Đường sắt đô thị

Tàu Cát Linh-Hà Đông sau 2 ngày vận hành: Kỳ vọng thay đổi thói quen đi lại

Sau khi trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận, nhiều người cho biết sẽ chọn tàu điện làm phương tiện di chuyển thay vì sử dụng xe cá nhân như trước.

Sau 2 ngày chính thức đưa vào khai thác, vận hành, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã đón lượng hành khách vượt dự kiến.

Sau khi trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận, nhiều người cho biết sẽ chọn tàu điện làm phương tiện di chuyển, thay vì sử dụng xe cá nhân như trước.

Với giá vé hợp lý, di chuyển an toàn, họ sẽ không sợ bị ùn tắc vào giờ cao điểm.

img

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đón lượng khách vượt dự kiến sau 2 ngày chính thức đưa vào khai thác. Ảnh: Tạ Hải

Nhanh gấp 2-3 lần đi ô tô, xe máy

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong 2 ngày đầu tiên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác, vận hành chính thức (từ ngày 6/11, chở khách miễn phí trong 15 ngày đầu tiên), hầu như đoàn tàu nào cũng đầy khách. Tại các ga dọc đường thường xuyên có 20 - 30 khách đợi tàu.

Việc Hà Nội đưa tàu điện Cát Linh - Hà Đông vào vận hành khai thác đã mở ra một trang mới cho giao thông đô thị Thủ đô, đồng thời tạo cơ hội cho cơ quan quản lý Nhà nước “vừa học vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”.
Đây là tuyến tàu điện đầu tiên và duy nhất hiện nay, nên cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng về thay đổi phương thức đi lại tại Hà Nội, bởi chúng ta đã có kinh nghiệm từ tuyến buýt nhanh BRT. Bởi lẽ mạng lưới xương sống chưa hình thành, mà đây mới chỉ là một tuyến đơn độc. Khi nào hình thành được mạng lưới phương tiện công cộng nhanh, sức chở lớn cơ bản với 5 - 6 tuyến đường sắt đô thị khi đó lượng khách đi trên mỗi tuyến sẽ tự tăng nhanh chóng.
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức


Đối tượng khách đi tàu khá đa dạng, từ người già 70 - 80 tuổi đến thiếu niên, trẻ em.

Trong 2 ngày đầu, phần lớn khách đều là đi tham quan, trải nghiệm, cùng những người trẻ trong độ tuổi lao động đi để vừa trải nghiệm, vừa kết hợp khảo sát, trước khi quyết định có đi làm hàng ngày bằng tàu điện hay không.

“Đi tàu nhanh gấp mấy lần đi ô tô, xe máy, lại sạch sẽ, thoáng đãng. Mua vé tháng cũng chỉ 200.000 đồng/tháng, rẻ hơn nhiều so với đi xe máy, ô tô”, anh Nguyễn Văn Phong, nhà ở khu tập thể Thanh Xuân Trung, hiện đang làm việc cho một ngân hàng ở phố Hoàng Cầu chia sẻ.

Để so sánh phương thức đi lại bằng tàu Cát Linh - Hà Đông và phương tiện đường bộ trên cùng tuyến, sáng 7/11, nhóm PV Báo Giao thông chia nhau di chuyển bằng tàu và xe máy trong khung giờ cao điểm.

Lên ga Yên Nghĩa lúc 7h59 (khung giờ cao điểm), PV ghi nhận tàu chạy toàn tuyến hết khoảng 23 phút, thời gian di chuyển giữa hai ga trung bình khoảng 1 phút 40 giây.

Ở mỗi điểm dừng tại các nhà ga giữa tuyến, thời gian dừng tàu khoảng 25 giây. Trong khi đó, nếu đi bằng xe máy từ điểm cuối ga Yên Nghĩa - điểm đầu ga Cát Linh (13,5 km) mất 31 phút di chuyển (thời gian khảo sát vào ngày Chủ nhật, trên các tuyến đường không gặp bất kỳ một điểm nào ùn tắc nào, xe di chuyển với tốc độ trên dưới 40km/h).

Như vậy, thời gian di chuyển bằng xe cá nhân (thường nhanh hơn so với xe buýt, ô tô khi lưu thông trong nội đô) trong ngày nghỉ, đường thông thoáng cũng chậm hơn gần 10 phút so với di chuyển bằng tàu điện Cát Linh - Hà Đông.

Lý do là trên đường phải dừng lại chờ đèn tín hiệu giao thông ở hơn chục nút giao cắt. Trường hợp các nút giao xảy ra ùn ứ như những ngày bình thường, thời gian di chuyển bằng xe có thể tăng lên gấp đôi, bởi phải vượt qua nhiều vị trí thường xuyên ùn tắc…

Cần hướng dẫn đi tàu chi tiết hơn

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Lê Hữu Vĩnh (cán bộ hưu trí, phố Đội Cấn, quận Ba Đình, người từng công tác ở một số nước châu Âu) cho biết, tàu điện Cát Linh - Hà Đông vận hành êm, nhanh, nội thất được thiết kế không thua kém tàu nước ngoài.

