Thị trường

Tăng trưởng dương, giải ngân kỷ lục và top sự kiện kinh tế nổi bật 2020

27/12/2020, 14:18

Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia có tăng trưởng dương trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19...là sự kiện nổi bật năm 2020.

Một năm đối mặt với thảm họa kép do dịch bệnh Covid-19 "chưa từng có tiền lệ" và thiên tai "trăm năm mới thấy" bởi thời tiết cực đoan, Việt Nam vẫn là một trong số rất ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương trong bối cảnh toàn cầu suy thoái trầm trọng nhờ chống dịch thành công. Năm 2020 cũng là một năm đánh dấu nhiều sự kiện kinh tế chưa từng có trong lịch sử để thúc đẩy nền kinh tế và hỗ trợ kịp thời cho trạng thái "bình thường mới".

1. GDP tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng

Kinh tế Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng dương năm 2020 trong bối cảnh toàn cầu suy thoái trầm trọng.

Kinh tế Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng dương năm 2020 trong bối cảnh toàn cầu suy thoái trầm trọng.

Năm 2020, trong khi kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề do đại dịch Covid-19 thì Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến đạt 2,5-3%. Trong báo cáo về thị trường cận biên (Frontier Market) tại châu Á vừa công bố, HSBC dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2020 - quốc gia ASEAN duy nhất tăng trưởng dương. Năm 2021, HSBC dự báo tăng trưởng của Việt Nam có khả năng đạt 8,5%.

Trong khi đó, dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng kinh tế toàn cầu giảm 4,5% năm 2020; Fitch Ratings và Oxford Economics dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2020 đều ở mức giảm 4,4%.

Đối với một số nền kinh tế lớn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP của Trung Quốc đạt 1,8%; GDP của Hoa Kỳ giảm 5,3%; GDP của khu vực đồng Euro giảm 8,0%; GDP của Nhật Bản giảm 5,4%%; GDP của Indonesia giảm 1,0%; GDP của Malaysia giảm 5,0%; GDP của Thái Lan giảm 8,0%; GDP của Philippine giảm 7,3% và GDP của Singapore giảm 6,2%...

2. NHNN 3 lần giảm lãi suất điều hành, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp kỉ lục

img

Phát biểu tại "Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021", Thủ tướng Chính phủ kêu gọi "Ngân hàng phải giảm tiếp lãi suất chứ không nên đặt lợi nhuận kếch xù".

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 đến 2,0%/năm lãi suất điều hành (là một trong các ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực).

Theo đó, giảm 0,6 đến 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; Giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.

Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Đến 21/12/2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so cùng kỳ 2019.

3. Chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng

img

Thị trường chứng khoán 2020 ghi dấu năm phục hồi mạnh mẽ để trở thành kênh huy động vốn quan trọng khi các loại tài sản rủi ro tăng cao.

Năm 2020 được đánh dấu là năm biến động khó lường của thị trường tài chính và cũng chính là năm đánh dấu 20 năm trưởng thành của thị trường chứng khoán khi duy trì hoạt động ổn định trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và phục hồi mạnh mẽ để trở thành kênh huy động vốn quan trọng khi các loại tài sản rủi ro tăng cao.

Tính đến 30/11/2020, tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 6,11 triệu tỷ đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm 101,33% GDP, vượt mục tiêu chiếm 70% GDP đề ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán tới năm 2020.

Trong đó, chỉ số chứng khoán phục hồi mạnh mẽ với chỉ số VNIndex đạt 1003,08 điểm, tăng 4,4%; Chỉ số HNX-Index đạt mức 147,7 điểm, tăng 44% so với cuối năm 2019. Thanh khoản của thị trường cổ phiếu duy trì ở mức khá cao với giá trị giao dịch bình quân đạt 6.671 tỷ đồng/phiên, tăng 43,2% so với năm trước. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 4.770 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2019, tương đương 79% GDP…

4. Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong một thập kỷ

img

Đến 25/11, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là 7.864,712/10.828,276 tỷ đồng, đạt 72,6% kế hoạch.

Năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, trong 11 tháng đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong một thập kỷ.

"Tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong tháng 10 và 11 năm 2020. Có 15 Bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/11 đạt trên 75%, trong đó 9 Bộ, cơ quan trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85%", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp Chính phủ ngày 2/12.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến ngày 25/11, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là 7.864,712/10.828,276 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 (bao gồm cả năm 2019 chuyển sang và điều chỉnh kế hoạch nội bộ kế hoạch năm 2020), đạt 72,6%.

Chính phủ nhận định việc tiếp tục đẩy mạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

5. Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn

img

Những người dân có hoàn cảnh khó khăn ngồi chờ nhận quà từ một nhóm từ thiện trên đường Lý Chính Thắng (quận 3, TP HCM) chiều 3/4. Ảnh: Nguyệt Nhi.

