Đường sắt đô thị

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông ngày càng hút khách

14/01/2022, 06:34

Sau hơn 2 tháng vận hành các tuyến buýt kết nối uyển chuyển với tàu điện Cát Linh - Hà Đông được hành khách đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.

Ngày 13/1, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khánh thành và đón hành khách thứ 1 triệu sau hơn 2 tháng vận hành.

Theo dự báo, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, chắc chắn lượng khách đi tàu sẽ còn tăng cao hơn nữa.

20% khách “ruột” đi vé tháng

Chia sẻ tại lễ khánh thành ngày hôm qua, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, đông đảo người dân Thủ đô đã đón nhận và ủng hộ phương thức vận tải hành khách công cộng tiên tiến, lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam.

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể; Đại sứ nước CHND Trung Hoa Hùng Ba và các đại biểu cắt băng khánh thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông Ảnh: Tạ Hải

“Mỗi ngày tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận chuyển bình quân gần 15 nghìn lượt hành khách. Do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, gần đây số khách tham quan giảm. Tuy nhiên, khách “ruột” là nhưng người đi làm, đi học bằng vé tháng giữ ổn định và đang có xu hướng tăng, từ 10% ban đầu lên hơn 20%. Dự kiến, con số này còn tăng cao khi học sinh, sinh viên đi học trở lại”, ông Quyền nói và cho biết, trong ngày khánh thành dự án cũng là thời điểm đơn vị vận hành tàu điện đón hành khách thứ 1 triệu.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, 6h30 sáng 13/1, chị Lê Thị Như (Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông) lên ga Văn Quán của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông để đến ga Cát Linh, sau đi tiếp xe buýt đến đường Võ Chí Công để đi làm.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại lễ khánh thành

“Từ khi có tuyến đường sắt đô thị này tôi không đi xe máy đi làm nữa mà chuyển sang đi tàu điện và xe buýt. Từ nhà ra ga tàu chỉ đi bộ mất 10 phút, lên ga vài phút là có tàu đón, rồi hơn chục phút nữa là đến ga Cát Linh, xong đi tiếp tuyến số 90 là đến chỗ làm việc. Đi tàu cả tháng chỉ hết 200 nghìn đống, xe buýt lại đón tận nơi nên rất tiện”, chị Như kể và cho hay, ở các ga tàu đều có bảng chỉ dẫn các tuyến buýt kết nối, trước khi đi chỉ cần tra trên mạng là biết. Ga nào cũng nối với vài tuyến buýt, nên không cần phải đi bộ xa hay mất tiền thuê xe ôm.

Trên chuyến tàu muộn hơn, hành khách Lê Thành Tâm (TP.HCM) cho biết, vừa có dịp ra Hà Nội nên tranh thủ đi tham quan, trải nghiệm tuyến metro đầu tiên của cả nước.

“Tôi từng trải nghiệm đi metro ở Singapore, Thái Lan nên cũng muốn đi xem tuyến tàu điện đầu tiên trong nước thế nào và cũng để ngắm cảnh Hà Nội. Tuyến Cát Linh - Hà Đông thiết kế khang trang, đoàn tàu và nhà ga vận hành không kém gì các nước trong khu vực”, ông Tâm nói.

Bố trí thêm các quầy bán hàng, dịch vụ

img

Hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông

Chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân cho biết, phương thức tổ chức vận tải, giá vé của tuyến metro Cát Linh - Hà Đông hiện nay là phù hợp, thuận lợi cho khách đi tàu. Còn nguyên nhân lượng khách đi tàu chưa đông như kỳ vọng, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thời gian tàu hoạt động từ sáng sớm đến đêm muộn, các ga đều có tuyến xe buýt kết nối, một số ga có điểm trông giữ xe hai bánh… nên hoàn toàn thuận lợi cho khách đi lại bằng metro.

Ngày 13/1, tại Hà Nội, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP Hà Nội, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức khánh thành Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong số 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm và vành đai kết nối đô thị trung tâm Hà Nội với các đô thị vệ tinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Chính phủ, Bộ GTVT lựa chọn thí điểm đầu tư sớm nhằm giải quyết tình trạng giao thông gia tăng nhanh chóng tại khu vực phía Tây của Hà Nội; đồng thời góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của toàn thành phố.


“Dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải khách công cộng giảm mạnh. Metro Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác, vận hành trong giai đoạn dịch phức tạp nên cũng không ngoại lệ. Song đến khi đời sống trở lại bình thường, với ưu điểm vượt trội của metro, nhiều người sẽ chọn đi lại bằng tuyến Cát Linh - Hà Đông. Vài năm tới, khi tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội hoàn thành đoạn ngầm để tạo tuyến nối với tuyến Cát Linh - Hà Đông, sẽ cho thấy rõ hiệu quả của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này”, ông Ân nói.

Cũng theo chuyên gia, các nhà ga tuyến metro có thể bố trí thêm các dịch vụ thương mại để thu hút khách như máy bán hàng tự động, quầy trưng bày sản phẩm, đồ ăn nhanh, quảng cáo… song có thể do dịch bệnh và bài toán kinh tế nên các đơn vị tham gia khai thác dịch vụ này cũng sẽ phải tính toán.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Hà Nội Metro cho biết, đơn vị đã lập phương án khai thác dịch vụ thương mại tại các nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, để triển khai cụ thể cần thêm một số bước chuẩn bị để đảm bảo về quy trình, thủ tục.

Để tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoạt động hiệu quả, xứng đáng là một trong những công trình tiêu biểu của Thủ đô, TP Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch, phương án khai thác vận hành rất cụ thể và chỉ đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị vận hành khai thác tuyến) phải đảm bảo an toàn, chính xác, giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Đồng thời, triển khai phương án kinh doanh dịch vụ nhằm tận dụng lợi thế thương mại và tăng tiện ích cho hành khách đi tàu.

Về bố trí xe buýt kết nối, ông Thái Hồ Phương, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, sau hơn 2 tháng vận hành các tuyến buýt kết nối uyển chuyển với tàu điện Cát Linh - Hà Đông được hành khách đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Tại các nhà ga đều được bố trí các cặp điểm dừng xe buýt tiếp cận theo 2 chiều tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận.

“Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh các tuyến xe buýt theo hướng kết nối, tăng cường. Đồng thời, mở thêm các tuyến buýt điện kết nối với tàu điện, cải tạo hệ thống nhà chờ trên trục đường tàu điện Cát Linh - Hà Đông đi qua”, ông Phương khẳng định.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện đối với các điểm trông giữ xe đã được bố trí theo hướng thuận tiện cho khách đi tàu, đơn vị được cấp phép công khai thu giá theo quy định.

Tại lễ khánh thành, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba bày tỏ vui mừng vì dự án được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 72 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Trung Quốc - Việt Nam.

“Tôi rất vinh dự được cùng Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khánh thành dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam. Quá trình triển khai dự án này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành hai nước, dự án đã vượt qua để khánh thành, đưa vào sử dụng, mang lại sự tích cực cho giao thông Hà Nội”, Đại sứ Hùng Ba nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.