Duy chỉ có khi tàu dừng tại ga hay bị giật, nguyên nhân có thể do thời gian đầu vận hành nên lái tàu chưa có kinh nghiệm, thuần thục trong việc tăng, giảm tốc độ và thời điểm hãm phanh.

Công ty Metro Hà Nội (đơn vị khai thác) cho biết, trong ngày đầu tiên vận hành, có 25.680 lượt hành khách đi tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông, với 109 chuyến tàu. Khách tập trung đông ở các ga Cát Linh (30,1%); ga Yên Nghĩa (20,2%).
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư dự án), sau khi dự án được bàn giao cho Hà Nội để khai thác, vận hành, đơn vị tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình và phối hợp với các bên liên quan để xử lý những vấn đề phát sinh. Trong 2 ngày đầu tiên vận hành, tuyến tàu điện vận hành an toàn, ổn định, không phát sinh vấn đề nào về kỹ thuật, số lượng khách đi tàu vượt số dự kiến.


“Các nhà ga đều được thiết kế, bố trí thông thoáng, nhiều ánh sáng tự nhiên. Hệ thống thang lên xuống rộng rãi, dễ nhận biết.

Tuy nhiên, bên trong các ga nên có thêm các dịch vụ tiện ích như bán hàng lưu niệm, mỹ phẩm, sách báo, cây rút tiền ATM, trưng bày giới thiệu sản phẩm, cũng như trang trí thẩm mỹ để tạo sự sinh động, hấp dẫn đối với khách đi tàu”, ông Vĩnh góp ý.

Cùng chung nhận xét tàu Cát Linh - Hà Đông hiện đại, chạy nhanh, đi lại trong ga dễ dàng, nhân viên phục vụ nhiệt tình, song chị Bùi Thị Huệ (khu đô thị Văn Quán, Vạn Phúc, quận Hà Đông) góp ý thêm: “Khi quẹt thẻ trên máy soát vé để đi vào hoặc nhét trả thẻ vé để đi ra, cửa soát vé mở ra rất nhanh rồi đóng lại.

Không biết thời gian mở cửa bao nhiêu giây, trong khi lối đi qua lại khá hẹp, chỉ sợ chậm một chút là cửa đóng lại hoặc bị kẹt. Người già, trẻ em nếu bất cẩn rất dễ gặp xảy ra sự cố”.

Cũng theo chị Huệ, trong thời gian đầu, nên có bảng hướng dẫn (dạng in bạt) đặt tại ga để hướng dẫn thứ tự từ bước mua vé, qua cửa soát vé/trả vé tự động, trong đó ghi rõ thời gian cửa soát vé mở/đóng và khuyến cáo khách đi qua nhanh chóng…

Còn anh Đỗ Hữu Hùng (Văn Phú, quận Hà Đông) cho rằng, hai ngày qua, hành khách chỉ cần lên ga tầng 2 là được nhân viên nhà ga trực tiếp phát vé và đứng ngay tại cổng soát vé để đi tàu.

Điều này giúp khách được lên tàu rất nhanh, tuy nhiên lại không được trải nghiệm, làm quen với cách mua vé tự động.

“15 ngày đầu phục vụ miễn phí là cơ hội thu hút, quảng bá và cũng để cho hành khách làm quen, trải nghiệm. Thời gian này, các ga nên hướng dẫn hành khách làm quen đầy đủ các bước theo đúng trình tự vận hành: Từ cách mua vé tự động, quẹt thẻ, sử dụng thang, thiết bị trong nhà ga, thậm chí xếp hàng, dùng vòi vệ sinh tự động…”, anh Hùng góp ý.

Cũng là người trực tiếp trải nghiệm đi tàu Cát Linh - Hà Đông, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội bày tỏ: “Tàu chạy êm ái, nhẹ nhàng. Nhà tôi ở khu vực có tàu chạy qua nhưng cũng không thấy bị ảnh hưởng do tiếng ồn được cách âm tốt.

Tôi tin tàu điện Cát Linh - Hà Đông sẽ giúp xóa cảnh ùn tắc ở nhiều vị trí nơi có tuyến tàu điện chạy qua”.

Lập phương án tổ chức dịch vụ tại các ga

img

Sau khi trực tiếp trải nghiệm, nhiều người cho biết sẽ chọn tàu điện làm phương tiện di chuyển, thay vì sử dụng xe cá nhân như trước. Ảnh: Tạ Hải

Theo chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân, theo quy trình vận hành của tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, mỗi khi tàu dừng tại ga, lái tàu sau khi mở cửa đoàn tàu sẽ bước xuống ke ga để quan sát khách xuống, lên tàu.

