Làm báo cùng Giao thông

Tăng tuổi nghỉ hưu hay tinh lọc bộ máy?

14/10/2016, 07:24

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nam và nữ đang được tranh luận sôi nổi.

8

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nam và nữ đang được tranh luận sôi nổi - Ảnh: Khánh Linh

Chồng tôi là lao động chính trong nhà, đi làm nuôi cả gia đình gồm một vợ và ba con nhỏ. Sống được và sống đàng hoàng nhờ chính sách hỗ trợ vô cùng nhân đạo của Chính phủ Bỉ, ba đứa con đều có trợ cấp của Chính phủ, mỗi đứa 250 eur/tháng.

Trẻ em từ 6 tháng tuổi trong bụng mẹ đã được kê khai như một công dân và từ 8 tháng tuổi trong bụng mẹ đã được nhận một khoản tiền từ 800 eur đến hơn 1.000 eur (tùy thuộc con thứ mấy) để bố mẹ sắm sửa những vật dụng cần thiết cho sự chào đời của công dân mới.

Yen Cuypers

Yen Cuypers

Người lao động chính trong nhà được tính giảm thuế (vốn rất cao trong xã hội châu Âu) theo số nhân khẩu ăn theo trong nhà, tương tự như ở Việt Nam gọi là chính sách “miễn trừ gia cảnh”.

Tuy làm một công việc tốt, lương khá cao so với mặt bằng chung xã hội nhưng chồng tôi luôn muốn được nghỉ hưu sớm do tính chất công việc nặng nhọc. Anh đang làm công việc kỹ thuật điều khiển dây chuyền sản xuất tại một nhà máy sản xuất ô tô của Đức. Đây là một trong những ngành nghề được xếp vào nhóm lao động nặng nhọc nên ngoài lương trả và bảo hiểm của doanh nghiệp, người lao động còn được hưởng thêm một bảo hiểm của Chính phủ dành riêng cho ngành Công nghiệp nặng.

Tuổi nghỉ hưu tại Vương quốc Bỉ, cũng giống như một số nước Tây Âu lân cận là 65 và 67 tuổi, tùy từng ngành nghề (với những nhóm lao động nặng nhọc, người lao động được nghỉ hưu sớm hơn hai năm). Lương nghỉ hưu được tính trung bình trên toàn bộ thời gian đi làm. Ngoài ra, người lao động có quyền nghỉ hưu từ tuổi 58 và 60 (tùy ngành nghề).

Người nghỉ hưu sớm vẫn được hưởng gần như đủ lương như khi họ đi làm. Chính vì vậy, không ít người châu Âu muốn được nghỉ hưu sớm, để hưởng thụ cuộc sống thanh nhàn.

Cũng phải nhận xét thêm, tuy có phần chủ quan và chưa biết đã có những điều tra xã hội học về sức khỏe lao động của người phương Tây và người châu Á nói chung, người Việt Nam nói riêng hay không, nhưng dựa trên thói quen sinh hoạt và môi trường sống, chính sách y tế và chăm sóc, nghỉ phép của người lao động thì người phương Tây thường có sức khỏe khá tốt và bền bỉ ở độ tuổi 60, 70. Chuyện vui giữa những người bạn, chúng tôi thường nói: “Người Việt Nam 50 tuổi đã nghĩ đến chuyện về vườn bế cháu, người phương Tây 70 tuổi còn lên kế hoạch cho 20 năm sau”.

Tất nhiên không phải là tất cả, nhưng phải nói rằng tư tưởng thoáng đạt, lối sống tích cực về tinh thần và đầy đủ về vật chất, ít lo nghĩ (vì xã hội đã có những chính sách bảo đảm phúc lợi hiệu quả cho người dân) nên người phương Tây khá có ưu thế về sức khoẻ lao động và khả năng sáng tạo ngay cả ở độ tuổi 60, 70.

Hiện nay, đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của CB,CNVC của Bộ LĐ,TB&XH dự kiến sẽ tăng từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ, tăng từ 60 lên 62 tuổi đối với nam đang được tranh luận sôi nổi.

Chính sách nghỉ hưu có liên quan sát sao đến quyền lợi người lao động, thay đổi để phù hợp với xu thế chung là cần thiết nhưng xem xét trên những tiêu chí, mục đích nào thì cần phải làm rõ? So sánh với các quốc gia trên thế giới cũng cần đặt trong tổng thể nghiên cứu chung về chính sách phúc lợi, đặc điểm xã hội và con người từng đất nước chứ không thể chỉ vì mục đích “tránh vỡ quỹ bảo hiểm xã hội và tình trạng già hóa dân số”.

Chưa kể, tăng tuổi hưu thêm hai năm thì cũng phải trả lương 100% cho hai năm trong khi lao động trẻ thất nghiệp cao, việc làm thì ít do người cao tuổi vẫn tiếp tục làm việc.

Cần phải khẳng định, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện nay thấp hơn thế giới là một thực tế. Nhưng tuổi thọ trung bình của ta cũng thấp hơn thế giới, nhất là các nước phát triển. Xu hướng tăng tuổi về hưu là hợp lý, nhưng tăng vào thời điểm nào thì phù hợp với xã hội ta?

Ở Việt Nam, nếu có thay đổi gì với những người ăn lương Nhà nước vào thời điểm này, cá nhân tôi cho rằng, không phải là độ tuổi nghỉ hưu mà chính là cần thay đổi cách đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Nếu định lượng được hiệu quả công việc của CB,CNVC, từ đó thay thế, cắt giảm được những công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” thì bộ máy Nhà nước hiệu quả gọn nhẹ sẽ giảm áp lực lên quỹ bảo hiểm xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.