Quản lý

Tăng phí đậu xe, cách nào chống thất thoát?

16/05/2018, 06:27

Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn áp dụng tăng mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe...

8

Tăng phí đậu xe, cách nào chống thất thoát? - Ảnh: Tạ Tốn

TP.HCM: Sử dụng phần mềm My Parking tránh thất thu

Ngày 15/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, theo kế hoạch trình UBND TP, bắt đầu ngày 1/6 đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe trên địa bàn thành phố có hiệu lực. 

Sở GTVT sẽ triển khai thu phí ôtô dưới lòng đường theo biểu giá mới. Cụ thể, phí thu lũy tiến theo giờ từ 20.000 - 30.000 đồng/giờ đầu thay vì 5.000 đồng/giờ như nhiều năm nay. Sở GTVT đã gửi văn bản và chờ ý kiến của UBND TP để có thể triển khai sớm theo kế hoạch. Mọi phương án như máy móc, thiết bị, nhà mạng… đã sẵn sàng, chỉ còn chờ ý kiến của UBND TP trong một vài ngày tới. 

“TP HCM sẽ ứng dụng công nghệ vào thu phí đỗ xe nhằm đảm bảo việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô một cách chính xác; hạn chế tiêu cực phát sinh trong quá trình thu phí đỗ xe theo hình thức thủ công thông qua phát phiếu giữ xe”, ông Cường nói.

Liên quan đến cách thức thu phí để tránh thất thoát, ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Viettel (chủ đầu tư) cho biết, thu phí lần này sẽ không thu phí thủ công như trước mà sử dụng phần mềm My Parking (thu phí qua điện thoại). Cụ thể, khách hàng vào phần cài đặt điện thoại tải về phần mềm My Parking Viettel, sau đó chọn thông tin các điểm đỗ xe trên địa bàn thành phố.

Cũng theo ông Huy, mức phí thu khu vực quận 1, 3, 5 là 25.000 đồng/giờ đầu và giờ thứ hai. Bắt đầu từ giờ thứ 3 là 30.000 đồng. Để thanh toán tiền, khách hàng tải về phần mềm ViettelPay nạp tiền vào ứng dụng này, hoặc khách hàng có thể trả qua thẻ thanh toán quốc tế, visa… Khách hàng đặt chỗ trước sẽ quy định thời gian, nếu khách hàng chưa đến kịp, hệ thống sẽ tự hủy. Hoặc nếu khách hàng đã đặt chỗ trước mà đến nơi không còn thì người quản lý bãi sẽ chuyển sang vị trí bên cạnh. 

Theo ông Huy, tổng chi phí đầu tư đề án này khoảng 40 tỷ đồng, trong những tháng đầu thử nghiệm thí điểm, Viettel đã hỗ trợ thành phố về giải pháp công nghệ. Từ ngày 1/6 - 31/12, đơn vị sẽ có phương án về nguồn thu hợp lý. Sau thời gian trên, thành phố sẽ tổ chức công khai đấu thầu. Cụ thể, nguồn thu của đề án sau khi trừ các chi phí cho các bộ phận liên quan (các chi phí cho nhà mạng, đơn vị cung cấp phần mềm, trả lương nhân viên) phần còn lại sẽ có tính toán tỉ lệ phí giữa đơn vị và UBND TP. 

9

Bãi đỗ xe dưới lòng đường có thu phí trên đường Phan Bội Châu, quận 1. TP.HCM - Ảnh: Đỗ Loan

Hà Nội: Nhân rộng mô hình iParking để kiểm soát nguồn thu

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, nhằm tránh tình trạng thất thu thuế đối với dịch vụ trông giữ xe, Hà Nội đang tích cực nhân rộng mô hình trông giữ xe qua ứng dụng tìm kiếm chỗ đỗ xe tự động (iParking), xây dựng các bãi xe tĩnh, xử lý nghiêm các bãi xe trái phép, thu quá giá...

Theo ông Phạm Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH TMV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, từ ngày 1/5/2017, TP Hà Nội đã thí điểm triển khai dự án ứng dụng tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe ô tô iParking tại hai tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt. Tỷ lệ thanh toán qua tin nhắn chiếm 70% doanh thu.

Tổng doanh thu (trông giữ xe lượt đến 22h hàng ngày) từ khi thí điểm đến hết năm 2017 đạt 1.733 triệu đồng/115.558 lượt giao dịch thành công (trung bình 38.520 lượt/tháng), doanh thu bình quân 1 tháng tăng hơn so với cùng kỳ khoảng 33%. “Mỗi lượt xe vào gửi, công ty phần mềm sẽ chuyển 30% số tiền của khách trích nộp tự động về Kho bạc Nhà nước”, ông Đức cho hay.

Theo vị này, từ năm 2017, thành phố đã triển khai ứng dụng iParking thí điểm trên hai tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt, với 17 vị trí trông giữ và 248 chỗ đỗ, diện tích cấp phép 2.111m2. Giải pháp này phần nào đáp ứng nhu cầu trông giữ phương tiện tăng cao. Sau thời gian thí điểm, với những ưu việt của iParking, UBND TP đã chấp thuận mở rộng mô hình iParking trên 4 quận nội thành, tới đây sẽ nhân rộng mô hình ra các chung cư, tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại.

“Việc ứng dụng trông giữ xe thông minh iParking đảm bảo minh bạch, kiểm soát được doanh thu. Hệ thống này có thể trích nộp tự động số phí sử dụng lòng đường, hè phố phải nộp vào ngân sách Nhà nước”, vị này nói và cho rằng, để thuận tiện, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu phí, triển khai mô hình thu phí tự động, UBND TP xác định giá dịch vụ trông giữ xe cho từng khu vực giá lũy tiến (đối với ứng dụng công nghệ iParking), tính toán chi phí để bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động ổn định với mức lợi nhuận hợp lý 4,5% trên tổng chi phí, phần còn lại nộp ngân sách Nhà nước thông qua phí đối với trông giữ thủ công nộp phí theo m2, đối với trông giữ theo iParking nộp phí theo 30% doanh thu.

Theo đồ án quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về quy hoạch bãi đỗ xe theo định hướng trong khu vực từ vành đai 3 trở vào có tổng số 416 bãi đỗ xe, tổng diện tích đỗ xe dự kiến khoảng 346,60ha. Đến nay, đã có 88 dự án bến, bãi đỗ xe được duyệt nhưng số dự án triển khai hoàn thành là 20/88 dự án và 16/88 đang triển khai thi công (còn lại 52 dự án chưa triển khai thực hiện đầu tư). Sở GTVT Hà Nội đã khảo sát các vị trí có đủ điều kiện để cấp phép trông giữ phương tiện với khoảng 1.500 điểm. Các điểm này sẽ ứng dụng công nghệ iParking trong trông giữ phương tiện. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.