Khi hết người xuống, lên mới đóng cửa các khoang và trở lại vị trí lái để tiếp tục điều khiển tàu đến ga tiếp theo.

Thao tác này nhằm giúp bảo đảm an toàn cho khách, khắc phục việc bên trong toa tàu và cabin lái không có hệ thống camera quan sát.

Tuy vậy, ông Ân cho rằng, thời gian mỗi lần tàu dừng chỉ 25 - 50 giây, khoảng cách đến ga tiếp theo chỉ 1,1km nên lái tàu liên tục lên xuống, ảnh hưởng đến sự tập trung. Vì vậy, hệ thống quản lý cần có sự giám sát chặt chẽ lái tàu trên hành trình, thao tác tại ga.

Bên cạnh đó, tàu đường sắt có mức độ tập trung lớn số lượng hành khách nên cần được đảm bảo an ninh trật tự ở mức cao hơn so với vận tải khách công cộng khác.

“Cần có quy định cụ thể về cơ chế, trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự tại các ga để các vấn đề mất an ninh, trật tự công cộng được xử lý nhanh nhất”, ông Ân nói.

Đánh giá về 2 ngày đầu tàu hoạt động, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, tàu đi nhanh, đúng giờ, thuận lợi, mỗi ngày đều thu hút lượng lớn hành khách tham quan, đi trải nghiệm.

“Chúng tôi khẳng định hành khách đi vào giờ cao điểm trên tàu sẽ giảm được một nửa thời gian so với đi phương tiện cá nhân. Chúng tôi đã tổ chức đi thử trên tàu và đi phương tiện cá nhân để có so sánh.

Hy vọng tuyến tàu điện một mình một đường có thể làm thay đổi thói quen của người dân để giảm được lượng phương tiện cá nhân hơn”, ông Hải bày tỏ.

Đề cập việc tổ chức khai thác dịch vụ tại các ga, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội cho biết, đơn vị đang lập dự án và tùy từng vị trí ga để có phương án khai thác dịch vụ phù hợp, hiệu quả để bù đắp chi phí hoạt động.

“Vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị ở hầu hết các nước trên thế giới đều không thể tự cân đối thu, chi mà phải dùng ngân sách để hỗ trợ.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng được hoạt động theo cơ chế trợ giá để phục vụ đi lại của người dân”, ông Trường nói về việc tính toán khả năng cân đối thu, chi của tuyến đường sắt trên.

Khách gửi xe máy đi tàu tố bị “chặt chém”

Trong 2 ngày đầu, không ít hành khách bày tỏ không hài lòng về việc các ga dọc đường của tuyến Cát Linh - Hà Đông chưa tổ chức được dịch vụ trông giữ xe 2 bánh hoặc phải trả tiền trông xe với mức giá cao. Bên cạnh đó, một số vị trí ga có thang máy cuốn hoạt động không ổn định.

“Theo sổ tay hướng dẫn của Metro Hà Nội, tôi đi xe máy đến sảnh tòa nhà 143 Trần Phú, Hà Đông gửi xe để lên Văn Quán, nhưng bảo vệ tòa nhà không nhận, bảo đây không phải là nơi gửi. Tôi đành phải tự tìm chỗ gửi để đi tàu.

Lúc tôi đi, không hiểu sao thang máy cuốn không hoạt động nên tôi phải đi bộ lên. Thang này đứng im nên chỉ thấy khách dùng để đi bộ lên, xuống thay cho cầu thang bộ”, anh Quang, phản ánh kèm hình ảnh ghi lại.

Bên cạnh đó, một số hành khách khác cho biết, khi gửi xe tại một số nơi như ga Láng, Cát Linh phải trả 10.000 đồng/lượt và không có vé thu tiền.

Thông tin về việc bố trí các điểm trông giữ xe tại khu vực các ga, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, hiện tại ga đầu Cát Linh - ga cuối Yên Nghĩa đều được bố trí điểm trông giữ phương tiện cho hành khách đi tàu.

Còn các ga khác đang được dùng cho giao thông công cộng bằng xe buýt để khách đi tàu. Hiện Sở GTVT Hà Nội đang lên kế hoạch để bố trí thêm các điểm trông giữ xe phục vụ tối đa nhu cầu của hành khách.

Liên quan đến việc các điểm trông giữ xe “chặt chém” tiền vé, đại diện Metro Hà Nội cho biết, hiện đơn vị này chưa tổ chức các điểm trông giữ ở chân ga.

Các vị trí trông giữ xe được nêu trong Sổ tay là các điểm xung quanh ga, nhằm hướng dẫn khách gửi xe. Tới đây, Metro Hà Nội sẽ xem xét để giải quyết vấn đề này.

Huy Lộc - Lê Tươi

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.