Chính trị

Tăng cường an ninh hàng không để bảo đảm an ninh quốc gia

05/06/2014, 06:33

Ngày 4/6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, đa số ĐBQH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi ...

ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) phát biểu tại Quốc hội ngày 4/6
ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) phát biểu tại Quốc hội ngày 4/6


Là bộ phận an ninh quốc gia


Theo ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), an ninh hàng không được xác định là một bộ phận của an ninh quốc gia, chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến đảm bảo an ninh hàng không là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý giúp các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp ngăn chặn, đối phó hiệu quả, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay và an ninh trật tự trong suốt chuyến bay. 
 

"Qua 12 ý kiến phát biểu cho thấy, về cơ bản các ĐBQH tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng hiện hành với mục đích là nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng và cũng để phù hợp với các điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ quốc tế về hàng không dân dụng”.

 

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu

“Việc bảo đảm an ninh hàng không một mặt phải đảm bảo yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, mặt khác phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước chuyên ngành gắn với yêu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không”, ông Hồng lưu ý.

Cũng đánh giá tầm quan trọng của an ninh hàng không, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) đề xuất: “Lực lượng này phải có lựa chọn, được huấn luyện, tinh thông nghiệp vụ, có ứng xử văn hóa. Khi có vấn đề gì xảy ra thì lực lượng này là nòng cốt trong bảo vệ sân bay”, ông Nghĩa nói và đề nghị nên giao cho Bộ GTVT chứ không phải cho một doanh nghiệp hay lực lượng nào khác tổ chức lực lượng này.


Trong khi đó, đề cập đến quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 191 về “các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không”, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) băn khoăn khi dự thảo lần này bổ sung thêm từ “lục soát”. Theo ĐB tỉnh Phú Yên, chỉ cần kiểm tra, soi chiếu là đủ và khi qua kiểm tra, soi chiếu, nếu thấy có những vấn đề đáng nghi ngờ thì mới tiến hành các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.

Xác định chủ thể nhà chức trách hàng không


Một trong những nội dung mới cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đó là quy định “nhà chức trách hàng không”. ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) tán thành việc quy định cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ GTVT là Nhà chức trách hàng không, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT thực hiện quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật là hợp lý. 


Cùng quan điểm này, theo ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng), hiện tại có một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có văn bản xác định nhà chức trách hàng không là Bộ GTVT. Như vậy là không thống nhất. Do đó cần phải sửa đổi và quy định trách nhiệm một cách chặt chẽ theo đúng luật pháp quốc tế. “Tôi đồng ý sửa Điều 9, Khoản 2a, luật hóa quy định nhà chức trách hàng không Việt Nam là Cục Hàng không VN có chức năng, nhiệm vụ được ghi rõ trong luật. Người đứng đầu nhà chức trách hàng không Việt Nam là Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam”, ông Học đề nghị.


Liên quan đến nội dung này, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, đa số ý kiến đồng tình với dự thảo luật là quy định Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng. Cục Hàng không dân dụng giúp cho Bộ trưởng quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng. Và Cục Hàng không dân dụng là nhà chức trách hàng không, và ở đây là giao cho Cục trưởng để phù hợp với thực tế hiện nay và cũng linh hoạt hơn.


Bình Minh

 

Cân nhắc tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài

 

Đây là một trong những nội dung được Ủy ban Kinh tế của QH đưa ra khi thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), ngày 4/6.


Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu các điều ước quốc tế đang đàm phán hiện nay để khi các hiệp định này được ký kết có hiệu lực thì không xung đột với các quy định dự án Luật này.


Một trong những vấn đề cụ thể được Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc thêm là tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với một doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam. Bởi hiện nay không có tiêu chí thống nhất về mức tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân để xác định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, quy định này lại liên quan đến việc đối xử với nhà đầu tư ở một số lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế gia nhập thị trường như phân phối xăng dầu, thuốc chữa bệnh, bất động sản.


Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc tiêu chí tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ trở lên, tránh trường hợp nhà đầu tư khai thác kẽ hở pháp luật, góp vốn vào những lĩnh vực còn hạn chế gia nhập thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. 


Chẳng hạn, một nhà đầu tư nước ngoài có thể góp vốn 49% vốn điều lệ thành lập một công ty liên doanh với Việt Nam và được coi là nhà đầu tư trong nước. Công ty liên doanh này có thể góp vốn với một công ty 100% vốn Việt Nam có quyền hoạt động trong lĩnh vực mà Việt Nam đang hạn chế nhà đầu tư nước ngoài (phân phối xăng dầu…) để thành lập một công ty mới và công ty mới này sẽ có quyền hoạt động trong lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài không được phép làm.

 

Minh Tiến

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.