Giao thông

Tàu cứu nạn SAR là hiện diện chủ quyền trên biển Đông

18/04/2017, 09:07

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa thăm và làm việc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN.

3

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa biểu dương những thành quả Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN đạt được

Chiều qua (17/4), Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa thăm và làm việc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN (VNMRCC). Tại đây, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam không chỉ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân, thuyền viên mà còn khẳng định chủ quyền trên biển Đông.

VNMRCC phải là lực lượng tinh nhuệ nhất trên biển

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên VNMRCC thời gian qua đã vượt qua nhiều khó khăn, khắc phục thiếu thốn cũng như vượt qua điều kiện khắc nghiệt của thời tiết để hoàn thành nhiệm vụ. “VNMRCC đã tham gia ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn nhiều vụ việc nghiêm trọng trên biển, được quân đội, nhân dân hết sức khen ngợi. Đó là vụ cứu nạn máy bay SU 30, sau đó là vụ rơi máy bay CASA 212. Mới đây nhất, là vụ cứu nạn tàu Hải Thành 26 - BLC. Chính nhờ lực lượng cứu nạn hàng hải nên công tác tìm kiếm, cứu nạn rất nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm được công sức và thời gian cũng như chi phí tìm kiếm cứu nạn”, Bộ trưởng nói.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã trao Bằng khen cho 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tìm kiếm cứu nạn tàu Hải Thành 26 - BLC vừa qua.

Những kết quả của lực lượng cứu nạn hàng hải thời gian qua không chỉ được Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng ghi nhận và đánh giá cao, mà Chính phủ, nhân dân cũng ghi nhận, đặc biệt là lực lượng cứu nạn tàu SAR. “Nhiệm vụ của VNMRCC mang tính nhân đạo rất cao, bên cạnh đó còn mang ý nghĩa chính trị rất lớn, đó là sự khẳng định chủ quyền biển của Tổ quốc. Bất cứ khi nào có thông tin cần trợ giúp, cứu nạn trên biển, dù trong điều kiện khắc nghiệt ra sao, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải cũng phải có mặt kịp thời. Đây phải là lực lượng tinh nhuệ nhất, chủ công trong tìm kiếm cứu nạn trên biển”, Bộ trưởng chia sẻ.

Để làm được điều này, VNMRCC cần phải luôn sẵn sàng các phương án hoạt động, quan tâm đến huấn luyện kỹ năng, sức khỏe, giáo dục tư tưởng cho các cán bộ, công nhân viên, thuyền viên luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Mục đích cuối cùng là đem lại sự sống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho người bị nạn trên biển.

Đẩy nhanh đóng mới tàu cứu nạn

Trước đó, báo cáo Bộ trưởng, Tổng giám đốc VNMRCC Nguyễn Anh Vũ cho biết, VNMRCC được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, có bờ biển dài hơn 3.260km, diện tích mặt biển hơn 1 triệu km2 bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Để thực hiện nhiệm vụ được giao trên phạm vi rộng lớn đối với một đơn vị nhỏ bé như trung tâm là rất khó khăn.

“Hiện, có khoảng 130.000 tàu cá; Hàng nghìn tàu biển; Tàu chở khách du lịch, chở khách từ bờ ra đảo, tàu biển quốc tế chạy qua, giàn khoan... nên sự cố nhiều, nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển ngày càng nặng nề. Tình hình tranh chấp trên khu vực biển đang diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là khu vực biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Do vậy, khi tai nạn, sự cố xảy ra trên các vùng biển này, công tác tìm kiếm cứu nạn và khẳng định chủ quyền của Việt Nam gặp nhiều khó khăn”, ông Vũ nói và cho biết, hàng năm, VNMRCC thu nhận và xử lý từ 300 - 500 thông tin báo nạn; Cứu, hỗ trợ được hàng nghìn người và hàng chục phương tiện bị nạn trên biển. Năm 2016, VNMRCC cứu được 932 người. Năm 2017, tính đến ngày 10/4, VNMRCC đã cứu và hỗ trợ được 244 người bị nạn trên biển, trong đó nổi bật là vụ cứu nạn tàu Hải Thành 26 - BLC chìm tại vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 28/3.

Để hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Tổng giám đốc VNMRCC Nguyễn Anh Vũ kiến nghị Bộ trưởng 6 vấn đề, trong đó cho phép đầu tư, đóng mới hoặc đề xuất viện trợ nước ngoài 2 tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ cho trung tâm. Trong số này, có 1 tàu được sử dụng nguồn phí bảo đảm hàng hải vượt thu để thực hiện một số dự án quan trọng, cấp bách của ngành hàng hải; Cho phép trung tâm thành lập các trạm tìm kiếm cứu nạn tại các đảo: Trường Sa, Bạch Long Vĩ, Phú Quốc; Ưu tiên bố trí kinh phí các thiết bị chuyên dụng dò tìm vật thể dưới nước; Cho phép trung tâm thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo TTATGT; Tiếp nhận cơ sở vật chất gói thầu số 4 và phần vốn dư thuộc gói thầu số 1 Dự án đầu tư xây dựng cảng Cái Lân (Quảng Ninh) để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển.

Đối với các kiến nghị này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu các Thứ trưởng phụ trách, các cục, vụ tham mưu của Bộ có ý kiến trao đổi cụ thể, thẳng thắn, nghiên cứu tính hợp lý để xem xét thực hiện. Về đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã có chủ trương cho phép thực hiện, Cục Hàng hải VN và các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. VNMRCC cũng phải sớm lập bản đồ các điểm đen thường xuyên có thời tiết xấu, sự cố tai nạn trên biển để thông báo cho ngư dân, các doanh nghiệp biết, sẵn sàng các phương án ứng phó tốt nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.