Tài chính

Tăng trích lập dự phòng, nhiều ngân hàng vẫn lãi khủng

24/12/2020, 05:55

Nhiều ngân hàng đã tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn lãi khủng.

img

Vietcombank vẫn là ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trong hệ thống

Dự phòng cao vẫn lãi lớn

Tại Vietinbank, ba quý năm nay ngân hàng này trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 11.458,3 tỷ đồng, cao hơn con số 10.882,2 tỷ đồng. Con số trích lập dự phòng trong kỳ này tại Vietinbank cũng chiếm hơn phân nửa tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng là 21.822,3 tỷ đồng.

Con số trích lập dự phòng rủi ro nói trên của Vietinbank gần gấp đôi so với Vietcombank. Bởi tại Vietcombank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cả ba quý/2020 của ngân hàng này là 6.033,2 tỷ đồng.

Dù vậy, Vietcombank đã tăng 23,3% chi phí dự phòng so với cùng kỳ năm ngoái khiến chi phí dự phòng chiếm gần 1/3 tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng) của ngân hàng đứng đầu hệ thống này.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank cho biết, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của ngân hàng này lên tới 260%. Tức là, nếu có 100 đồng nợ xấu Vietcombank sẽ trích lập dự phòng 260 đồng.

Dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lớn đã kéo giảm tổng lợi nhuận trước thuế của Vietcombank kỳ này nhưng Vietcombank vẫn lãi 15.965,1 tỷ đồng.

Trong trường hợp mức trích lập dự phòng của Vietcombank tương đương với năm ngoái thì lợi nhuận ba quý năm nay Vietcombank cũng sẽ gần với con số của năm 2019 và đều trên 17.000 tỷ đồng.

Tại BIDV, con số trích lập dự phòng rủi ro tín dụng từ đầu năm tới ngày 30/9 cũng lên tới 16.119,2 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là 16.501,8 tỷ đồng) và chiếm hơn 2/3 lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh, nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao 30 - 90% trong 10 tháng đầu năm nay như: MSB, VIB, HDBank, ACB.

Trong đó, MSB có số trích lập dự phòng ba quý/lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập là 880,1/2.546,2 tỷ đồng. Tương tự, tại VIB là 659,6/4.684,2 tỷ đồng; HDBank là 1.132,6/5.514 tỷ đồng; ACB là 694,2/7.105,3 tỷ đồng; ABBank là 402,7/1.348 ,3 tỷ đồng. Hay tại VPBank, mức trích lập dự phòng đến hết quý 3 đạt 10.303,5 tỷ đồng, chiếm 52,3% lãi thuần từ hoạt động kinh doanh.

Chưa giảm thêm lãi suất vì lo nợ xấu?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích, khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng tăng lên là do nợ xấu tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn.

Nhưng dù tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro (tăng khoảng 17% trên toàn hệ thống) thì ngân hàng vẫn làm ăn có lãi với lợi nhuận trước dự phòng của hệ thống tăng trên 10% so với cùng kỳ 2019.

Trong bối cảnh lãi suất huy động hiện đã giảm xuống mức rất thấp nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm tương ứng, chênh lệch giữa lãi suất huy động - cho vay vẫn ở mức cao, thì bức tranh lợi nhuận trên khiến nhiều người cho rằng ngân hàng rõ ràng chưa đồng hành với doanh nghiệp. “Nhận định này là đúng. Có thể, các ngân hàng chưa muốn giảm thêm lãi suất để còn xử lý nợ xấu”, ông Hiếu nói.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2020 đến nay, cơ quan này đã điều chỉnh giảm ba lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5 - 2,0%/năm, giảm trần lãi suất huy động 0,6 - 1,5%/năm.

Trong khi đó, lãi suất cho vay doanh nghiệp bình quân mới giảm 0,6 - 0,8%/năm, chỉ một số ngân hàng có mức giảm 1 - 2,5%/năm. Ngoài Vietcombank mới nhất ngày 16/12 công bố giảm thêm 1% lãi vay sau 4 đợt giảm lãi suất trước đó, các doanh nghiệp hy vọng các ngân hàng khác tiếp tục giảm thêm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản suất trong đầu năm tới.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng có lợi nhuận và biên độ lợi nhuận cao, đáng lý cần giảm thêm lãi suất cho vay. Nhưng vì lo ngại nợ xấu thực tế cao hơn báo cáo và nhiều ngân hàng không chuyển nhóm nợ.

“Tôi nghĩ các ngân hàng ngoài việc có quỹ dự phòng cho nợ xấu thì nên có sổ riêng theo dõi nợ xấu nếu không chuyển nhóm theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước để đề phòng trường hợp nợ xấu chuyển hướng tệ hơn”, ông Hiếu cho hay. Chuyên gia này cũng cho biết nhiều ngày gần đây đã kiến nghị lập cơ chế tổ hợp tín dụng, yêu cầu các ngân hàng đều phải tham gia cho vay các DNNVV, nhất là DN chịu tác động nặng bởi dịch bệnh.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, ước tính, nợ xấu gộp đến cuối năm 2020 sẽ khoảng 4,5%, đến năm 2021 có thể tăng lên 5 - 6%. Các khoản trích lập dự phòng tăng cao cũng sẽ tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2021. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ giúp kinh tế phục hồi nhanh chóng hơn. Đây cũng là yếu tố quyết định không nhỏ tới màu sắc của bức tranh ngân hàng năm 2021.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.