Chính trị

Tăng tỷ lệ người ngoài Đảng tham gia Quốc hội là cần thiết

12/03/2021, 06:16

Việc tăng tỷ lệ người ngoài Đảng tham gia Quốc hội là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp ở thời điểm hiện tại.

img

Ông Đinh Xuân Thảo

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, việc tăng tỷ lệ người ngoài Đảng tham gia Quốc hội là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp ở thời điểm hiện tại.

Sau hiệp thương lần thứ nhất, MTTQ có đề xuất tăng tỷ lệ ĐBQH là người ngoài Đảng so với dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khoá XIV, tỷ lệ ĐBQH ngoài Đảng cũng chưa đạt được mục tiêu đề ra. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Đề xuất này là hoàn toàn hợp lý và đúng đắn ở thời điểm hiện tại. Việc tăng tỉ lệ người ngoài Đảng trong Quốc hội sẽ góp phần tăng tính dân chủ trong sinh hoạt nghị trường cũng như ngoài xã hội.

Không những vậy, điều này phần nào huy động được sức mạnh của những người dân có trình độ, tài năng, phẩm chất đạo đức tham gia vào cơ quan lập pháp.

Chúng ta thấy đảng viên đều là những người ưu tú, đều phấn đấu vì đất nước, dân tộc nhưng số lượng đảng viên chỉ có trên 5 triệu người, trong khi dân số cả nước gần 100 triệu người. Chính vì vậy việc tăng tỷ lệ người ngoài Đảng tham gia Quốc hội là hoàn toàn phù hợp.

Có một thực tế, với những cá nhân tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực có thể vì nhiều lý do họ chưa trở thành đảng viên. Chính vì vậy, nếu có đủ điều kiện và tiêu chuẩn thì cũng nên quan tâm và tạo điều kiện cho họ được ứng cử.

Theo tôi, nếu đạt được tỉ lệ 25 - 50 đại biểu là người ngoài Đảng trong Quốc hội khóa này là rất tốt. Khi họ được tạohiện điều kiện tối đa thì tôi tin tưởng với tỉ lệ này, sẽ phát huy được trí tuệ và tinh thần đoàn kết của tất cả các giai tầng, thành phần trong Quốc hội.

Ngoài những tiêu chuẩn chung, người ứng cử ĐBQH sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, lĩnh vực chuyên môn, vị trí công tác và độ tuổi theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức. Với đảng viên thì đã rõ, song với người ngoài Đảng thì có cần thêm tiêu chuẩn, điều kiện gì?

Người ngoài Đảng phải được kết luận về tiêu chuẩn chính trị. Bản thân họ phải nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, am hiểu pháp luật và có năng lực xây dựng pháp luật. Đồng thời những người này cần có trình độ chuyên môn sâu và kiến thức thực tiễn.

Điểm đáng chú ý trong dự kiến cơ cấu đại biểu lần này là người ngoài Đảng có thể từ 25 - 50 đại biểu. Điều này góp phần đảm bảo tính dân chủ, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, nếu họ thực sự có tâm huyết, trí tuệ, sẵn sàng cống hiến, vì nước, vì dân.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn của người tham gia ứng cử là người ngoài Đảng. Những tiêu chí, tiêu chuẩn cần phải được tuân thủ chặt chẽ, chỉ có thế thì chúng ta mới có được những đại biểu chất lượng cả về trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức.

Để khuyến khích người ngoài Đảng tham gia ứng cử ĐBQH, cần có cơ chế như thế nào?

Như đã nói ở trên, việc khuyến khích người ngoài Đảng tham gia vào Quốc hội đã được thực hiện ở các khóa vừa qua. Hàng lang pháp luật cũng đã quy định rất rõ về việc người ngoài Đảng có quyền ứng cử ĐBQH, đáp ứng được các tiêu chuẩn của ĐBQH quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội.

