Giao thông

Tạo cơ chế giảm rủi ro khi đầu tư hạ tầng

05/04/2017, 06:02

Bộ GTVT đã và đang xây dựng cơ chế nhằm đẩy mạnh công tác hút vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng...

1

Công tác kêu gọi xã hội hóa đầu tư của Bộ GTVT không chỉ tập trung ở lĩnh vực đường bộ mà còn ở các lĩnh vực khác: Hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không (Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) - Ảnh: Tạ Tôn

Trao đổi với Báo Giao thông trước Hội nghị giao ban quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2017 của Bộ GTVT tổ chức sáng nay (5/4), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT đã và đang xây dựng cơ chế nhằm đẩy mạnh công tác hút vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông. Trong đó, nhiều chính sách sẽ giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước giảm thiểu rủi ro. 

Xây dựng cụ thể lộ trình kêu gọi đầu tư giai đoạn đến năm 2020

Với khẩu hiệu hành động: “Phát huy truyền thống “đi trước mở đường”, tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, quyết liệt hành động vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp”, xin Thứ trưởng chia sẻ những kết quả nổi bật của ngành GTVT trong quý đầu năm 2017?

Năm 2017 là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm (2016 - 2021), Bộ GTVT đã tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch cho toàn khóa với tinh thần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trên tất cả lĩnh vực. Cụ thể, Bộ GTVT đã xây dựng các cơ chế để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hạ tầng giao thông và các chính sách nhằm giải quyết tốt nhất các vấn đề vận tải, tăng cường kết nối các loại hình vận tải. Đồng thời, Bộ GTVT cũng tiến hành xây dựng cơ chế thông thoáng để việc kết nối giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ GTVT được thuận lợi hơn thông qua các website và các cuộc đối thoại trực tiếp.

"Bộ GTVT sẽ kiên quyết xử lý những doanh nghiệp không tuân thủ các quy định trong kinh doanh vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, trong đó có thể xử lý ở mức nặng là rút giấy phép của doanh nghiệp”.

Thứ trưởng
Nguyễn Hồng Trường

Trong quý I/2017, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện Luật Đường sắt (sửa đổi) để Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua vào Kỳ họp thứ 3. Bên cạnh đó, Bộ GTVT tiến hành tổng kết Luật GTĐB để chuẩn bị trình Quốc hội sửa đổi luật này và tiếp tục triển khai các cơ chế thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) cho tuyến cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển và các dự án hạ tầng khác.

Ba tháng đầu năm 2017, Bộ GTVT tăng cường đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp theo hướng những doanh nghiệp nào đã cổ phần hóa thì tiếp tục thoái vốn và chuyển phần vốn Nhà nước còn lại tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC quản lý. Đối với những doanh nghiệp khác, Bộ GTVT tiếp tục xây dựng phương án cổ phần hóa trong năm 2017, đồng thời, đưa ra các giải pháp mạnh để sắp xếp các doanh nghiệp này, điển hình như: Tổng công ty Hàng hải VN, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy… Liên quan đến các doanh nghiệp sự nghiệp, Bộ GTVT cũng đang xây dựng chương trình, đề án để tiến hành cổ phần hóa khi điều kiện cho phép.

Riêng lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, trong quý I/2017, Bộ GTVT tập trung tăng cường giải ngân vốn xây dựng cơ bản, nhất là nguồn vốn dư của dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Cùng đó, Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội thông qua danh mục vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, làm tiền đề để bứt phá đầu tư hạ tầng vào những năm tiếp theo. Bộ GTVT cũng đang đẩy mạnh công tác quyết toán các dự án BOT hoàn thành để xác định giá trị thực tế đầu tư và thời gian thu phí của các dự án.

3

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường

Tại buổi làm việc với Bộ GTVT mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT triển khai 9 vấn đề nóng, trong đó có tháo gỡ thể chế, chính sách để đẩy mạnh công tác thu hút nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức xã hội hóa. Việc này được Bộ GTVT thực hiện thế nào, thưa Thứ trưởng?

Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn (2016 - 2020) rất rõ ràng, cụ thể. Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành GTVT từ nay đến năm 2020 cần khoảng 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, dự kiến số vốn ngân sách Nhà nước mà bộ được phân bổ giai đoạn 2016 - 2020 là 188.200 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được khoảng 31% tổng nhu cầu. Do vậy, khoảng gần 70% số vốn còn lại, Bộ GTVT sẽ phải tập trung kêu gọi vốn đầu tư bằng nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ GTVT đã xây dựng các cơ chế nhằm đẩy mạnh công tác hút vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông. Trong đó, Bộ GTVT đưa ra danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư một cách chi tiết, kèm theo cơ chế nhằm giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, Bộ GTVT cũng xây dựng các chính sách tăng cường hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án theo Nghị định 15 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP. Đặc biệt, Bộ GTVT đã xây dựng lộ trình để kêu gọi đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và đang trình Chính phủ để thông qua trong quý II/2017.

Tôi nói thêm, thời gian tới, công tác kêu gọi xã hội hóa đầu tư của Bộ GTVT không chỉ tập trung ở lĩnh vực đường bộ, mà còn ở các lĩnh vực: Hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ xây dựng cơ chế để chuyển nhượng các dự án hạ tầng, đặc biệt là các dự án đã đầu tư để có thêm nguồn lực thu hút đầu tư.

