Kinh tế

Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Công thương

11/10/2014, 10:51

Thủ tướng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty của Bộ Công thương đề xuất và thực hiện các giải pháp cụ thể để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm giá thành.

Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa mà một trong những yêu cầu cấp thiết - ảnh KT
Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa mà một trong những yêu cầu cấp thiết. Ảnh: KT

Kết luận tại Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Công thương thông qua việc rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách; xây dựng kế hoạch, quy hoạch và chiến lược theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn ngành Công thương.

Bộ Công thương ban hành cơ chế, chính sách hoặc trong phê duyệt quy hoạch, chiến lược cần chú ý đối với các ngành sử dụng nhiều lao động, trong đó có ngành dệt may, không được đầu tư tại thành phố, cần khuyến khích đầu tư về nông thôn để giải quyết lao động.

Thủ tướng yêu cầu các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ phải đề xuất và thực hiện các giải pháp cụ thể để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và giảm giá thành; khẩn trương thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa với mục tiêu chiến lược là nâng cao hiệu quả, năng suất lao động góp phần tăng hiệu quả và sức cạnh tranh chung của nền kinh tế.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam phảit xây dựng đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng năng suất lao động trong ngành điện, so sánh với các nước trên thế giới và khu vực trong đó cần lưu ý đến những vấn đề về thực trạng công nghệ, trình độ lao động và biên chế trong từng khâu sản xuất - truyền tải - phân phối điện; xác định những điểm còn hạn chế dẫn đến năng suất lao động chưa cao để thực hiện ngay các biện pháp nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất và cung ứng điện.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đồng thời tích cực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng. Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế chính sách điều hành thị trường trong nước, cũng như đối với các ngành hàng theo hướng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, được điều tiết theo tín hiệu thị trường có sự quản lý, định hướng của nhà nước.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.