Đường sắt đô thị

Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thế nào?

05/04/2021, 06:00

Vào giờ cao điểm, cứ 6 phút sẽ có một đoàn tàu cập ga, với sức chở tối đa 960 người/đoàn, còn giờ bình thường là 10 phút/chuyến.

img

Vào giờ cao điểm, cứ 6 phút sẽ có một đoàn tàu cập ga, với sức chở tối đa 960 người/đoàn, còn giờ bình thường là 10 phút/chuyến. Ảnh: Tạ Hải

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang được bàn giao để đưa vào khai thác vận hành trong quý II/2021. Vào giờ cao điểm, cứ 6 phút sẽ có một đoàn tàu cập ga, với sức chở tối đa 960 người/đoàn, còn giờ bình thường là 10 phút/chuyến. Giá vé dự kiến ở mức 8-15 nghìn đồng/vé lượt, 30 nghìn đồng/vé ngày và 200 nghìn đồng/vé tháng.

Chạy từ 5-23h, giờ cao điểm 6 phút có một chuyến

Ga Cát Linh - ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông những ngày gần đây sôi động hơn. Hệ thống kiến trúc tổng thể, màu sắc và ánh sáng hài hòa, các thiết bị phục vụ hành khách đều trong trạng thái hoạt động ổn định.

Nhà ga có hai tầng, để lên nhà ga, từ dưới hè đường khách có thể dùng thang máy hoặc thang bộ lên tầng 1.

Đây là khu vực khách mua vé tàu, đi qua cổng soát vé và có thể nghỉ ngơi, sử dụng khu vệ sinh dành cho hành khách, sau đó lên tầng 2 để đợi lên tàu.

Lối lên xuống giữa tầng mua vé và tầng đợi tàu cũng được bố trí thang máy cuốn và thang bộ rộng rãi, với biển chỉ dẫn bằng song ngữ Việt - Anh.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, mặt bằng cả hai tầng đều thông thoáng, sạch sẽ, có các dãy ghế ngồi cho hành khách, có nhân viên trực hướng dẫn khách hệ thống loa phát thanh hướng dẫn khách giống như âm thanh tại sân bay (có thang máy thẳng dành riêng, lối dẫn định hướng cho người khuyết tật).

Ngoài ga Cát Linh, các ga hiện đều bố trí song song quầy bán vé trực tiếp và máy bán vé tự động cho hành khách. Máy bán vé tự động được hiển thị bằng tiếng Việt và tiếng Anh, hành khách chỉ cần chọn ga đến và đưa tiền vào máy để nhận vé, biên lai, tiền thừa.

“Metro Hà Nội và Ban QLDA Đường sắt đang phối hợp xây dựng kế hoạch chạy tàu vào quý II/2021”, lãnh đạo Hà Nội Metro thông tin.

Tìm hiểu của PV, công tác kiểm đếm tài sản, hồ sơ dự án dự kiến được hoàn tất trong 3-4 tuần tới.

Trong thời gian này, các đoàn tàu tiếp tục được vận hành trên chính tuyến vào ban ngày, buổi tối theo kế hoạch của chủ đầu tư và tổng thầu vận hành để duy trì hoạt động của hệ thống thiết bị (điện, thông tin tín hiệu, đoàn tàu...).

Khi dự án được đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động theo biểu đồ được Sở GTVT Hà Nội quản lý, chấp thuận.

Theo Sở GTVT Hà Nội, khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày.

Vào giờ cao điểm, cứ 6 phút lại có một đoàn tàu cập ga, với sức chở tối đa 960 người/đoàn, còn giờ bình thường là 10 phút/chuyến. Các đoàn tàu chở khách chạy với tốc độ bình quân 35km/h, nếu chạy toàn tuyến hết 25,5 phút (gồm cả thời gian dừng tàu), khi vào ga sẽ dừng 25-35 giây để khách lên xuống.

“Giá vé hợp lý”

img

Hành khách sắp được trải nghiệm đi lại bằng tàu điện Cát Linh - Hà Đông

Giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông được dự kiến ở mức 8-15 nghìn đồng/vé lượt (tùy theo quãng đường, toàn tuyến 15.000 đồng/lượt); 30 nghìn đồng/vé ngày và 200 nghìn đồng/vé tháng dành cho khách phổ thông. Ngoài ra, sẽ có cơ chế miễn, giảm giá vé cho đối tượng ưu tiên.

Ngày 31/3, hàng chục phóng viên, đại diện các cơ quan báo chí tại Hà Nội được mời đi trải nghiệm thực tế đoàn tàu dọc tuyến và một số ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông, hầu hết phóng viên đều có đánh giá tuyến tàu điện này có chất lượng tốt.

Phóng viên Hán Phi Long, Đài Tiếng nói Việt Nam nhận xét: “Đây là lần đầu tôi đi tàu Cát Linh - Hà Đông, nhận thấy suốt hành trình đoàn tàu chạy với tốc độ nhanh và êm, duy chỉ trước khi vào một số ga hơi giật.