Chúng ta đang kỳ vọng đạt từ 25 - 50 người ngoài Đảng tham gia vào Quốc hội, muốn đạt được điều này thì trước hết cần tăng số lượng người ngoài Đảng ứng cử. Ví dụ để đạt được số lượng như vậy thì chúng ta cũng phải có 60 - 80 ứng viên là người ngoài Đảng để khi bầu có người trượt có người trúng, số lượng sẽ đảm bảo như kỳ vọng.

Công tác tuyên truyền cũng là một trong những yếu tố giúp khuyến khích người ngoài Đảng tham gia ứng cử ĐBQH. Điều này phần nào giúp người ngoài Đảng hiểu và biết được chủ trương tăng tỷ lệ người ngoài Đảng tham gia Quốc hội.

Theo ông, làm thế nào để thực sự lựa chọn được những ứng viên chất lượng, bởi lẽ không phải người ngoài Đảng nào ứng cử cũng đồng nghĩa với việc người đó đủ trình độ, năng lực, phẩm chất?

Theo tôi tiêu chuẩn để lựa chọn người ngoài Đảng và trong Đảng tham gia vào đội ngũ ĐBQH là như nhau, không có gì khác biệt quá lớn. Có chăng chỉ là một bên là người trong Đảng một bên là người ngoài Đảng.

Chính vì vậy để lựa chọn được những đại biểu ngoài Đảng thật sự chất lượng tham gia Quốc hội, trước hết phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia ứng cử Quốc hội.

Muốn làm như vậy thì quy trình giới thiệu và hiệp thương cần chặt chẽ. Trong đó, tất cả những ai ứng cử hay tự ứng cử, người ngoài Đảng hay đảng viên đều bình đẳng trước pháp luật.

Dù là đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tự ứng cử hay đại biểu được giới thiệu cũng đều phải nhận được sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác cũng như nơi cư trú theo đúng quy trình. Đây cũng là một trong những khâu đầu tiên rà soát, phát hiện những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Những người được giới thiệu, người tự ứng cử đều bảo đảm đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn khi đã đưa ra công khai ở các hội nghị cử tri, hội nghị hiệp thương.

Trong đó, các quy trình để giới thiệu thực sự dân chủ, công khai, các bước trong quy trình được tuân thủ thì không lý gì người đủ điều kiện, tiêu chuẩn lại không được lựa chọn. Qua các hoạt động tiếp xúc sau các vòng hiệp thương, người dân theo dõi, nhận xét, đánh giá cũng là một cơ sở để có thể đánh giá ứng cử viên.

Theo dõi hoạt động của ĐBQH ngoài Đảng khoá XIV, ông đánh giá thế nào?

Trước hết phải nói rằng, họ đều được cử tri tín nhiệm. Họ là những trí thức, có kinh nghiệm hoạt động trên các lĩnh vực nên các ý kiến đóng góp của họ trên nghị trường đều rất sâu sắc, tích cực.

Những đại biểu ngoài Đảng đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm cao trước nhân dân. Một điểm đáng chú ý ở người ngoài Đảng tham gia Quốc hội là sự thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm và ý thức xây dựng.

Theo tôi những đóng góp tích của các đại biểu ngoài Đảng ở khóa vừa rồi là động lực để cho những người ngoài Đảng tham gia vào Quốc hội kỳ tới. Từ đó họ có thể cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho công cuộc cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng giàu mạnh lên.

Trong báo cáo của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về kết quả hội nghị hiệpthương lần thứ nhất bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng thêm tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng so với dự kiến.

Ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, theo cơ cấu dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tỷ lệ này phấn đấu khoảng 5 - 10%. Với tỷ lệ này, những người ngoài Đảng hay người tự ứng cử sẽ có số lượng từ 25 - 50 đại biểu.

Tuy nhiên, sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thì vẫn chưa đạt được con số này, mới được hơn 7%. “Nhưng đây mới là hiệp thương lần 1, sau lần 2 có thể bổ sung. Với tỷ lệ tối đa là 10% thì “cửa” để những người tự ứng cử là thoải mái”, ông Lềnh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.