Vận tải

Tàu biển Việt Nam và nỗi lo mới đến từ Trung Quốc

21/05/2014, 13:32

Tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ giảm dần là tín hiệu mừng trong mục tiêu đưa đội tàu biển VN thoát "danh sách đen" sau năm 2014.

Vinalines đã từng phải bỏ ra hơn 1 triệu USD để giải quyết vụ việc tàu Vinalines Global bị Trung Quốc giữ
Vinalines đã từng phải bỏ ra hơn 1 triệu USD để giải quyết vụ việc tàu Vinalines Global bị Trung Quốc giữ

Tỷ lệ bị lưu giữ thấp nhất trong 14 năm 


Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, từ 1/1- 13/5/2014 tại khu vực Tokyo - Mou, có 12 lượt tàu biển VN bị lưu giữ trên tổng số 249 lượt tàu bị kiểm tra, tương đương tỷ lệ lưu giữ/kiểm tra là 4,8%. Tỷ lệ này giảm được 2,13% so với cùng kỳ năm 2013 và thấp hơn mục tiêu 5,5% đặt ra trong Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi “danh sách đen” của Tokyo - Mou vào cuối năm 2014 được Bộ GTVT phê duyệt.


Trước đó, theo báo cáo Tokyo - Mou về kiểm tra tàu biển năm 2013 vừa được công bố đầu tháng 5/2014, tỷ lệ tàu Việt Nam bị lưu giữ bởi các thành viên Tokyo - Mou trong năm 2013 là 6,13% - đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ khi VN tham gia tổ chức này từ năm 1999. 


Trong bảng xếp hạng các quốc gia có tỷ lệ tàu bị lưu giữ nhiều nhất tại Tokyo-Mou, đội tàu biển VN cũng đã giảm được hai bậc từ 15 xuống 17 và xếp sau một số nước lân cận như: Indonesia (15,09 %), Philippines (8,38%), Ấn Độ (6,67%), Thái Lan (6,53%)…


Trong phần xếp loại cơ quan đăng kiểm của các quốc gia, Cục Đăng kiểm VN được Tokyo - Mou đánh giá “là tổ chức đăng kiểm duy nhất không phải là thành viên của Hiệp hội các tổ chức phân cấp tàu quốc tế (IACS) đáp ứng tiêu chí rủi ro thấp về tàu bị lưu giữ qua kiểm tra của chính quyền cảng trong 6 tháng đầu năm 2014”.

Bắt lỗi không đáng có


Theo ông Phạm Hải Bằng - Trưởng phòng Tàu biển (Cục Đăng kiểm VN), thời gian qua, Cục Đăng kiểm VN có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp như: Tổ chức hội nghị tham khảo ý kiến chủ tàu, tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế, siết chặt quản lý và nâng trách nhiệm các đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên; Kiểm tra gắt gao các phương tiện trước khi rời cảng đến các cảng quốc tế… Điều này phần nào mang lại kết quả là trong gần 6 tháng đầu năm 2014 có 12 lượt tàu bị Tokyo - Mou giữ, trong khi cả năm 2013 có 47 chiếc bị giữ. 
 

VN tham gia thỏa thuận hợp tác với 10 khu vực trên thế giới về kiểm soát của chính quyền cảng đối với tàu biển cập cảng, nhằm phát hiện và lưu giữ tàu biển có khiếm khuyết nghiêm trọng liên quan đến an toàn, an ninh hàng hải và ô nhiễm môi trường để yêu cầu sửa chữa. Hàng năm, các chính quyền cảng đều mở chiến dịch tập trung kiểm tra các hạng mục cụ thể của tàu với mục tiêu chung là “thắt chặt lưới vây” đối với các tàu không đạt chuẩn.  Từ năm 1999 trở lại đây, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo - Mou) luôn dẫn đầu về tỷ lệ phát hiện khiếm khuyết, lưu giữ tàu biển VN và cũng là khu vực xếp đội tàu biển VN vào “danh sách đen”- thuộc diện “ưu tiên” kiểm tra. 

Đánh giá mới đây của Tokyo - Mou cho thấy, sự tiến bộ của đội tàu biển VN và thước đo trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là tín hiệu khả quan trong việc dần ra khỏi “danh sách đen” của tổ chức này. 

Đáng nói hơn, theo ông Bằng, trong số 12 tàu bị lưu giữ những tháng đầu năm, có 11 tàu do chính quyền cảng Trung Quốc thực hiện. 23 nước còn lại trong Tokyo - Mou chỉ giữ duy nhất một tàu của ta.


Trên thực tế, thời gian qua, không ít chủ tàu đã tỏ ra bức xúc khi cho rằng, chính quyền cảng Trung Quốc bắt giữ tàu VN với lỗi không đáng, không mang tính xây dựng. “Không ít trường hợp, sỹ quan cảng biển Trung Quốc tìm mọi cách để bắt lỗi “thái độ” của thuyền viên. Cùng một lỗi, ở Hàn Quốc, Nhật Bản... sẽ chỉ yêu cầu chủ tàu khắc phục, chứ không ghi vào lỗi đến mức buộc phải lưu giữ tàu” - một chủ tàu cho biết. 


Về vấn đề trên, ông Nguyễn Vũ Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết: “Cục Đăng kiểm VN đã và đang chỉ đạo sát sao các đơn vị đăng kiểm tăng cường kiểm tra, giám sát kỹ thuật tối đa, cũng như phối hợp chặt chẽ với cơ quan cảng vụ trong việc kiểm tra tàu trước khi xuất cảng sang Trung Quốc. Đồng thời, vận động chủ tàu, thuyền viên có sự chuẩn bị kỹ càng trong vận hành phương tiện, giao tiếp, đáp ứng yêu cầu kiểm tra khi cập cảng tại Trung Quốc”. 


Trong tháng 6/2014, Cục Hàng hải VN và Cục Hải sự Trung Quốc sẽ có lịch làm việc nhằm tăng cường trao đổi thông tin hai chiều về tình hình tàu biển VN bị lưu giữ tại Trung Quốc.

Huy Lộc

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.