Các thang máy, thang cuốn và lối lên xuống, biển chỉ dẫn được bố trí phù hợp, sử dụng dễ dàng, thuận tiện. Các ga được bố trí kiến trúc hài hòa, không trùng lắp nhau, từ màu sắc gạch men đến các vật liệu đều đẹp mắt. Tôi khá hài lòng với tuyến tàu điện này”.

Còn nữ phóng viên Kim Cương, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết: “Nhìn chung tôi thấy hài lòng với đoàn tàu và nhà ga của tuyến tàu điện này. Đoàn tàu rất sạch sẽ, điều hòa không khí tốt, đi lại nhanh. Các ga đẹp, bắt mắt, đi lại bằng thang máy hay thang bộ đều thuận lợi. Tuy nhiên, nếu bố trí thêm được các hàng ghế ngồi chờ cho hành khách càng tốt”.

Về giá vé dự kiến cho khách thông thường ở mức 8-15.000 đồng/lượt, cả hai phóng viên trên đều cho rằng đây là mức giá hợp lý nên nhiều người sẽ chọn tuyến tàu này để đi lại. Bên cạnh đó, chính sách miễn, giảm giá vé cho người già, trẻ em, đối tượng ưu đãi cũng sẽ thu hút được hành khách.

Tuy vậy, một số phóng viên cho rằng, khi đi vào khai thác tại các nhà ga nên tổ chức được nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng để tạo sự hấp dẫn hơn.

img

Hành khách sắp được trải nghiệm đi lại bằng tàu điện Cát Linh - Hà Đông

Liên quan vấn đề này, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro, đơn vị khai thác vận hành) cho biết, hiện dự án đang trong giai đoạn kiểm đếm tài sản, hồ sơ để bàn giao đưa vào khai thác thương mại.

Khi dự án được đưa vào khai thác thương mại, tại các nhà ga sẽ được bố trí thêm các dịch vụ tiện ích phục vụ khách đi tàu, như máy rút tiền tự động ATM, máy bán hàng tự động, cửa hàng ăn nhanh, quầy hàng thời trang, đồ lưu niệm, các biển quảng cáo, giới thiệu sản phẩm...

Ngoài ra, công ty cũng tổ chức trông giữ xe máy, xe đạp cho khách đi tàu trong phạm vi thuộc mặt bằng các nhà ga.

Theo ông Trường, dự kiến lượng khách đi tàu theo chặng ngắn, giữa các ga, sẽ đông hơn so với toàn tuyến. Vì vậy, ngoài những dịch vụ tiện ích cơ bản nói trên, tùy thuộc lưu lượng khách, tại mỗi ga cụ thể sẽ tổ chức các dịch vụ tiện ích khác nhau để phục vụ, thu hút hành khách đi tàu.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự kiến lượng khách đi lại trên tàu đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ rất lớn. Để đảm bảo việc kết nối, các tuyến buýt hiện có sẽ được điều chỉnh, bố trí lại. Việc điều chỉnh luồng tuyến đảm bảo đồng bộ, tăng cường kết nối ngang từ 12 nhà ga với các tuyến buýt, giảm dần kết nối dọc.

Ông Viện cho biết thêm, có 3 kịch bản kết nối được đưa ra: Kịch bản số 1: 15 ngày đầu chạy miễn phí; kịch bản số 2: sau thời gian chạy miễn phí khi vận hành 10 đoàn tàu; kịch bản số 3: khi gặp sự cố, đoàn tàu dừng hoạt động trên 2 tiếng.

Với kịch bản số 1, Sở GTVT sẽ tổ chức khai thác các tuyến buýt theo như phương án hiện đang vận hành, các chỉ tiêu khai thác giữ nguyên như hiện tại để đảm bảo việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn trong thời gian trải nghiệm miễn phí hệ thống đường sắt đô thị trong 15 ngày đầu vận hành thương mại.

Với kịch bản thứ 2, Sở GTVT Hà Nội sẽ tổ chức, điều chỉnh lại các tuyến buýt đảm bảo nguyên tắc và mục tiêu kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông), đảm bảo theo lộ trình, các tuyến buýt ít bị ảnh hưởng điều chỉnh trước, các tuyến buýt bị ảnh hưởng lớn điều chỉnh sau.

Với kịch bản thứ 3, khi gặp sự cố, đoàn tàu dừng hoạt động trên 2 tiếng: Trường hợp đoàn tàu gặp sự cố dừng hoạt động trên 2 tiếng (trong 3 tháng đầu khi đưa vào vận hành khai thác thương mại) sẽ tổ chức vận hành các tuyến buýt theo như phương án đã điều chỉnh trong 3 tháng đầu từ khi đoàn tàu đi vào khai thác thương mại tại kịch bản 2.

Sở GTVT Hà Nội sẽ bố trí khu vực tổ chức dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy để hành khách gửi xe chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị 2A.

