Thế giới giao thông

Tập đoàn Boeing lao đao sau thảm họa của 737 MAX 8 tại Ethiopia

13/03/2019, 12:04

Hãng Boeing đang rất áp lực với các lo ngại an toàn của Boeing 737 MAX 8 sau tai nạn máy bay khiến 157 người chết ở Ethiopia.

img
Nhiều hãng hàng không ngưng bay Boeing 737 MAX sau thảm họa tại Ethiopia

Hiện còn quá sớm để đi đến bất kỳ kết luận nào liên quan tới sự cố xảy ra với chuyến bay ET 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines ngày 10/3. Nhưng, những điểm tương đồng giữa các vụ tai nạn gần đây đã tập trung vào mẫu máy bay phản lực phổ biến Boeing 737 MAX 8 hiện đang được hơn 40 hãng hàng không trên khắp thế giới, bao gồm Southwest Airlines, American Airlines và United Airlines.

Vào ngày 29/10/2018, chuyến bay 610 của Lion Air đã rơi xuống biển Java, ngoài khơi Indonesia, làm thiệt mạng toàn bộ 189 người trên máy bay. Các nhà điều tra đã đưa ra một báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn đó, nhưng báo cáo cuối cùng vẫn đang chờ xử lý.

Tiếp đó, ngày 10/3/2019, chuyến bay ET 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã bị rơi chỉ 6 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Bole ở Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia. Toàn bộ 157 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay bị thiệt mạng.

Cả hai máy bay đều là Boeing 737 MAX 8

737 MAX là phiên bản mới nhất của Boeing 737, bao gồm 4 loại máy bay khác nhau: MAX 7, MAX 8, MAX 9 và MAX 10, theo thứ tự về kích thước.

Hơn 320 trong số 350 máy bay Boeing MAX đã được chuyển giao đến ngày 31/1/2019 là thuộc loại MAX 8; phần còn lại là MAX 9.

MAX 7 và 10 đều chưa được đưa vào khai thác thương mại. Cả hai vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX đều liên quan đến dòng máy bay MAX 8.

img
Hãng hàng không Southwest Airlines của Mỹ hiện đang vận hành 34 chiếc Boeing 737 MAX

Tính đến ngày 31/1, Boeing đã có hơn 5.000 đơn đặt hàng cho máy bay 737 MAX. Bây giờ, 2 trong số 350 được bàn giao đã bị rơi, khiến các lo ngại về tính an toàn của máy bay này đang ngày càng tăng cao, nhất là khi nhiều nước đã cấm loại máy bay này.

Đứng đầu danh sách các hãng hàng không khai thác Boeing 737 MAX là Southwest Airlines với 34 chiếc và American Airlines với 22 chiếc.

Cả hai sự cố xảy ra ngay sau khi cất cánh

Chuyến bay 610 của Lion Air đã bị rơi chỉ 13 phút sau khi cất cánh trong khi chuyến bay ET 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines biến mất khỏi radar chỉ 6 phút sau khi cất cánh.

Đáng chú ý, cất cánh và hạ cánh là giai đoạn nguy hiểm nhất của bất kỳ chuyến bay nào và là thời điểm xảy ra phần lớn các vụ tai nạn.

img
Dữ liệu của FlightRadar24 cho thấy các phi công của chuyến bay ET 302 đã phải vật lộn để nâng mũi máy bay sau khi cất cánh từ Addis Ababa, Ethiopia

Phi công gặp sự cố kiểm soát chuyến bay

Trong khi chờ báo cáo cuối cùng từ vụ tai nạn Lion Air, các kết luận sơ bộ từ phân tích hộp đen chiếc máy bay gặp nạn cho thấy có một trục trặc trong cảm biến góc tấn của máy bay.

Vấn đề này đã khiến hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay tiên tiến (MCAS) nhầm việc leo lên bình thường là nguy hiểm và buộc máy bay phải hạ mũi xuống 26 lần.

Còn trong vụ tai nạn ở Ethiopia, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng hàng không Ethiopian Airlines, ông Tewolde GebreMariam nói với CNN ngày 12/3: "Một cuộc trò chuyện được ghi lại với kiểm soát không lưu chi tiết những khoảnh khắc cuối cùng của chuyến bay".

Cụ thể, CEO Gebremariam nói rằng: “Anh ấy (phi công chuyến bay ET 302) gặp khó khăn với việc điều khiển máy bay, vì vậy anh ấy đã yêu cầu quay trở lại sân bay”.

