Đường sắt đô thị

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông đông nghẹt khách

18/02/2022, 06:57

Từ ngày 14/2, thời điểm học sinh, sinh viên ở Hà Nội đi học trở lại, tàu điện Cát Linh - Hà Đông luôn đông nghẹt khách.

Nhanh, thuận tiện lại không ùn tắc

Có mặt trên tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông sáng 16/2, ghi nhận của PV Báo Giao thông, vào các khung giờ cao điểm cả buổi sáng và chiều, không chỉ người đi làm mà còn có lượng lớn sinh viên, học sinh sử dụng tàu điện để đi học.

Khu vực điểm mở bến xe Yên Nghĩa kết nối với ga lên tàu điện giờ cao điểm từ 7h - 8h sáng nườm nượp các bạn trẻ trong độ tuổi học sinh, sinh viên bước xuống từ xe buýt vào ga.

Trên các khoang, nhiều hành khách phải đứng và sử dụng tay nắm.

img

Học sinh, sinh viên đi học trở lại, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông giờ cao điểm đông đúc, nhộn nhịp hơn

Em Hồ Thị Hải Yến (sinh viên Trường Đại học Hà Nội) chia sẻ: “Em vừa mới đi học trở lại được vài ngày. Nhà em ở cách Hà Nội gần 30km.

Trước đây, để đến trường, em chỉ đi 2 tuyến buýt nhưng do tắc đường nên đi lại rất vất vả, thường xuyên phải dậy từ 5h sáng. Đi học trở lại lần này, có tàu Cát Linh - Hà Đông, em chỉ phải đi tuyến buýt số 72 ra bến xe Yên Nghĩa rồi lên tàu điện là tới trường, không còn gặp cảnh ùn tắc nữa”, Yến nói.

Em Trần Thị Vân, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cho biết, nhà cách xa ga tàu điện.

Hàng ngày, Vân đi xe máy từ nhà ở Nguyễn Khuyến, quận Hà Đông ra ga Văn Quán gửi xe máy (mỗi tháng hết khoảng 60.000 đồng) rồi lên tàu đi vé tháng đến ga Láng. Xuống tàu, Vân đi thêm một tuyến buýt nữa để đến trường.

“Tại các khu vực nhà ga hiện các tuyến buýt kết nối còn chưa đa dạng, ví dụ như bạn em học tại Đại học Công nghiệp Hà Nội ở Nhổn (Bắc Từ Liêm) nhưng chỉ có mỗi tuyến buýt số 32 để chờ đi thay vì có thêm các tuyến khác. Nếu tới đây Hà Nội bổ sung thêm các tuyến buýt, việc đi lại của chúng em sẽ thuận tiện hơn”, Vân nói.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hầu hết học sinh, sinh viên đều tự giác chấp hành các quy định để bảo đảm an toàn khi đi tàu, tuy nhiên cũng có một số trường hợp học sinh độ tuổi THPT hiếu động, chơi đùa bằng cách nắm dây (tay nắm cho khách đứng) để đu người lên hoặc xoay người vòng quanh thanh chống trên tàu.

Một số nữ học sinh trong lúc đợi tàu tranh thủ đứng sát mép đường ray để tạo dáng chụp ảnh… Mỗi khi phát hiện có biểu hiện trên, nhân viên trực an toàn tại ga, trên tàu đều kịp thời nhắc nhở để bảo đảm an toàn.

Tổ chức lại giao thông, điều chỉnh các tuyến buýt

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, hiện học sinh, sinh viên ở Hà Nội đa phần sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Để thu hút được lượng lớn hành khách sử dụng tuyến tàu điện, ngoài việc đảm bảo thuận lợi, cần thu hút các hành khách xung quanh, thậm chí xa tuyến sử dụng trong thời điểm Hà Nội chưa kịp hoàn thiện thêm các tuyến tàu điện kết nối.

“Hà Nội cần mở thêm các tuyến buýt kết nối đảm bảo đa dạng, cho hành khách có sự lựa chọn. Ở các khu vực nhà ga bố trí thêm xe máy, xe đạp điện cho thuê giá rẻ hay các dịch vụ xe ôm công nghệ”, TS. Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho rằng, đây là thời điểm Hà Nội cần tổ chức lại giao thông khu vực nhà ga tàu điện một cách hợp lý, thuận tiện; giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các hoạt động trông giữ xe trái phép, thu quá giá; các vi phạm gây mất ATGT khu vực ga cho khách đi tàu.

Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, kể từ thời điểm tuyến đường sắt số 2A Cát Linh - Hà Đông vận hành khai thác sử dụng, Sở GTVT đã xây dựng phương án kết nối, trung chuyển hành khách bằng xe buýt với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Cụ thể, đã điều chỉnh 2/2 tuyến buýt nằm trong phương án tăng cường kết nối tại ga Cát Linh: Điều chỉnh điểm đầu cuối tuyến 90 (Kim Mã - Nội Bài) thành tuyến (Hào Nam - Nội Bài); Điều chỉnh lộ trình tuyến 25 (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 - Bến xe Giáp Bát. Điều chỉnh 3 tuyến buýt kết nối tuyến đường sắt đô thị 2A (các tuyến: Số 22A BX Gia Lâm - KĐT Trung Văn, số 38 Nam Thăng Long - Mai Động, số 49 Trần Khánh Dư - Nhổn). Tại các nhà ga đều được bố trí các cặp điểm dừng xe buýt tiếp cận theo 2 chiều tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận.

Để đảm bảo theo hướng thuận tiện, phù hợp khi sinh viên, học sinh đi học trở lại, ông Phương cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh kết nối tăng cường, bố trí mở mới 1 tuyến xe buýt điện Hào Nam - OceanPark.

Điều chỉnh hợp nhất 2 nhánh tuyến 21A (BX Giáp Bát - BX Yên Nghĩa) và nhánh tuyến 21B (KĐT Pháp Vân, Tứ Hiệp - BX Mỹ Đình) thành một tuyến buýt ngang số 21 (KĐT Pháp Vân, Tứ Hiệp - Trần Vỹ) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại 02 ga (Thượng Đình, Vành đai 3).

Đồng thời, điều chỉnh tăng tần suất đối với các tuyến buýt hiện đang kết nối với ga Cát Linh: Tuyến số 90 từ 20 - 25 phút/lượt lên 15 - 20 phút/lượt; tuyến số 99 từ 20 - 25 phút/lượt lên 15 - 20 phút/lượt; tuyến số 50 từ 16 - 17 - 20 phút/lượt lên 15 - 20 phút/lượt; tuyến số 25 từ 12 - 20 - 25 phút/lượt lên 10 - 15 - 20 phút/lượt.

“Theo phương án được thành phố phê duyệt, chúng tôi đã xây dựng lộ trình mở mới các tuyến buýt kết nối theo các giai đoạn và sẽ bám sát thực tiễn, nhu cầu đi lại của hành khách để điều chỉnh dịch vụ cụ thể, theo hướng thuận tiện nhất cho hành khách”, ông Phương nói.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, trong tuần đầu học sinh, sinh viên đi học trở, lượng hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tăng gấp 1,5 lần so với trước. Vào giờ cao điểm, lượng khách đi tàu bằng vé tháng tăng 50% so với trước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.