Để tổ chức giao thông tăng tính kết nối, tiếp cận, Sở GTVT Hà Nội dự kiến tổ chức cấm ô tô (trừ xe buýt) trên đường Giảng Võ nhỏ (đoạn từ Hào Nam tới Nguyễn Thái Học) để tạo hành lang bổ sung tăng cường cho các tuyến xe buýt lưu thông kết nối ga Cát Linh với điểm trung chuyển Kim Mã và ngược lại; giải tỏa việc lấn chiếm hành lang vỉa hè, cải tạo lại vỉa hè trên đoạn tuyến Giảng Võ (đoạn từ Hào Nam tới Nguyễn Thái Học) để hành khách có không gian đi bộ từ ga Cát Linh tiếp cận với điểm trung chuyển xe buýt tại số 1 Kim Mã....

TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia:
Thách thức lớn về giao thông kết nối

Tại một số khu vực nhà ga thuộc các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội đã có những phương án kết nối về mặt không gian như bố trí cầu cho người đi bộ qua đường hay vạch kẻ đường cho người đi bộ. Tuy nhiên, để hệ thống giao thông công cộng phát huy hiệu quả, ngoài kết nối về mặt không gian, còn phải đảm bảo sự tương thích về mặt thời gian, sự phù hợp về mặt công suất với các phương thức vận tải khác.

Việc bố trí không gian trông giữ xe, các điểm trung chuyển phương tiện của tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh đang gặp khó khăn. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương chuẩn bị, nhưng theo tôi đây là một thách thức rất lớn bởi những yêu cầu để phục vụ giao thông kết nối, các phương án trước đây cũng chưa tính toán nhiều.

Ông Nguyễn Ân, chuyên gia đường sắt:
Thời gian đầu sẽ chưa đông khách

Thời gian đầu khai thác, có thể tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa nhiều khách, song việc với những ưu điểm về thời gian đi lại, dịch vụ tiện ích và khi có kết nối với các tuyến xe buýt, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đi vào khai thác (kết nối tại ga Cát Linh) sẽ thu hút được người đi tàu.

Bên cạnh tổ chức phục vụ khách chu đáo, đơn vị vận hành cần tổ chức tốt các dịch vụ tiện ích, thương mại tại nhà ga để hấp dẫn khách đi tàu và tạo thêm nguồn thu cho tuyến đường sắt này.

681 người vận hành bộ máy

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05km, hai ga đầu là Cát Linh (đầu phố Cát Linh) và Yên Nghĩa (bến xe Yên Nghĩa), với 12 nhà ga, khoảng cách trung bình giữa hai ga là hơn 1km. Tổng số có 13 đoàn tàu được chế tạo theo phạm vi dự án, mỗi đoàn có 4 toa tàu, với sức chở tối đa 960 hành khách (152 chỗ ngồi, 808 chỗ đứng). Trên mỗi toa tàu có các vị trí ghế ngồi dành cho khách ưu tiên (người khuyết tật, trẻ em, người già, phụ nữ) và vị trí cho người khuyết tật dùng xe lăn.

Bộ máy vận hành hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông gồm 681 người, trong đó có 40 lái tàu. Theo Hà Nội Metro, trong năm đầu tiên khai thác, đội ngũ vận hành của công ty được hỗ trợ quản lý, khai thác vận hành bởi liên danh nhà thầu. Hiện các chuyên gia Trung Quốc của nhà thầu đã đến dự án và đang được cách ly y tế để phòng dịch Covid-19 theo quy định.

Tổng vốn đầu tư hơn 860 triệu USD

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư 8.769,97 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD), quá trình thực hiện được điều chỉnh lên 18.001,59 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc (giá trị 669,62 triệu USD) và 198,42 triệu USD vốn đối ứng trong nước.

Từ năm 2008 đến tháng 8/2014, dự án do Ban QLDA Đường sắt thuộc Cục Đường sắt VN làm đại diện chủ đầu tư; tháng 8/2014, do Ban QLDA Đường sắt thuộc Bộ GTVT làm đại diện chủ đầu tư.

Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói (EPC), trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Thỏa thuận hợp đồng được Cục Đường sắt VN ký với tổng thầu vào tháng 2/2009, các điều khoản hợp đồng được các bên hoàn tất và ký vào tháng 5/2010.

Dự án được chính thức khởi công ngày 10/10/2010; tháng 8/2015 hoàn thành giải phóng mặt bằng; tháng 8/2016 nối thông dầm trên cao toàn tuyến; tháng 1/2017 nối thông đường ray toàn tuyến; tháng 7/2018 thông điện toàn tuyến;

Tháng 10/2020, tổng thầu hoàn thành 20 ngày chạy tàu theo biểu đồ vận hành. Ngày 31/3/2021, bắt đầu quá trình kiểm đếm hồ sơ, tài sản dự án để bàn giao cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác, vận hành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.