Giao thông

Tàu cá "bức tử" cảng biển quốc tế Cửa Lò

21/07/2015, 06:06

Tình trạng tàu cá bủa vây cảng biển quốc tế Cửa Lò khiến việc khai thác cầu cảng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

cua lo
Hàng chục tàu đánh cá của ngư dân TX Cửa Lò bủa vây cầu cảng ở cảng biển quốc tế Cửa Lò.

Cảng Cửa Lò (TX Cửa Lò, Nghệ An) đã được quy hoạch thành cảng đầu mối quốc gia loại 1 và công nhận là cảng biển quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn đầu tư nâng cấp cảng, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH của Nghệ An nói riêng và đầu tàu kinh tế Bắc Trung Bộ nói chung.

Tháng 5 vừa qua, với việc chi 390 tỷ đồng đầu tư nâng cấp luồng cho tàu biển 10 nghìn DWT đầy tải vào cảng Cửa Lò, các loại tàu từ 10-15 nghìn tấn đầy tải hoặc tàu loại 20 nghìn tấn giảm tải đã có thể vào cảng biển Cửa Lò tiếp nhận và chuyển giao hàng hóa. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá ngư dân trên địa bàn TX Cửa Lò đang chiếm dụng các cầu cảng làm bãi bến neo đậu, khiến việc khai thác, vận chuyển hàng hóa ở cảng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Có mặt tại cầu cảng Cửa Lò ngày 14/7, PV Báo Giao thông ghi nhận khoảng hơn 30 chiếc tàu, thuyền đánh cá có công suất lớn, từ 250CV-450CV đang neo đậu chiếm dụng toàn bộ hai cầu cảng nước sâu số 3 và số 4. Dãy tàu thuyền hàng chục chiếc đậu san sát, chặn toàn bộ đường vào hai cầu cảng này. Nhiều tàu biển đến trả hàng, nhận hàng phải chấp nhận đi vòng sang các cầu cảng số 1 và số 2, hoặc xếp hàng chờ ngoài luồng vào cảng.

Cũng vì tàu, thuyền đánh cá chiếm dụng cảng biển mà nhiều tàu biển quốc tế từ chối đến cảng nhận hàng. Ông Trần Văn Đạt, Giám đốc Xí nghiệp Xếp dỡ Cửa Lò cho biết: “Nhiều tàu biển chỉ đến cảng một lần rồi không bao giờ quay lại. Khi được hỏi, người ta bảo rằng cảng lộn xộn, mất an toàn nên họ không muốn đưa tàu vào”.

Untitled
Cảng cá mới xây dựng khang trang nhưng các tàu đánh bắt xa bờ địa phương không muốn về neo đậu.

Ngay trong ngày 14/7, khi chúng tôi đang làm việc tại cảng Cửa Lò, có tàu Thanh Thành Đạt 99, tải trọng 23 nghìn DWT đặt luồng, xin vào cảng nhận hàng lúc 14h. Tuy nhiên, do đang “vướng” hàng chục chiếc tàu cá của ngư dân nên đơn vị quản lý cảng đã buộc phải xin lùi giờ tàu vào cảng đến 17h30 cùng ngày để lực lượng liên ngành “xua đuổi” tàu cá ra khỏi cầu cảng.

Được biết, mỗi khi có tàu lớn trọng tải từ 1 vạn tấn trở lên tới cảng Cửa Lò, hơn 20 cán bộ gồm: Cảng vụ, bộ đội biên phòng, công an, CSGT đường thủy, nhân viên cảng lại phải tới cảng để xua tàu cá cho tàu biển vào neo đậu.

“Sợ” tàu cá, nhà đầu tư dự án nghìn tỷ xin rút vốn

Chuyện tàu cá chiếm dụng cầu cảng ở cảng Cửa Lò không phải là hiện tượng mới xuất hiện mà nó đã tồn tại suốt gần 10 năm qua. Ban đầu chỉ một vài tàu đánh bắt nhỏ neo đậu, nhưng đến nay bình quân mỗi ngày có khoảng 40 đôi tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân neo đậu tại đây. Ông Trần Văn Đạt cho biết: “Quy chuẩn của cảng biển là phải đảm bảo ATGT hàng hải và những vấn đề về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động cho đến khi được công nhận là cảng quốc tế, 10 năm qua cảng Cửa Lò vẫn bị thuyền cá ngư dân bủa vây, chiếm dụng cầu cảng".

