Rầm rộ xây dựng trên đất nông nghiệp
Trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã xảy ra nhiều vi phạm về đất đai, đặc biệt là các huyện ngoại thành, nơi quỹ đất nông nghiệp còn nhiều. Điển hình là huyện Chương Mỹ, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị lấn chiếm và xây dựng trái phép.
Trường hợp cụ thể như khu vực đồi Tiên Phương (xã Tiên Phương), trên con đường dẫn lên đồi Tiên Phương, nhiều bức tường gạch được xây tạm để khoanh đất, nhiều lô đất được san phẳng, trơ trọi không một bóng cây. Đối chiếu thực trạng với Bản đồ Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Chương Mỹ theo tỷ lệ tỷ lệ 1/10.000 được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 3/6/2015 và Bản đồ tỷ lệ 1/25.000, khu vực đồi Tiên Phương (xã Tiên Phương) đa phần là nhóm đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm và đất công trình tôn giáo…
Trên địa bàn xóm 5, thôn Vôi Đá, xã Trần Phú, nhiều công trình nhà xưởng, nhà kho có diện tích từ vài trăm mét vuông trở lên; cùng hàng loạt trạm trộn bê tông với công suất nhỏ, xưởng sản xuất gạch không nung, cơ sở đúc bê tông khuôn mẫu... cũng đều được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp, kể đến như Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Vân Sơn, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Hải Dương...
Nằm cách cổng trụ sở UBND xã Phụng Châu chưa đầy 2km, hàng chục ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát nhau trên diện tích đất nông nghiệp tại khu bãi Đìa Đình và khu ruộng Gốc Xi. Hàng loạt nhà xưởng khung thép rộng hàng trăm mét vuông được quây tôn kín mít, quạt thông gió chạy ro ro "mọc" lên nhan nhản giữa cánh đồng.
Tương tự tại huyện Thanh Trì, theo thông tin từ huyện Thanh Trì, chỉ tính riêng trong năm 2023, UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức rà soát 556 trường hợp có dấu hiệu vi phạm, thiết lập hồ sơ được 85 trường hợp (trong đó xử lý được 81 trường hợp) xây dựng trên đất nông nghiệp.
Bên cạnh vi phạm xuất phát từ phía người dân, cũng có những vi phạm ngay từ phía chính quyền. Theo phản ánh của người dân xã Tam Hiệp, chính quyền địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) không đúng quy định khi xác định sai nguồn gốc sử dụng đất.
Theo đó, năm 2006, địa phương đã cấp hai giấy CNQSDĐ đối với thửa đất số 36, diện tích 140m2 của hộ ông L.Đ.H và thửa 36 (1) của hộ ông L.Đ.H với diện tích 100m2 thuộc tờ bản đồ số 19 tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì. Tuy nhiên, thời điểm này, UBND xã Tam Hiệp chỉ có bản đồ quy hoạch sử dụng đất, UBND huyện Thanh Trì chưa có quyết định phê duyệt quy hoạch điểm dân cư nông thôn xã Tam Hiệp. 240m2 đất nông nghiệp này đã được sử dụng xây nhà xưởng. Phản ánh này đã được TP Hà Nội thanh tra, kết luận và yêu cầu huyện Thanh Trì thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai.
Cần chế tài đủ mạnh để ngăn chặn vi phạm đất đai
Các vi phạm xảy ra, ngoài nguyên nhân xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng vi phạm, còn nguyên nhân từ cơ chế xử lý vi phạm. Lãnh đạo Vụ Đất đai (Bộ TN&MT) nhìn nhận, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong ngăn chặn các hành vi vi phạm, song vẫn còn tồn tại một số bất cập như: mức xử phạt còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe; do lịch sử quá trình quản lý, sử dụng đất đai phức tạp, nhiều hành vi vi phạm trong quá khứ chưa được phát hiện, xử lý.
Để ngăn chặn hành vi vi phạm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai thông tin, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng, trong đó có các quy định để tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai. Tại Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã bổ sung nhiều quy định yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện để quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Một số hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt đã không còn phù hợp, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi.
Đồng quan điểm, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy nhận định, những sai phạm và những hành vi vi phạm về đất đai đang diễn ra hết sức phức tạp và việc xử phạt về những hành vi vi phạm này hiện nay là chưa tương xứng. Vì vậy, việc xây dựng và sớm ban hành Nghị định là hết sức cần thiết với yêu cầu đặt ra là phải có các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm về đất đai; thúc đẩy phân cấp, phân quyền, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý đất đai.
Trong phiên họp hoàn thiện Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai mới đây, Bộ trưởng TM&MT Đỗ Đức Duy đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, kiến nghị các nội dung về mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt trên quan điểm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn việc vi phạm về pháp luật đất đai, xử lý nhanh nội dung vi phạm tránh kéo dài thời gian để hợp thức hóa sai phạm về đất đai; phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai.
Trước thực trạng vi phạm diễn ra rầm rộ tại huyện Chương Mỹ, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông chỉ đạo UBND huyện Chương Mỹ khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng theo đúng quy định của pháp luật; xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm. Đồng thời tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát trên toàn địa bàn để chấn chỉnh kỷ cương trong công tác quản lý, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp có vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng.
Đối với phản ánh cấp giấy chứng nhận sai tại Thanh Trì, TP Hà Nội đã thanh tra và kết luận, xã Tam Hiệp giao 240m2 là trái thẩm quyền, vi phạm Luật Đất đai năm 1987. Năm 2005, UBND xã Tam Hiệp tự tách thửa đất thành hai thửa 36 và 36 (1), không theo quy định về lập bản đồ địa chính. Việc đưa diện tích 240m2 đất nông nghiệp thành quy hoạch đất nông thôn là không phù hợp với hiện trạng sử dụng đất được đo vẽ tại bản đồ địa chính năm 1994... Hà Nội giao UBND huyện Thanh Trì xử lý thu hồi theo quy định, đồng thời xác định trách nhiệm của các cá nhân để xảy ra vi phạm và có hình thức kỷ luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận