Đường sắt đô thị

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông hấp dẫn học sinh, sinh viên

18/02/2022, 14:52

Từ ngày 14/2, thời điểm học sinh, sinh viên ở Hà Nội đi học trở lại, tàu điện Cát Linh - Hà Đông luôn đông nghẹt khách vào giờ cao điểm.

img

Có mặt trên tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông những ngày gần đây, ghi nhận của PV Báo Giao thông, vào các khung giờ cao điểm cả buổi sáng và chiều, không chỉ người đi làm mà còn có lượng lớn sinh viên, học sinh sử dụng tàu điện để đi học. Tại điểm kết nối bến xe Yên Nghĩa với ga lên tàu điện, trong giờ cao điểm từ 7h - 8h sáng nườm nượp các bạn trẻ trong độ tuổi học sinh, sinh viên bước xuống từ xe buýt vào ga.

img

Trên các khoang, nhiều hành khách phải đứng và sử dụng tay nắm ngay từ ga đầu tuyến

img

Một số khoang toa ga kín chỗ ngồi với hầu hết khách là học sinh, sinh viên

img

Trong ảnh nữ sinh viên năm thứ nhất Học Viện Y - Dược học cổ truyền Mai Phương mua vé tháng để hàng ngày đi học bằng tàu Cát Linh - Hà Đông

img

Học sinh Trường THPT Quang Trung, Đống Đa mua vé qua máy bán vé tự động tại ga Văn Quán

img

Em Hồ Thị Hải Yến (sinh viên Trường Đại học Hà Nội) chia sẻ: “Em vừa mới đi học trở lại được vài ngày. Nhà em ở cách Hà Nội gần 30km.Trước đây, để đến trường, em chỉ đi 2 tuyến buýt nhưng do tắc đường nên đi lại rất vất vả, thường xuyên phải dậy từ 5h sáng. Đi học trở lại lần này, có tàu Cát Linh - Hà Đông, em chỉ phải đi tuyến buýt số 72 ra bến xe Yên Nghĩa rồi lên tàu điện là tới trường, không còn gặp cảnh ùn tắc nữa”, Yến nói.

img

Vào giờ tan học mỗi chuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông có khoảng 20 - 30 học sinh, sinh viên đi lại giữa các ga

img

Em Trần Thị Vân, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cho biết, nhà cách xa ga tàu điện.Hàng ngày, Vân đi xe máy từ nhà ở Nguyễn Khuyến, quận Hà Đông ra ga Văn Quán gửi xe máy (mỗi tháng hết khoảng 60.000 đồng) rồi lên tàu đi vé tháng đến ga Láng. Xuống tàu, Vân đi thêm một tuyến buýt nữa để đến trường. “Tại các khu vực nhà ga hiện các tuyến buýt kết nối còn chưa đa dạng, ví dụ như bạn em học tại Đại học Công nghiệp Hà Nội ở Nhổn (Bắc Từ Liêm) nhưng chỉ có mỗi tuyến buýt số 32 để chờ đi thay vì có thêm các tuyến khác. Nếu tới đây Hà Nội bổ sung thêm các tuyến buýt, việc đi lại của chúng em sẽ thuận tiện hơn”, Vân nói.

img

Một bạn trong nhóm sinh viên Đại học Mở Hà Nội tại cơ sở đường Nguyễn Trãi hàng ngày đi học bằng tàu Cát Linh - Hà Đông chia sẻ: "Hôm nay chúng em rủ nhau đi tàu để ăn trưa cùng nhau sau thời gian dài phải học online"

img

Nhóm sinh viên trong ảnh cho biết: Chúng em đang học năm đầu Đại học Kiến trúc và lần đầu đi thử tàu Cát Linh - Hà Đông cảm nhận khá thích thú và thuận tiện, không chỉ đi học còn có thể đi chơi, hẹn hò.

img

Ông Nguyễn Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, trong tuần đầu học sinh, sinh viên đi học trở, lượng hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tăng gấp 1,5 lần so với trước. Vào giờ cao điểm, lượng khách đi tàu bằng vé tháng tăng 50% so với trước.

img

TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, hiện học sinh, sinh viên ở Hà Nội đa phần sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.Để thu hút được lượng lớn hành khách sử dụng tuyến tàu điện, ngoài việc đảm bảo thuận lợi, cần thu hút các hành khách xung quanh, thậm chí xa tuyến sử dụng trong thời điểm Hà Nội chưa kịp hoàn thiện thêm các tuyến tàu điện kết nối.“Hà Nội cần mở thêm các tuyến buýt kết nối đảm bảo đa dạng, cho hành khách có sự lựa chọn. Ở các khu vực nhà ga bố trí thêm xe máy, xe đạp điện cho thuê giá rẻ hay các dịch vụ xe ôm công nghệ”, TS. Tuấn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.