Thị trường

Tập đoàn Sharp yêu cầu Hải quan làm rõ nguồn gốc hàng hoá của Asanzo

28/09/2019, 09:16

Cùng với đơn tố cáo gửi đến Bộ Công an, Sharp Việt Nam cũng gửi đơn tới cơ quan Hải quan yêu cầu làm rõ nguồn gốc hàng hoá của Asanzo.

img
Trong thư yêu cầu Asanzo xin lỗi cải chính công khai, SVN cho rằng Asanzo cố tình sử dụng nguồn gốc thương hiệu Sharp, lừa dối người tiêu dùng cũng như làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh tiếng và thương hiệu Sharp. Ảnh: TP

Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, người được uỷ quyền của Công ty TNHH Sharp Việt Nam (SVN) cho biết: Cùng với việc gửi đơn tố cáo Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo tới Bộ Công an, SVN cũng đã gửi đơn tới cơ quan Hải quan, Công an TP HCM.

Trong văn bản tố cáo Asanzo gửi tới cơ quan an ninh Bộ Công an ngày 26/9/2019 do Tổng giám đốc Masashi Kubo ký, SVN cho biết: “Được sự ủy quyền của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) chúng tôi làm đơn này tố cáo hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” của Công ty cổ phần tập đoàn”.

SVN cho biết thông tin Asanzo đưa ra trong buổi họp báo ngày 17/9 về việc đang sở hữu công nghệ Nhật Bản và Asanzo đang có quan hệ hợp tác với Sharp – Roxy (Hong Kong) là sai sự thật. Thư xác nhận của SRH về mối quan hệ Assanzo và Sharp – Roxy được Asanzo công bố là giả mạo.

SVN khẳng định từ ngày 31/10/2016 Tập đoàn Sharp không có bất cứ mối quan hệ hợp tác nào với Asanzo. Vì thế theo SVN, nội dung mà Asanzo đưa ra là “SRH tuyên bố và khẳng định rằng chúng tôi đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực” là không đúng sự thật.

Cụ thể, trong đơn gửi tới Hải quan ngày 27/9, SVN yêu cầu làm rõ nguồn gốc hàng hóa của của Asanzo không nhập khẩu từ Công ty Sharp Hong Kong.

SVN cũng gửi đơn tới Công an TPHCM yêu cầu làm rõ những tài liệu Asanzo công bố tại buổi họp báo là giả mạo.

“Nói Asanzo giả mạo vì thời điểm đó không còn thực thể là Công ty Sharp - Roxy Hong Kong (SRH) mà vẫn còn văn bản xác nhận có con dấu như thế là không phù hợp”, Trần Cao Đại Kỳ Quân nói và cho biết thêm, sau khi gửi đơn, SVN đang chờ cơ quan công an xử lý.

Được biết, sau khi nhận được văn bản của SVN, cơ quan Hải quan tại TPHCM đã có lịch làm việc cụ thể với SVN về những vấn đề mà SVN đề cập trong văn bản gửi tới cơ quan này.

Đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ việc, ông Quân cho biết: Vụ việc trước tiên làm ảnh hưởng đến danh tiếng của Tập đoàn Sharp và SVN. “Người tiêu dùng xài hàng không rõ xuất xứ hàng hóa của đơn vị nào đó khác với chất lượng của Sharp. Khi chất lượng của hàng hóa đó không tốt hơn sản phẩm của Sharp thì họ cũng sẽ đánh giá hàng hóa của Sharp không tốt, vài ba năm hỏng thì thương hiệu Sharp bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng sẽ không chọn hàng của Sharp nữa thì khi đó thiệt hại không tính được bằng tiền. Mà thương hiệu Sharp đã được xây dựng 107 năm. Sharp không có buôn bán kiểu đó”, luật sư đại diện của Sharp nói.

Ông Quân cũng cho biết, văn bản Sharp yêu cầu Asanzo xin lỗi và cải chính công khai đã được gửi tới Asanzo nhưng chưa thấy Asanzo có bất cứ phản hồi nào.

“Nếu Asanzo cải chính thì có thể bỏ qua. Điều đó còn tùy vào thái độ của họ vì chúng tôi cũng muốn dư luận và người tiêu dùng biết sự thật như thế nào”, luật sư đại diện Sharp nói.

“Còn trong trường hợp Asanzo không thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai thì chúng tôi sẽ khởi kiện ra tòa án để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật”, luật sư đại diện SVN khẳng định lại quan điểm của công ty này trước vụ việc.

Trước đó, trong văn bản gửi Báo Giao thông chiều 19/9, SVN cho biết Asanzo công bố trước công chúng về bằng chứng Asanzo đang sở hữu công nghệ Nhật Bản qua bằng chứng về mối hợp tác giữa Asanzo và Sharp – Roxy Hong Kong (SRH) là giả mạo.

“Việc giả mạo chứng từ của Asanzo không chỉ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu Sharp được gây dựng hơn 107 năm lịch sử bởi Tập đoàn Sharp, và điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi, Tập đoàn Sharp và Sharp Việt Nam đang tìm hiểu các pháp lý cần thiết để theo đuổi vụ kiện Asanzo trong vai trò bảo vệ thương hiệu Sharp toàn cầu”, SVN khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.