Chính phủ vừa đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT về việc sắp xếp các ban QLDA trực thuộc để nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn, quản lý và triển khai các dự án xây dựng hạ tầng giao thông. Tới đây, tổ chức các ban QLDA sẽ thế nào?

Việc sắp xếp các ban QLDA là một trong những chủ trương của Bộ GTVT trong quá trình thực hiện sắp xếp lại cơ quan, bộ máy theo Nghị định 12/2017 của Chính phủ. Cụ thể, Bộ GTVT sẽ tổ chức sắp xếp lại các ban QLDA theo vùng, miền: Bắc - Trung - Nam nhằm tạo ra những ban QLDA có năng lực thực sự, đủ mạnh để đảm đương các dự án lớn, đồng thời sẽ giảm thiểu việc đi lại, giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành đạt hiệu quả hơn. Trên cơ sở đó, Bộ đang xây dựng phương án sắp xếp theo hướng giảm số lượng và tăng chất lượng các ban QLDA, đồng thời lựa chọn đội ngũ cán bộ, quản lý của các ban QLDA có đủ năng lực, phẩm chất để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Về lộ trình, hiện nay, Ban cán sự Đảng Bộ GTVT đã thông qua đề án sắp xếp các ban QLDA lần 1 và đang giao Vụ Tổ chức cán bộ, các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện để thông qua đề án chính thức. Dự kiến, trong quý III/2017, việc tổ chức, sắp xếp lại các ban QLDA thuộc Bộ GTVT sẽ hoàn thành. Khi đề án này được triển khai thực hiện, chúng ta sẽ có các ban QLDA chuyên ngành về đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy và hàng không.

2
Dự kiến vốn ngân sách Bộ GTVT được phân bổ giai đoạn 2016 - 2020chỉ đáp ứng khoảng 31% nhu cầu thực tế xây dựng hạ tầng giao thông (Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ảnh: Tạ Tôn

Quyết liệt chống xe dù, bến cóc, “cát tặc”

Dư luận gần đây rất quan tâm công tác cấp phép các dự án nạo vét đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm. Được biết, trong tháng 4/2017 Bộ GTVT sẽ có báo cáo Chính phủ về việc này, trong đó dự kiến sẽ ủy quyền để địa phương quản lý, cấp phép để chống “cát tặc”. Hiện, Bộ đã tiến hành đến đâu, thưa Thứ trưởng?

Công tác xã hội hóa nạo vét các luồng tuyến đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm là yêu cầu xuất phát từ thực tế, bởi nguồn vốn ngân sách rất khó khăn. Do đó, Bộ GTVT đã giao Cục Đường thủy nội địa VN xây dựng kế hoạch nạo nét để đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên các tuyến sông. Quá trình thực hiện công tác nạo vét có sự thống nhất cao của UBND các địa phương có tuyến sông đi qua, cũng như các cơ quan quản lý đường sông khác, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và môi trường.

Tuy nhiên, thời gian qua, xảy ra một số lộn xộn trong vấn đề tận thu sản phẩm, nạo vét gây ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động vận tải, Bộ GTVT đã giao Cục Đường thủy nội địa VN chấn chỉnh lại công tác này để chống hiện tượng trá hình thông qua công tác nạo vét để khai thác cát trái phép trên các tuyến sông. Đặc biệt, Bộ đã yêu cầu Cục Đường thủy nội địa VN xem xét dừng một số dự án không đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Chính phủ đã giao Bộ GTVT rà soát lại các dự án nạo vét đường thủy nội địa để báo cáo Thủ tướng trong tháng 4 này. Trên tinh thần đó, Bộ GTVT sẽ có biện pháp xử lý mạnh tay đối với những doanh nghiệp vi phạm, đồng thời có lộ trình cho công tác khai thác cát, đá, sỏi trên sông một cách hợp lý hơn, đáp ứng được các yêu cầu đề ra.

Quan điểm của Bộ GTVT là sẽ phân cấp triệt để cho các địa phương để thực hiện công tác nạo vét trên cơ sở Cục Đường thủy nội địa VN và chính quyền địa phương có sự kiểm tra, đánh giá. Nếu địa phương nào đảm nhiệm được thì Bộ GTVT sẽ phân cấp, còn địa phương nào không đảm nhiệm được sẽ giao cho Cục Đường thủy nội địa VN.

Tình trạng xe khách hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định đang bùng phát trong thời gian qua không chỉ gây bất bình đẳng trong hoạt động vận tải mà còn khiến Nhà nước thất thu thuế... Tới đây, Bộ GTVT sẽ bổ sung, sửa đổi Nghị định 86 như thế nào để nâng hiệu quả quản lý và lành mạnh hóa thị trường vận tải khách đường bộ, thưa Thứ trưởng?

Tới đây, Bộ GTVT tiếp tục quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các luồng tuyến vận tải theo quy định để phù hợp với giai đoạn phát triển trong 5 năm. Bộ GTVT sẽ tiến hành sửa đổi Nghị định 86/2014 của Chính phủ và Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT để phù hợp với thực tiễn. Theo đó, các quy định sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong vấn đề vận tải hành khách, tuy nhiên phải tăng các điều kiện trong kinh doanh vận tải để đáp ứng chất lượng dịch vụ tốt hơn, đảm bảo an toàn và tránh được những tranh chấp không lành mạnh. Đồng thời, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành vận tải thông qua sàn vận tải cũng như hợp đồng điện tử để giảm bớt thời gian đi lại cũng như tăng hiệu quả quản lý.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.