Vận tải

Tăng tàu trọng tải lớn, nâng thị phần vận tải

21/05/2015, 09:21

Đây là hai trong số rất nhiều mục tiêu quan trọng được đặt ra tại Đề án tái cơ cấu vận tải đường biển.

92
 

Nâng thị phần vận chuyển hàng

Theo Đề án tái cơ cấu vận tải biển VN đến năm 2020, đội tàu biển quốc gia sẽ phải được tái cơ cấu mạnh mẽ với mục tiêu phát triển đội tàu biển VN theo hướng hiện đại, hiệu quả, chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dụng có trọng tải lớn. Đến năm 2020 tổng trọng tải đội tàu đạt từ 6,8 đến 7,5 triệu DWT.

Cùng đó, phải nâng thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lên 25 - 30%; Phát triển tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo; Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa là 21,25%, vận tải hành khách là 0,07% khối lượng vận tải toàn ngành; Phấn đấu đến năm 2020 giảm 15-20% chi phí so với hiện tại.

Theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật, hiện nay đội tàu VN có tổng trọng tải 7,3 triệu DWT với 1.840 tàu. “Vấn đề là cơ cấu đội tàu chưa hợp lý. Tàu chở hàng khô, hàng rời chiếm tới trên 80% đang dư thừa rất lớn, trong khi lại thiếu tàu chuyên dùng và tàu container, đặc biệt là tàu container trọng tải lớn. Tỷ trọng tàu container trong tổng trọng tải đội tàu rất thấp và tải trọng nhỏ, với 32 tàu container chỉ chiếm khoảng 3,81% tổng sản lượng đội tàu”, ông Nhật nói.

Không những vậy, tàu VN còn bị xếp vào nhóm tàu già, với tuổi trung bình trên 17 tuổi, cùng với năng lực tài chính và trình độ quản lý của các chủ tàu - đa số là chủ tàu nhỏ, nên rất hạn chế, mức độ cạnh tranh kém.

Để cơ cấu lại đội tàu cho hợp lý, cần tăng các tàu chuyên dùng có tải trọng lớn, trẻ hóa đội tàu bằng cách bán bớt các tàu già, tàu chở hàng rời nhỏ đang dư thừa. Cùng đó phải đầu tư thêm tàu mới chở dầu thô, tàu chở khí hóa lỏng, tàu container. Trong đó, tàu container tăng lên tương đương mức trung bình của thế giới hiện nay, khoảng 14% tổng sản lượng đội tàu và giảm tuổi tàu trung bình xuống còn dưới 10 tuổi, là mức tính toán có sức cạnh tranh trên thị trường hiện nay.

“Tàu già, nhỏ, chủ yếu là tàu hàng rời, do đó địa bàn hoạt động của đội tàu VN hiện rất hẹp, chỉ loanh quanh vận tải trong vùng biển VN, khu vực Ðông Nam Á, Trung Quốc, chưa thực hiện các chuyến đi thẳng, đi biển xa. Nếu không tái cơ cấu lại, vận tải biển VN sẽ không thể phát triển”, ông Nhật nhấn mạnh.

Thay đổi tập quán mua bán

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu đội tàu, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN Vinalines Lê Anh Sơn cho rằng, nếu không tái cơ cấu được đội tàu, Vinalines sẽ càng hoạt động càng lỗ.

“Hiện tại, ngoài việc phải nhanh chóng bán đi các tàu cũ, nhỏ kinh doanh thua lỗ, Vinalines cũng lên kế hoạch mua thêm các tàu chuyên dụng lớn, chứng minh năng lực của đội tàu VN đáp ứng yêu cầu của các chủ hàng xuất nhập khẩu. Cùng đó, chúng tôi cũng đang tích cực tiếp cận với các chủ hàng để có thể từng bước thay đổi tập quán lâu nay là mua CIF bán FOB (mua hàng tại cảng đến, bán hàng tại cảng đi)”, ông Sơn nói.

Về phía quản lý Nhà nước, Cục trưởng Nguyễn Nhật cho biết, phải nhanh chóng đổi mới thể chế chính sách, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, nhằm tạo động lực khuyến khích DN đầu tư vào vận tải biển.

Theo ông Nhật, các chính sách hiện nay đang đi đúng hướng và tới đây với Bộ luật Hàng hải VN được sửa đổi, bổ sung sẽ tạo đột phá cho tái cơ cấu vận tải biển. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.