Điều đó có thể có nghĩa là thiết bị của máy bay đã không đáp ứng với những nỗ lực của phi công để kiểm soát máy bay.

Thời tiết không phải là yếu tố ảnh hưởng

Trong cả hai vụ tai nạn của Lion Air và Ethiopian Airlines, thời tiết dường như không phải là yếu tố gây ảnh hưởng tới các chuyến bay này.

Các nhà khí tượng học Indonesia đã báo cáo thời tiết gió nhẹ và tầm nhìn tốt trong khu vực khi máy bay Lion Air bị rơi. Điều tương tự cũng xảy ra trong vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopian Airlines.

Báo cáo khí tượng (METAR) của sân bay Addis Ababa cho thấy, sáng ngày 10/3, thời tiết tốt với những cơn gió nhẹ, tầm nhìn tốt và những đám mây rải rác.

img
Hộ chiếu của hành khách xấu số trong chuyến bay ET 302

Nhiều quốc gia “cấm cửa” Boeing 737 MAX

Ngày 13/3, Việt Nam là quốc gia mới nhất tham gia cùng các nước trên toàn thế giới cấm toàn bộ dòng tàu bay Boeing 737 MAX hoạt động trong không phận.

Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) ngày 12/3 đã công bố lệnh cấm không phận trên toàn EU đối với máy bay Boeing 7373 MAX nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách.

Động thái này của EU được đưa ra chỉ vài tiếng sau khi Anh thông báo cấm các máy bay Boeing 737 MAX vào không phận nước này bắt đầu từ 13h ngày 12/3 (theo giờ London).

Cũng trong ngày 12/3, Austria, Australia, Pháp, Đức, Ireland, Singapore, Malaysia, Na Uy, Bỉ, Oman, Indonesia, Ba Lan và Hà Lan tuyên bố họ sẽ đình chỉ tất cả các chuyến bay liên quan đến máy bay Boeing 737 MAX, tham gia cùng một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và hãng hàng không khác cấm dòng máy bay này trước đó.

Ít nhất 27 hãng hàng không trên thế giới hiện đã hạ cánh Boeing 737 Max 8, bao gồm: Hãng Ethiopian Airlines (Ethiopia), các hãng hàng không China Airlines, China Eastern và China Southern (Trung Quốc), hãng hàng không Cayman Airways (Anh), Comair Airways (Nam Phi), Eastar Jet (Hàn Quốc), Norwegian Airlines (Na Uy), Aeromexico (Mexico).

Theo New York Times, khoảng hai phần ba trong số các máy bay Boeing 737 Max 8 trên thế giới đã bị các hãng hàng không và cơ quan quản lý hàng không đình chỉ sau khi mẫu máy bay này bị rơi 2 lần chỉ trong 5 tháng.

Một phân tích dựa trên dữ liệu từ Flightradar24 cho thấy, ước tính khoảng 6.000 trong số 8.600 chuyến bay sử dụng dòng máy bay này trong một tuần qua đã bị ảnh hưởng.

Boeing mất nhiều tỷ USD chỉ trong 2 ngày

Cổ phiếu Boeing tiếp tục lao dốc sau làn sóng "cấm cửa" từ nhiều quốc gia. Giá cổ phiếu Boeing đã giảm 6,15% trong các phiên giao dịch ngày 12/3, đóng cửa ở mức 375,41 USD/cổ phiếu. Tính đến hiện tại, cổ phiếu của nhà sản xuất máy bay Mỹ đã sụt giảm 11,15% chỉ trong vòng 2 ngày.

Cũng trong ngày 12/3, Boeing xác nhận rằng họ đang lên kế hoạch thay đổi phần mềm kiểm soát chuyến bay cho hệ thống tăng cường đặc tính cơ động (MCAS) của Boeing 737 MAX và cho biết những thay đổi này được “thiết kế để làm cho một máy bay đã an toàn nay sẽ còn an toàn hơn”.

Hiện có 74 máy bay trong diện được cải tiến thiết kế trong các phi đội Boeing 737 MAX trên toàn nước Mỹ và 374 chiếc như vậy đang được sử dụng trên toàn thế giới.

Chỉ riêng việc này, cùng với các lo ngại về an toàn theo sau 2 vụ tai nạn liên tiếp nêu trên, danh tiếng và uy tín của dòng máy bay tân tiến 737 MAX cũng như của hãng Boeing đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bất chấp việc các nhà chức trách vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân của vụ tai nạn ở Ethiopia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.