Đây là năm đầu tiên Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Đó là, chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng; Chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ DN trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng; Gói chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ ngày 24/4 đã ký ban hành quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là quyết định có liên quan đến khoảng 20 triệu người dân với bảy nhóm đối tượng thụ hưởng được xem là quyết định chưa có tiền lệ ở nước ta. Chính sách này thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ðảng và Nhà nước đối với người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

6. Nhiều hiệp định FTAs quan trọng tạo động lực thúc đẩy kinh tế

img

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, đại diện Việt Nam, ký Hiệp định RCEP. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Năm 2020 ghi dấu ấn với việc Việt Nam đạt thành công trong đàm phán hàng loạt thỏa thuận thương mại quan trọng.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 sau sau 9 năm đàm phán đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược về thương mại cho Việt Nam trong giai đoạn tới khi EVFTA xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và châu Âu trong 10 năm tới. Hai phần ba (tương đương khoảng 65%) giá trị hàng hóa xuất khẩu từ châu Âu và 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được tự do hóa ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực.

Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 do Việt Nam tổ chức trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Hiệp định RCEP bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand được kỳ vọng sẽ tạo nên một thị trường thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay với tổng GDP 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP và gần 28% thương mại toàn cầu.

Đầu tháng 12, Việt Nam cũng đã hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA). UKVFTA sẽ tiếp nối quan hệ thương mại Việt – Anh khi EVFTA không còn áp dụng với Anh sau 31/12/2020 vì Brexit. Hiệp định có hiệu lực vào đầu năm sau sẽ giúp Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới.

“Việc gia nhập nhiều hiệp định FTAs quan trọng đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng và xuất khẩu đạt kết quả ấn tượng trọng bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới”, Thủ tướng Chính phủ đánh giá.

7. Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia

img

Lần đầu tiên Chính phủ ban hành quyết định về chuyển đổi số quốc gia, đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành quyết định về chuyển đổi số quốc gia, đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn tầm toàn cầu.

Mục tiêu của chương trình đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh.

8. Xuất siêu đạt mức kỷ lục

img

Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt con số kỷ lục từ trước đến nay là 540 tỷ USD.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy nặng nề, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn đạt mức cao, đưa xuất siêu đạt mức kỷ lục với con số ước tính hơn 20 tỷ USD/11 tháng. Và có tới 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu; Trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia dự báo, nếu tiếp tục duy trì chiều hướng tích cực như thời gian gần đây (trung bình trị giá từ 50 tỷ USD/tháng), 2 tháng cuối của năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ có thêm 100 tỷ USD và đưa kết quả cả năm đạt con số kỷ lục từ trước đến nay là 540 tỷ USD.

9. Hàng không và du lịch thua lỗ nặng nề

img

Ngành hàng không toàn cầu tiếp tục giảm số chuyến bay.

Năm 2020, lĩnh vực hàng không và du lịch trải qua một năm khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Trong đó, chỉ riêng Vietnam Airlines đã lỗ trên 15.000 tỷ đồng. Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines cũng dự báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ngành du lịch cũng thiệt hại nặng nề với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm gần 50%. Ước tính tổng thiệt hại của ngành du lịch lên đến 530 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo mới nhất cho thấy, vận tải hành khách 11 tháng năm 2020 đạt 3.215,9 triệu lượt vận chuyển, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%) và luân chuyển 146 tỷ lượt khách, giảm 35,1% (cùng kỳ năm trước tăng 10,7%). Vận tải hàng hóa 11 tháng đạt 1.606,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,6%) và luân chuyển 304,2 tỷ tấn, giảm 7,9% (cùng kỳ năm trước tăng 7,7%).

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2020 ước tính đạt 17,7 nghìn lượt người, tăng 19,6% so với tháng trước và giảm 99% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.821 nghìn lượt người, giảm 76,6% so với cùng kỳ năm trước.

10. Khởi công nhiều dự án giao thông lớn

img

Phối cảnh sân bay Long Thành.

Sau 20 năm chuẩn bị, sân bay Long Thành dự kiến khởi công đầu năm 2021 với tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng (4,6 tỷ USD). Sân bay Long Thành có mục tiêu trở thành cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia và là trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Dự án sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp; Vốn ngân sách chi trả công tác giải phóng mặt bằng và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Cũng trong năm 2020, ba dự án thành phần cao tốc Bắc Nam khác, gồm đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, đồng loạt khởi công vào tháng 9 đã đánh dấu bước tiến đầu tư tuyến cao tốc Bắc Nam dài 654 km. Ba dự án với tổng vốn trên 35.000 tỷ đồng được Quốc hội quyết định chuyển hình thức đầu tư từ đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công vào tháng 6 và được triển khai "thần tốc, chưa từng có trong lịch sử ngành giao thông" chỉ sau hai tháng chuẩn bị.

Theo kế hoạch, các dự án cao tốc Bắc Nam sẽ hoàn thành vào năm 2023, giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Hà Tĩnh còn khoảng 5 giờ (thay vì 7-8 giờ hiện nay); từ TP HCM đến Nha Trang còn 4-5 giờ (thay vì 8-9 giờ). Các dự án cũng góp phần phát triển kinh tế xã hội của 13 tỉnh, thành nơi tuyến đường đi qua.

Nửa đầu năm, nhiều dự án quy mô lớn khác cũng được xây dựng như cầu Mỹ Thuận 2 nối Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2023; Hai dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước 31/12...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.