Chất lượng sống

Tàu cá miền Trung “đỏ mắt” tìm bạn thuyền

16/03/2018, 07:30

Hết tháng Giêng, nhưng nhiều tàu cá của các chủ tàu dọc làng biển miền Trung Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi...

15

Nhiều tàu cá Khánh Hòa nằm bờ vì không tìm được bạn thuyền

Hết tháng Giêng, nhưng nhiều tàu cá của các chủ tàu dọc làng biển miền Trung Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… vẫn phải nằm bờ vì bạn thuyền (ngư dân, thuyền viên đi biển) còn mải mê ăn Tết. Không ít chủ tàu ngậm ngùi vì lỡ chuyến, mất luôn cả tiền “ứng trước” cho các ngư dân.

Ứng trước tiền, năn nỉ bạn thuyền đi biển

Tại khu vực cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa) không ít tàu thuyền neo đậu ken đặc dãy cầu cảng chưa thể ra khơi dù đang vụ chính vụ đánh bắt. Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn Anh (TP Nha Trang), thuyền trưởng tàu cá KH-95258-TS cho biết, dù đã phải liên hệ tìm kiếm lao động ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận… nhưng vẫn không có bạn thuyền. “Chúng tôi có hai tàu cá, nhưng trong chuyến biển cuối tháng Chạp năm ngoái do không tìm được người đi biển nên chỉ một tàu cá vươn khơi, chiếc còn lại phải nằm bờ. Tàu cá của tôi có công suất 400CV, tìm mãi mới đủ 5 lao động để xuất bến”, ngư dân Tuấn Anh nói.

Bà Thu Hương, chủ tàu cá KH-95519TS cho hay: “Dạo này kiếm bạn thuyền đi biển khó lắm vì người ta không muốn đi khơi dài ngày. Chúng tôi phải chi tiền trước cho bạn thuyền để họ lo ăn cho vợ con trong gần một tháng đi biển, nhưng cũng không thể yêu cầu họ lên thuyền đúng lịch”. Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung Bộ (TP Nha Trang), tình trạng thiếu lao động đi biển phát sinh trong vài năm qua, thường rơi vào thời điểm cận trước và sau Tết Nguyên đán. Sau Tết thì tâm lý bà con muốn chơi hết tháng Giêng, chứ chưa muốn làm. Trong khi sau Tết thường có nhiều cá, chủ tàu tranh thủ muốn vươn khơi nhưng đa phần các tàu thiếu người. “Một số tàu chấp nhận vươn khơi trong tình trạng thiếu lao động, giảm ngư cụ, kéo theo hiệu quả chuyến biển không cao”, ông Hiếu nói.

Tương tự, tại Âu thuyền cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), nhiều chủ tàu ngán ngẩm nhìn tàu phải nằm bờ vì thiếu lao động. Theo chủ tàu cá ĐNa 9647 Huỳnh Văn Cường (Sơn Trà), hơn tháng nay tàu cá chưa thể vươn khơi vì thiếu bạn thuyền. Theo anh Cường, thời tiết bất lợi, ngư dân sợ ra biển đã đành, nhưng sau Tết, mọi việc rất thuận lợi vẫn không kiếm ra người. Con tàu có 10 lao động, tuy nhiên anh Cường hiện mới chỉ “gom” được hơn nửa. Ông Ngô Văn Trung (quận Sơn Trà), chủ tàu ĐNa 90964 lo lắng vì chuyến biển sắp tới không biết các thuyền viên còn theo mình nữa hay không. Anh cho biết, hai năm trở lại đây, trước mỗi chuyến ra khơi, anh đều phải đi tìm lao động, thậm chí năn nỉ những bạn thuyền ở lại với mình.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đặng Duy Hải, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cho rằng, đa số các bậc lão ngư không muốn con em mình nối nghề dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động. Tình trạng này càng thêm trầm trọng sau mỗi dịp nghỉ Tết. Thống kê từ chi cục này cho thấy, hiện có khoảng 1.200 phương tiện đánh bắt trên biển, trong đó, hơn 430 tàu công suất 400CV trở lên đánh bắt xa bờ, cần nhiều lao động đi biển. Hầu hết những lao động trên các tàu cá ở Đà Nẵng lấy từ người các tỉnh khác. Sau Tết, nhiều bạn thuyền ở lại quê, một số bỏ nghề nên tình trạng khan hiếm kéo dài.

Ghi nhận tại Quảng Ngãi, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (Bình Sơn) Nguyễn Thanh Hùng cho biết, nhiều chủ tàu trong xã đã phải chạy vạy khắp trong và ngoài tỉnh để tìm lao động nhưng cầu vẫn vượt cung. Thời tiết khá thuận lợi để ra khơi, thế nhưng từ sau Tết hàng loạt tàu cá trên địa bàn phải chịu cảnh nằm bờ, vì không đủ thuyền viên.

Lao động bỏ ngang, chủ tàu điêu đứng

Lý giải về tình trạng khan hiếm lao động nghề biển, các chủ tàu cho rằng, bản chất nghề biển bấp bênh, thu nhập không ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến lao động không mặn mà. Nắm bắt tâm lý này, nhiều chủ tàu đã tăng cường hỗ trợ, chia sẻ với bạn thuyền, nhưng ngặt nỗi số người đi biển ngày một thêm vắng, trong khi không ít số ngư dân còn lại không giữ đúng cam kết với chủ tàu. Tình trạng người lao động “nhảy cóc”, hứa tàu này nhưng đi tàu khác diễn ra phổ biến, miễn có thêm thu nhập…

Theo chủ tàu ĐNa 90516 Nguyễn Văn Bình (Nại Hiên Đông, Sơn Trà), để khắc phục tình trạng này, mỗi chuyến biển dịp Tết, chủ tàu đều thưởng, hỗ trợ ngư dân và cho ứng tiền trước số biển sau Tết… Tuy nhiên, bạn thuyền hầu như không “chung thủy”, họ sẵn sàng nhận hết tàu này đến tàu khác, rồi bỏ mặc chủ tàu.

Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) Phạm Thị Hương cho hay: Thực tế, có nhiều trường hợp chủ tàu ứng tiền cho bạn tàu nhưng họ không đi biển và mất tiền. Việc xử lý rất khó khăn vì đây là thỏa thuận tự phát, dân sự trên cơ sở đồng thuận giữ các bên. Trong khi đó, bạn thuyền thường “nhảy việc” bởi tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”…

Theo bà con ngư dân, nhằm “hút” bạn thuyền đi biển, nhiều chủ tàu cá đã không ngại chi tiền triệu cho bạn thuyền mượn trước khi tàu cá vươn khơi đánh bắt. Trung bình mỗi lao động được tạm ứng 3 - 4 triệu đồng, chưa kể tiền hỗ trợ mua thực phẩm, thuốc men… Điều này vô tình đang gây phát sinh nhiều hệ lụy như bị bạn thuyền lừa gạt, nhận tiền nhưng không đi hoặc ra biển không làm việc, ra “yêu sách” với chủ tàu, yêu cầu chạy tàu về bờ dù chưa đánh bắt được gì.

Ông Mai Thành Phúc, ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng (TP Nha Trang) cho hay: “Không ít tình trạng bạn thuyền lừa 2 -3 ông chủ tàu, kiếm 5 - 7 triệu đồng rồi bỏ ngang, không đi biển. Chỉ đến khi chủ tàu chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến biển, các ngư dân này mới viện lý do không thỏa đáng để từ chối lên thuyền, khiến nhiều chủ tàu điêu đứng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.