Theo ông Đạt, việc tàu cá chiếm dụng hai cầu cảng khiến cảng bị thiệt hại từ 15-20 tỷ đồng mỗi năm. Đó là chưa kể hàng loạt các hệ lụy như: Mất an toàn hàng hải, an ninh, an toàn cảng biển, làm lãng phí nguồn vốn đầu tư xây cầu cảng, nạo vét luồng của Nhà nước, đặc biệt gây mất uy tín và thương hiệu của hàng hải Việt Nam trước bạn bè quốc tế…

Nếu chính quyền UBND TX Cửa Lò vào cuộc quyết liệt như lực lượng liên ngành đang làm trong thời gian qua, chắc chắn không có chuyện tàu thuyền địa phương ngang nhiên chiếm dụng cảng biển như hiện nay”. 

Ông Võ Xuân Thủy, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An

Ngoài ra, việc tàu cá chiếm dụng cầu cảng còn khiến cho các nhà đầu tư đang xây dựng cầu cảng lân cận cũng thấy ái ngại. Dự án xây dựng hai cầu cảng container số 5 và số 6 có tổng mức đầu tư 1.180 tỷ đồng đã được khởi công từ tháng 4 nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa rót vốn mạnh cũng một phần vì lý do này.

Đại diện một nhà đầu tư cho biết, an ninh hàng hải được các hãng tàu biển quốc tế đặt lên hàng đầu. Họ chỉ cập bến tàu nào mà họ cảm thấy an toàn. Chúng tôi cũng như các nhà đầu tư về cảng biển rất e ngại với tình hình ở cảng Cửa Lò. Nếu đến cuối năm nay tình hình tại cảng Cửa Lò không thay đổi, chắc chắn nhiều nhà đầu tư sẽ phải tính đến chuyện xin rút vốn.  

Chính quyền đùn đẩy trách nhiệm(!?)

Để tháo gỡ khó khăn cho cảng Cửa Lò, vài năm trước, UBND tỉnh Nghệ An đã đầu tư xây dựng bến cá riêng, có quy mô lớn, cách vị trí cảng Cửa Lò chừng 800 m theo đường biển và hơn 1 km theo đường bộ. Đến nay, bến cá đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, khá nhiều tàu thuyền đánh cá của ngư dân địa phương và ngư dân các tỉnh bạn về đây neo đậu. Thế nhưng, toàn bộ số tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân hai phường Nghi Thủy, Nghi Tân (TX Cửa Lò) cương quyết không về bến mới, mà cố tình neo đậu chiếm dụng cầu cảng ở cảng Cửa Lò chỉ vì… được gần nhà.

Theo những gì chúng tôi ghi nhận, việc chậm di dời tàu cá ra khỏi cảng biển Cửa Lò xuất phát từ sự thờ ơ của chính quyền sở tại. Trao đổi với Báo Giao thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cho biết: “Tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này. Hiện nay, đã giao nhiệm vụ cho UBND TX Cửa Lò, chủ đầu tư dự án cảng cá, chịu trách nhiệm trong vấn đề này. Quan điểm của tỉnh là phải giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm nhất”.

Tuy nhiên, trái với sự quyết liệt của tỉnh, chính quyền TX Cửa Lò tỏ ra khá bình thản và thiếu trách nhiệm. Khi chúng tôi đặt vấn đề làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND thị xã về tàu cá, lập tức Chủ tịch UBND TX Cửa Lò nói bận việc, giao cho Phó Chủ tịch phụ trách mảng thông tin báo chí. Chúng tôi điện thoại cho Phó Chủ tịch phụ trách thì vị này nói: “Không nắm được” và đề nghị gọi cho Phó Chủ tịch chuyên trách về vấn đề này. Tiếp đó, vị Phó chủ tịch chuyên trách cũng nói bận và đề nghị chúng tôi trực tiếp đến trụ sở gặp Phòng Kinh tế. Khi chúng tôi đến Phòng Kinh tế thì ông Lê Văn Sơn, Trưởng phòng Kinh tế TX Cửa Lò từ chối cung cấp thông tin vì… “chưa có bút phê của Chủ tịch”. (!?)

Trong lúc các vị lãnh đạo UBND TX Cửa Lò đang đùn đẩy trách nhiệm, nguy cơ một cảng biển quốc tế tầm cỡ của khu vực sẽ bị mất thương hiệu, thị phần… chỉ bởi một vài tàu cá của ngư dân địa phương. Công trình hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước chấp nhận bị bỏ phí… bởi một vài cá nhân thiếu trách nhiệm(!?).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.