Công nghệ mới

Tăng năng lực cầu yếu bằng tấm sợi FRP

02/09/2016, 08:38
image

Sau khi cầu được gia cường bằng vật liệu Tyfo thì sau 5 năm được đề xuất bỏ ra khỏi danh sách cầu yếu.

1_78170
Thi công dán tấm sợi FRP - Vật liệu Tyfo

Trước đây, các cây cầu yếu trên hệ thống quốc lộ có nguy cơ sập bất cứ lúc nào và phải xây mới. Tuy nhiên, các cây cầu này đã được “hồi sinh” khai thác thêm hàng chục năm nhờ áp dụng công nghệ sửa chữa gia cường cầu bằng giải pháp dán tấm sợi FRP-Vật liệu Tyfo, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

“Hồi sinh” những cây cầu chờ sập

Theo thống kê năm 2011, trên quốc lộ có 564 cây cầu yếu cần đầu tư xây mới. Đánh giá của nhiều chuyên gia, trước năm 2011, công nghệ và vật liệu sử dụng trong sửa chữa và tăng cường cầu còn hạn chế, các giải pháp gia cường cầu hiệu quả chưa cao. Do đó, tìm hướng đi bằng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến cải tạo các cầu yếu trước sức ép về lưu lượng, tải trọng xe gia tăng và nguồn vốn đầu tư ngày càng khó khăn được Tổng cục Đường bộ VN chú trọng.

>>>Xem thêm video:

Công nghệ sửa chữa gia cường cầu bằng giải pháp dán tấm sợi FRP-Vật liệu Tyfo do các thầy giáo bộ môn Sức bền vật liệu (ĐH GTVT) và các chuyên gia tổ chức nghiên cứu là giải pháp hữu hiệu được Tổng cục Đường bộ VN lựa chọn. Năm 2012, cầu Chà Là, Nước Đục và Bà Triên trên QL1 (Khánh Hòa) bị hư hỏng nặng, các dầm có nhiều vết nứt lớn, bản mặt cầu bị thủng nhiều lần, cầu bị rung lắc mạnh và bị nứt như mai rùa và có nguy cơ sập đổ cao đã được sửa chữa và gia cường thành công bằng công nghệ dán tấm FRP.

Là đơn vị quản lý các cầu trên, ông Bùi Tô Hoài, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ III cho biết, năm 2010 cầu Bà Rén bị hư hỏng, khi đó chưa có công nghệ này đã phải cấm cầu, phân luồng giao thông sang đường Hồ Chí Minh, làm cầu tạm để đảm bảo giao thông và xây cầu Bà Rén mới.

“Sau khi các cầu trên được gia cường bằng vật liệu Tyfo, sau gần 5 năm sửa chữa, đến nay các cầu này được đề xuất bỏ ra khỏi danh sách cầu yếu, giữ lại khai thác lâu dài. Giải pháp cho ba cầu này thành công là bằng chứng rõ nhất cho sự khác biệt của công nghệ dán tấm FRP-Vật liệu Tyfo so với các vật liệu tương đương và giải pháp khác”, ông Hoài nói.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ VN, từ năm 2011 tới nay, giải pháp dán tấm sợi FRP để tăng cường cho cầu đã sử dụng thành công trên 300 cây cầu, 1/3 số cầu này là sửa chữa để đảm bảo giao thông khẩn cấp, số còn lại là sửa chữa gia cường cho các cầu có dấu hiệu hư hỏng để chống xuống cấp, tăng cường khả năng chịu lực và đảm bảo khai thác an toàn với mục tiêu đặt ra là trên 25 năm.

Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Năm 2011, một dầm của cầu Thừa Lưu được sửa chữa và gia cường thành công lần đầu bằng vật liệu Tyfo tại Việt Nam đã tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Từ thành công đó, 13 cầu bê tông cốt thép thường trên QL70 cũng được lựa chọn gia cường. Điển hình là cầu Ngòi Lực bị hư hỏng nặng phải dùng giàn Bailey để đảm bảo giao thông khẩn cấp với kinh phí 9 tỷ đồng trong hai năm. Năm 2013, cầu Ngòi Lực được sửa chữa và gia cường với giải pháp chính là dùng vật liệu FRP với kinh phí chỉ hết 2,7 tỷ đồng, trong đó có 700 triệu đồng tháo dỡ giàn Bailey. Tới nay, các cầu trên tuyến đường này đang phát huy hiệu quả tốt, không có dấu hiệu hư hỏng lại và đảm bảo được khai thác.

FRP có thể gia cường khả năng chịu uốn, chịu cắt và các hư hỏng cục bộ cho tất cả các loại dầm Bê tông cốt thép (BTCT) thường và dự ứng lực; Gia cường cho các loại dầm bị nứt, vỡ, thép chủ bị đứt do han gỉ, đứt cáp dự ứng lực loại kéo trước;

Gia cường cho các loại bản mặt cầu bằng BTCT; Gia cường cho các loại trụ BTCT và trụ thép; Không bị ăn mòn và hạn chế quá trình ăn mòn; Không có thời gian ngừng khai thác công trình; Vật liệu của số ít nhà sản xuất có thể áp dụng được tại những vị trí yêu cầu độ ẩm cao hoặc dưới nước mà các hãng vật liệu khác không làm được...

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thắng, nguyên quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, những cầu nêu trên chỉ là điển hình trong số hơn 100 cầu yếu trên địa bàn cả nước đã sử dụng công nghệ này và hiệu quả cả kỹ thuật và kinh tế đã được chứng minh một cách rõ nét, chi phí thấp hơn các giải pháp khác, không gây ùn tắc giao thông do không phải cấm cầu.

“Năm 2013, có 80 cầu yếu được sửa chữa bằng công nghệ Tyfo đã tiết kiệm được 1.000 tỷ đồng. Sau khi gia cường tải trọng tăng lên trên 33%, đảm bảo cho phương tiện lưu thông an toàn”, ông Thắng nói và cho biết: “Trong điều kiện nguồn vốn bảo trì đường bộ mới chỉ đáp ứng được 40% yêu cầu, Tổng cục đã đề nghị và được Bộ GTVT chấp thuận cho rà soát toàn bộ các dự án cầu yếu trên quốc lộ đã có quyết định phá dỡ để làm cầu mới phải thực hiện sửa chữa theo công nghệ này. Đặc biệt, là đã chọn lựa được các nhà có tính chuyên nghiệp cao trong ngành công nghiệp sửa chữa công trình”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.