Quản lý

Tăng cường giám sát đầu tư, khai thác dự án BOT giao thông

22/02/2017, 06:27

Sáng 21/2, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với cơ quan Kiểm toán Nhà nước...

4

Phó trưởng đoàn giám sát, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại buổi làm việc

Sáng 21/2, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với cơ quan Kiểm toán Nhà nước về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT)”. Phó trưởng đoàn giám sát, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên điều hành phiên làm việc.

Để người dân có quyền lựa chọn

Trình bày báo cáo về kết quả kiểm toán các dự án BOT giao thông do cơ quan Kiểm toán Nhà nước thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2016, ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong 5 năm, đơn vị này đã thực hiện kiểm toán 27 dự án. Đại diện Kiểm toán Nhà nước khẳng định, trong điều kiện nguồn lực ngân sách Nhà nước huy động cho các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng hạn chế, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa là một chủ trương đúng nhằm huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, nguồn vốn từ các nhà đầu tư...; góp phần giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng nêu một số hạn chế, bất cập, vướng mắc của cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Trong đó, có một số bất cập về việc lựa chọn dự án để thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, vị trí trạm thu phí, mức thu phí, nguồn vốn chủ sở hữu, lợi nhuận của nhà đầu tư...

Nguyên nhân của những bất cập nêu trên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư chưa được ban hành kịp thời, chưa cụ thể, chi tiết, thiếu chặt chẽ... Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ nghiên cứu chỉ đạo sửa đổi chính sách, ưu tiên vốn bố trí cho các dự án trọng điểm, đặc biệt quan trọng. Chỉ lựa chọn đầu tư theo hợp đồng BOT các dự án xây dựng những tuyến đường hoàn toàn mới hoặc cải tạo lại những tuyến đường không phải là đường độc đạo để người dân có quyền lựa chọn, nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức BOT. Thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy trình của pháp luật, tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nhằm tăng tính cạnh tranh, công khai các yếu tố như: Chi phí quản lý thu phí, lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất vay vốn, tỷ lệ chủ sở hữu...

Hài hòa lợi ích 3 bên

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Bộ GTVT chủ động trong việc xây dựng danh mục dự án, khuyến khích đầu tư, đảm bảo xác định mức thu phí ngay từ ban đầu, hạn chế rủi ro, tạo niềm tin cho nhà đầu tư; Bộ GTVT xem xét các chỉ tiêu có sự sai lệch (giữa thực tế phát sinh và phương án tài chính trong hợp đồng BOT gốc) khi thỏa thuận quyết toán dự án và điều chỉnh hợp đồng BOT để xác định chính xác thời gian hoàn vốn của dự án.

Đồng thời, xây dựng chính sách tuyên truyền, phổ biến cho người tham gia giao thông về sự cần thiết phải đầu tư theo hình thức BOT. Bổ sung tiêu chí đánh giá năng lực quản lý đầu tư các dự án ngành GTVT vào các quy định hiện hành trong quá trình đánh giá lựa chọn nhà đầu tư BOT...

Cơ quan giám sát kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu và đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện qua trạm hiệu quả, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính minh bạch, đồng thời khẩn trương chỉ đạo các nhà đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thu phí không dừng.

Bộ GTVT cần xây dựng và ban hành định mức hoặc phương pháp xác định một số chi phí phát sinh trong quá trình khai thác công trình BOT mà hiện nay còn thiếu hoặc hướng dẫn không cụ thể; Xem xét và có quy định về việc thường xuyên công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án BOT khi đàm phán và ký kết hợp đồng BOT.

Phó trưởng đoàn giám sát Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, bản chất của dự án BOT cũng là của Nhà nước, nhưng do không đủ điều kiện làm trong khoảng thời gian đó nên ủy quyền cho các thành phần kinh tế khác thực hiện. Nhà nước thông qua các quyết định, cho nhà đầu tư thu tiền hoàn vốn, không phải dự án của nhà đầu tư. Do vậy, vai trò quản lý nhà nước, như của Bộ KH&ĐT trong phê duyệt, quyết định đầu tư, của Bộ GTVT trong triển khai hợp đồng BOT và của các địa phương ra sao, cần phải được làm rõ.

ĐBQH Phạm Phú Quốc (TP.HCM):
Cần nhìn nhận công bằng

Các công trình giao thông theo hình thức BOT là chính sách đúng đắn, tạo nguồn lợi cho xã hội. Phải nhìn nhận công bằng ở mọi khía cạnh và minh bạch được mọi vấn đề, bởi mục tiêu then chốt nhất là tạo nguồn lợi cho người dân, nhưng cũng phải tạo được sự đồng thuận xã hội cao. Chúng ta nói nhiều đến việc BOT thu tiền, rồi trạm thu phí dày đặc, nhưng nếu không có BOT, làm gì có những con đường đẹp, đường tốt, đi với tốc độ nhanh hơn. Vì vậy, cần có cái nhìn công bằng.

Ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế:
Chưa rõ vai trò chính quyền địa phương

Tôi hơi băn khoăn là vì sao hầu hết các dự án BOT được kiểm toán lại đều thuộc các dự án chỉ định thầu? Và tại sao không lắp đặt camera tại các trạm thu phí để đảm bảo tính minh bạch? Vai trò của chính quyền địa phương tại các dự án BOT trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng hoàn toàn không thấy đề cập đến.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Thái (Đại học GTVT):
Kiểm soát chặt để đảm bảo lợi ích cộng đồng

Dự án giao thông có tuổi đời rất dài, nhiều rủi ro như GPMB chậm vì những lý do khách quan... Đã mời nhà đầu tư vào, họ quan tâm lợi nhuận là hàng đầu, Nhà nước phải kiểm soát và điều chỉnh để đảm bảo lợi ích cộng đồng. Đã công bằng, minh bạch thì phải đủ với tất cả các đối tượng: Người dân được thụ hưởng, quản lý nhà nước và nhà đầu tư. Thậm chí, nếu nhà đầu tư không thể hoàn vốn cũng phải xem xét. Đối với người dân địa phương, có thể để họ đăng ký xe, đăng ký biển số với trạm thu phí, sau đó tạo cơ chế đặc thù để họ đi lại thuận tiện hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.