Kinh tế

Tăng trưởng GDP chưa đạt chỉ tiêu

01/11/2014, 12:48

Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 không đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trồng trọt vẫn chiếm trên 50% cơ cấu nội ngành nông nghiệp, trong đó lúa gạo vẫn chiếm tỷ trọng chính mặc dù hiệu quả kinh tế của cây lúa đem lại không cao - ảnh minh họa - K.T
Trồng trọt vẫn chiếm trên 50% cơ cấu nội ngành nông nghiệp, trong đó lúa gạo vẫn chiếm tỷ trọng chính mặc dù hiệu quả kinh tế của cây lúa đem lại không cao - ảnh minh họa - K.T

Báo cáo giám sát trình bày tại Quốc hội sáng nay (1/11), Ủy ban Kinh tế cho biết, qua hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chất lượng nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực với việc duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng, lạm phát được kiềm chế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng năm 2011: 6,24%; năm 2012: 5,25%; năm 2013: 5,42%, năm 2014 ước đạt 5,8%; năm 2015 dự báo tăng 6,2%.

GDP bình quân đầu người năm 2011 là 1.543 USD, năm 2012 là 1.755 USD, năm 2013 là 1.911 USD. Chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,1% (năm 2011) xuống 6,8% (năm 2012); 6,04% (năm 2013); CPI đến tháng 9/2014 so với cuối năm 2013 chỉ tăng 2,25%. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là tại 62 huyện thuộc Chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ giảm nhanh qua các năm, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực. Thành tựu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 không đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội (6,5-7%): giai đoạn 2011-2014 tăng trưởng tăng bình quân 5,67%, ước thực hiện 5 năm 2011-2015 là 5,78%. Điều này cho thấy những tồn tại yếu kém nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt.

Từ năm 2012 đến hết tháng 8/2014, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 214 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống năm 2012: 4,08% tổng dư nợ, năm 2013: 3,61%, đến tháng 8/2014: 3,9%. Trong 8 tháng đầu năm 2014, tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro là 11,2 nghìn tỷ đồng. Ngoài số nợ xấu được các tổ chức tín dụng báo cáo, đến cuối tháng 8/2014, có 316,2 nghìn tỷ đồng dư nợ đã được giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN và Thông tư số 09/2014/TT-NHNN. Tính đến ngày 30/9/2014, VAMC đã mua 5.053 khoản nợ của 35 TCTD, với tổng dư nợ gốc là 82,8 nghìn tỷ đồng, giá mua 68 nghìn tỷ đồng từ các TCTD, bán được hơn 1,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Về việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, Ủy ban Kinh tế cho biết, đã có một số nổi bật so với giai đoạn trước 2010.

“Đầu tư từ khu vực nhà nước đóng góp đáng kể trong tổng đầu tư toàn xã hội trong bối cảnh tổng cầu giảm, đầu tư từ các khu vực khác giảm sút. Huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước thu được kết quả nhiều hơn, tiêu biểu là huy động xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông;  Phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung hơn; bố trí vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm tập trung cho các dự án quan trọng, cấp bách”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Thực hiện tái cơ cấu DN nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong 3 năm 2011-2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, trong đó cổ phần hóa 99 DN với số cổ phần chào bán giá trị gần 19 nghìn tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2014, đã tiếp tục sắp xếp 92 DN, trong đó CPH 71 DN, giải thể 2 DN, bán 1 DN, sáp nhập 15 DN và đề nghị phá sản 3 DN. Theo kế hoạch đến cuối năm 2014 sẽ có khoảng 200 DN thực hiện cổ phần hóa và cuối quý III/2015 toàn bộ các DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa để tiến hành bán cổ phần lần đầu. Bên cạnh hình thức CPH, trong giai đoạn 2011-2013 cũng đã có 81 DN cũng được thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác.

“Vốn của DNNN cơ bản được bảo toàn, năng lực tài chính được bảo đảm. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp được tăng cường”, ông Giàu nói và dẫn chứng, có gần 22.000 tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính cần thoái vốn thì số vốn đã thực hiện thoái vốn trong 7 tháng đầu năm 2014 đã gấp 3 lần so với năm 2013. Cụ thể: năm 2013 đã thực hiện thoái vốn 965 tỷ đồng (lĩnh vực ngân hàng là 734,7 tỷ đồng, bảo hiểm 135 tỷ đồng, bất động sản 103,5 tỷ đồng, các quỹ đầu tư 7 tỷ đồng); trong 7 tháng đầu năm 2014 đã thoái vốn được 2.975 tỷ đồng (chứng khoán 137 tỷ đồng; lĩnh vực ngân hàng 1.898 tỷ đồng; bảo hiểm 150 tỷ đồng; bất động sản 104 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ 686 tỷ đồng).

Liên quan đến thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, báo cáo giám sát cho biết, đã hoàn thành cơ bản phê duyệt các phương án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém. Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã xác định và chỉ đạo tập trung cơ cấu lại một số NHTM cổ phần yếu kém có nguy cơ đổ vỡ. Sau hơn 2 năm thực hiện, đã phê duyệt 8/9 phương án cơ cấu lại của các NHTM cổ phần yếu kém. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, việc triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt được tiến hành tích cực tại từng ngân hàng.

“Việc cơ cấu lại được triển khai trong tất cả các khối tổ chức tín dụng, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được bảo đảm và khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng được cải thiện; Xử lý nợ xấu ngân hàng thương mại đạt được kết quả ban đầu bằng nguồn trích dự phòng rủi ro và VAMC”, ông Giàu cho hay.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.