Quản lý

Tạo thuận lợi cho Lào đầu tư, khai thác cảng Vũng Áng

17/08/2017, 17:03

Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho Lào đầu tư, khai thác cảng biển tại Vũng Áng.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Sáng 17/8, tại Hà Tĩnh, đoàn công tác liên ngành Việt – Lào tổ chức cuộc họp song phương về rà soát, thẩm định phương án tạo thuận lợi cho phía Lào hợp tác đầu tư quản lý và khai thác cảng Vũng Áng (bến số 1, 2, 3).

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và Thứ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Viêng-sa-vát Si-phăn-đon đồng chủ trì cuộc họp. Buổi làm việc có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành; các địa phương và doanh nghiệp đầu tư của hai nước Việt Nam – Lào.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì buổi làm việc

Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì buổi làm việc

Cảng Vũng Áng thuộc cảng biển Hà Tĩnh, là cảng biển đầu mối khu vực, loại I, cho tàu biển trọng tải đến 50.000 tấn, tàu container đến 4.000 TEU. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết của Bộ GTVT, giai đoạn trước năm 2020 khu bến cảng Vũng Áng có 7 bến, trong đó có 6 bến làm hàng tổng hợp và 1 bến container.

Hiện nay, các bến số 1, 2 đã đưa vào sử dụng từ tháng 3/2001 và tháng 3/2010. Bến số 3 đã được chấp thuận đầu tư, hiện đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2019, do Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, các bến 4,5,6 cũng đã được thỏa thuận chủ trương đầu tư theo quy hoạch cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào

Thứ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào đồng chủ trì

Công ty CP cảng Vũng Áng Việt – Lào được thành lập theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ về sử dụng cảng Vũng Áng, bắt đầu đi vào hoạt động từ 6/2011. Công ty được thành lập theo hình thức công ty cổ phần liên doanh giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Lào, với tổng số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 1 các cổ đông góp 235 tỷ đồng, phía Lào đóng góp 47 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn điều lệ). Dự kiến, trong thời gian đầu tư bến cảng số 3, phía Lào sẽ góp thêm vào vốn điều lệ 53 tỷ đồng, lên thành 100 tỷ đồng.

các công ty đại diện hai nước ký kết nội dung làm

Các công ty đại diện hai nước ký kết nội dung làm việc

Sau phiên thảo luận thẳng thắn, cởi mở, hai bên đã đi đến thống nhất và ký biên bản làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, hai bên thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ hai nước về việc chấp thuận Công ty CP cảng Vũng Áng Việt - Lào đổi tên thành Công ty cảng Quốc tế Lào - Việt theo đề xuất của Lào; trên cơ sở đề nghị của phía Lào, phía Việt Nam thống nhất báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xem xét chuyển nhượng một phần vốn do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ cho doanh nghiệp Lào; sớm hỗ trợ đào tạo, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho phía Lào để nâng cao năng lực đầu tư, quản lý và khai thác cảng Vũng Áng; đề nghị Chính phủ hai nước tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của công ty mới sau chuyển nhượng để công ty hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất.

đại diện lãnh đạo 2 bộ ký kết

Đại diện lãnh đạo 2 bộ ký kết nội dung

Chủ trì buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh: Mối quan hệ Việt Nam – Lào là mối quan hệ đặc biệt mà không nước nào trên thế giới có. Mối quan hệ đó được xây dựng bằng xương máu của thế hệ cha anh. Và hôm nay, chúng ta phải đổ mồ hôi, nước mắt và trí tuệ để xây dựng, tô thắm và phát triển bền vững mối quan hệ đó. Chính phủ, Nhà nước Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Lào đầu tư, kinh doanh, khai thác trên lãnh thổ Việt Nam nói chung và đầu tư, khai thác cảng Vũng Áng nói riêng; đúng như tinh thần ký kết giữa hai Chính phủ; hai Nhà nước.

Đồng ý với những nội dung mà hai bên đã ký kết, Thứ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Viêng-sa-vát Si-phăn-đon mong muốn Việt Nam tạo mọi điều kiện, giúp đỡ mọi mặt để Lào có hướng phát triển ra biển Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.