theo đó, dầu giảm 3.580 đồng/lít (giảm 15,7%) và xăng giảm 4.250 đồng/lít (giảm 16,5%) vì thế ngành vận tải phải xem xét điều chỉnh là hợp lý. Giá cước vận tải là mặt hàng Nhà nước không quản lý, doanh nghiệp chỉ làm nhiệm vụ kê khai và niêm yết theo hướng dẫn của Sở Tài chính là phù hợp.

Được biết, ngày 14/11, trong cuộc họp bàn về giảm giá cước vận tải tại Sở GTVT TPHCM, Hiệp hội VTHKLT&DL chính thức đề nghị Sở GTVT và Sở Tài chính TPHCM kiến nghị với TƯ giải quyết theo hai hướng:

Thứ nhất, đã đã là mặt hàng giá Nhà nước không quản lý, hãy để cho cơ chế cung cầu thị trường điều tiết, Nhà nước không nên can thiệp theo kiểu hiện nay. Và nếu đã mong muốn bình ổn giá, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng thì Bộ Tài chính với chức năng của mình, thông qua “Qũy bình ổn giá xăng dầu” hãy tự điều tiết để giá xăng dầu không biến động chóng mặt như thời gian qua khiến doanh nghiệp chạy theo hụt hơi khi phải điều chỉnh giá cước. Ví dụ, những hãng taxi lớn như Mai Linh, Vinasun... ở TP HCM, mỗi đợt biến động giá như vậy phải ngừng xe để điều chỉnh đồng hồ vừa tốn thời gian, vừa tốn chi phí rất lớn (khoảng trên dưới ½ tỉ đồng - mỗi xe tốn khoảng 105.000 đồng).

Thứ hai, yêu cầu doanh nghiệp vận tải giảm giá nhưng BX Miền Đông lại thông báo sẽ tăng giá các dịch vụ ở bến xe vào năm 2015, như vậy liệu có hợp lý?

Nhóm PV TP.HCM

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.