Quản lý

Tập trung xóa triệt để ổ gà, ổ voi trong năm 2019

24/04/2019, 07:06

Bộ GTVT ưu tiên số một lập kế hoạch tập trung kinh phí, giải pháp kỹ thuật, xử lý triệt để ổ voi, ổ gà trong năm nay.

img
Sửa chữa cầu Thanh Trì. Ảnh: Tạ Tôn

Phát biểu tại cuộc họp sơ kết công tác bảo trì đường bộ quý I/2019 do Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương tổ chức hôm qua (23/4), Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hội đồng quỹ Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị ưu tiên số một công tác khắc phục triệt để ổ gà, ổ voi trên hệ thống đường bộ.

3 tháng thu trên 2.000 tỷ đồng

Ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, tính đến hết tháng 3, số thu đạt trên 2.000 tỷ đồng, đạt trên 110% so với cùng kỳ năm trước và đạt trên 25% kế hoạch thu cả năm 2019.

Tuy nhiên, ông Minh cho biết, hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác lập, giao dự toán chi năm 2019. Đối với dự toán chi năm 2019, đến nay Bộ Tài chính không cấp kinh phí quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ chưa hoàn thành thủ tục điều chuyển tài sản. Đối với dự toán chi đợt 2 cũng chưa được giao dự toán cho nhiệm vụ trên tuyến chưa hoàn thành bàn giao tài sản, việc dừng không bố trí kinh phí để thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, đảm bảo ATGT, duy trì cấp hạng kỹ thuật trong khai thác đối với toàn bộ 60 tuyến quốc lộ.

“Nếu không được giao dự toán chi năm 2019 cho bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa đột xuất đảm bảo ATGT và chi phí khác thì 4.674km quốc lộ sẽ xuống cấp nhanh chóng do không được bảo dưỡng thường xuyên, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao do không được xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn mất ATGT”, ông Minh nói.

Đánh giá về công tác bảo trì đường bộ thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, bảo trì đường bộ là công tác quan trọng, nếu triển khai được trong mùa khô hiệu quả sẽ cao hơn. Trong kế hoạch triển khai, cần quan tâm đến giai đoạn này, để tăng cường công tác giải ngân, đem lại hiệu quả. Thời gian qua, công tác này có nhiều xáo trộn do thay đổi về cơ chế chính sách, nhất là trong 3 năm 2016, 2017, 2018 việc phân bổ vốn có nhiều bất cập, chưa kịp thời, thường dồn vào những tháng cuối năm nên khó khăn trong đảm bảo chất lượng.

Bộ trưởng cho rằng, năm 2018 đã có nhiều giải pháp để năm 2019 công tác bảo trì đường bộ sẽ tốt hơn. Năm 2018 cũng là năm chuẩn bị cho việc giải thể hội đồng quỹ, chuẩn bị cho điều hành bảo trì đường bộ như ngân sách Nhà nước, sẽ lập kế hoạch vốn thông qua các bộ để phân bổ kế hoạch sửa chữa đường bộ năm 2019 chủ động, thuận lợi hơn năm 2018.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện còn 44 điểm đen và 160 điểm tiềm ẩn TNGT cần khắc phục, tiến độ xử lý hiện đang chậm, việc này cần làm càng sớm càng tốt để giảm TNGT.

Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT ưu tiên số một lập kế hoạch tập trung kinh phí, giải pháp kỹ thuật, xử lý triệt để ổ voi, ổ gà trong năm nay. Khu vực nào còn tình trạng chậm trễ, các cục, tổng cục phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Cuối năm 2019 không còn vướng về thể chế

Theo Bộ trưởng, do vướng mắc về chuyển đổi thủ tục từ đường địa phương lên thành quốc lộ nên chưa phân bổ được nguồn vốn cho trên 4.600km này. Đây là việc kéo dài từ năm 2018, cần phải xem xét nguyên nhân vì sao, vướng ở đơn vị nào, trong khi đường xã thì hỏng, cử tri phản ánh mà vướng mắc thủ tục không được giải quyết là không chấp nhận được. Trên 1.600 tỷ đồng để bảo trì số đường trên chưa phân bổ được, phân bổ ai chịu trách nhiệm. Đối với hệ thống quốc lộ, Tổng cục Đường bộ VN phải chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT, không thể có chuyện đường xuống cấp do vướng thủ tục. Phải tìm cách để nhanh chóng phân bổ nguồn vốn này, không thể để đường xuống cấp mà không sửa được.


Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hiện các thủ tục chuyển trên 4.600km đường địa phương lên quốc lộ đã xong, Bộ Tài chính cho biết đến hết quý II năm nay sẽ xong thủ tục bàn giao tài sản từ địa phương về Trung ương.

“Tổng cục Đường bộ VN đang xây dựng Thông tư để quy định việc ủy quyền cho các tỉnh quản lý quốc lộ. Trong đó, chỉ ủy quyền quản lý vốn, còn việc quản lý nhà nước tổng cục vẫn kiểm tra, giám sát”, ông Huyện cho biết.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị phải gấp rút xây dựng hoàn thiện thể chế trong bảo trì đường bộ. Nếu tháo gỡ tốt, đây sẽ là khâu đột phá để triển khai thực hiện. Trong đó, phải tập trung hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 18 về tổ chức hoạt động của Hội đồng Quỹ để Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, Nghị định 10 về quản lý tài sản đã được Thủ tướng ký, trong thời hạn chờ Nghị định có hiệu lực cần rà soát lại các thủ tục, trình tự pháp lý để hoàn thiện chuyển đổi tài sản khi nâng đường địa phương lên quốc lộ, kịp thời phân bổ nguồn vốn bảo trì các tuyến đường này vào cuối tháng 6.

Ngoài ra, Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ liên quan đến nhiều hành vi vi phạm. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu cần xem xét Nghị định đã bao hàm hết quy định trách nhiệm của các đơn vị quản lý như các Cục Quản lý đường bộ, nhà đầu tư, nhà thầu quản lý khi để xảy ra tình trạng khiếm khuyết về hạ tầng, tổ chức giao thông như hệ thống biển báo, sơ kẻ mặt đường, chất lượng mặt đường... để bổ sung sửa đổi.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu xác định trình tự thủ tục cấp phép cho các hoạt động phi giao thông như tổ chức đám ma, đám cưới trên đường, khi xảy ra vi phạm ai chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện Nghị định 60 và Thông tư 37 để hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ vướng mắc trong bảo trì đường bộ.

“Thủ trưởng cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm, nếu quan tâm, hoàn thiện thể chế, cuối năm sẽ không hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng khẳng định.

Trong phân bổ nguồn vốn bảo trì, Bộ trưởng cho biết, đến nay việc phân bổ đang chậm so với kế hoạch. Vì vậy, cần rà soát, đề xuất tháo gỡ, nhanh chóng giải ngân để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án bảo trì. “Phải đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn, nếu đến tháng 6 mới cấp tiền cho bảo trì số km đường nâng lên thành quốc lộ liệu có đủ thời gian thi công, hoàn thiện hồ sơ thủ tục. Cần làm việc với các địa phương, thống nhất công việc triển khai cụ thể để hoàn thành đúng tiến độ”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng:
Cần cơ chế đặc thù sử dụng vốn bảo trì

img

Trong bảo trì đường bộ, xử lý điểm đen TNGT, nếu chúng ta vẫn theo cơ chế chung như tất cả các khoản chi tiêu ngân sách khác sẽ không bao giờ khắc phục được tình trạng đến mùa mưa mới duyệt xong kinh phí để bảo trì đường bộ. Vốn bảo trì đường bộ mang tính đặc thù mà vẫn coi như nguồn vốn thường xuyên sẽ rất khó thực hiện. Vì vậy, nên sửa Luật Ngân sách để quy định riêng cho khoản chi này.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN:
Phải đặt quản lý trước bảo trì

img

Hiện chúng ta đang quan tâm nhiều đến việc sửa chữa bảo trì, mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý. Thời gian gần đây, tình trạng chiếm mặt đường để tổ chức các sự kiện có dấu hiệu gia tăng, tuyến đường khoảng 30km có 7 đám cưới tổ chức dưới lòng đường. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có chủ trương quản lý hành lang đường bộ nên cần khởi động ngay chỉ đạo, phải đặt công tác quản lý lên trước, tiếp đó mới là bảo trì.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.