Đường thủy

Tàu gặp nạn ở biển Cửa Đại: Nhiều người từng chết nơi tàu cao tốc chìm

27/02/2022, 16:36

Theo Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn, biển Cửa Đại (Hội An) có ít nhất 4 lần tàu thuyền gặp nạn, nhưng lần này tang thương quá.

Hai ngày nay, ông Sơn trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả vụ chìm tàu cao tốc ngày 26/2, bám từng diễn biến vụ việc.

Theo ông Sơn, Cửa Đại là khu vực quan trọng, đóng vị thế quan trọng cho hoạt động khai thác hải sản và du lịch.

img

Những người lớn tuổi ở Cửa Đại đã lập bàn thờ cúng vào chiều 27/2 với hy vọng sớm tìm ra hai nạn nhân còn mất tích

Chỉ riêng hoạt động chở người dân, du khách qua lại giữa tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm (xã đảo Tam Hiệp, Hội An), hiện có khoảng trên 100 tàu, ca nô đưa đón khách.

Những năm qua, Quảng Nam và Hội An triển khai nhiều biện pháp để tăng cường quản lý, siết hoạt động vận tải khách trên tuyến này. Qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo quy hoạch, kiểm soát số ghế, năng lực vận tải để không phát triển “quá nóng” và quá tải.

“Trước năm 2019, có những ngày cao điểm, có 7- 8.000 lượt khách ra Cù Lao Chàm. Nhưng nay, địa phương quy hoạch, khống chế số lượng xuống chỉ còn 3.000 lượt, để đảm bảo không phát triển quá nóng, gây các hệ luỵ khác”, ông Sơn nói.

Cửa Đại - Cù Lao Chàm từ lâu là một trong những điểm đến thu hút du lịch hàng đầu của Quảng Nam. Từ đây, phát sinh một số hệ luỵ. Trong đó, theo ông Sơn, vấn đề tàu chở khách gặp nạn cũng đã nhiều lần xảy ra.

Thống kê của vị chủ tịch thành phố này, đến nay ít nhất có khoảng 4 vụ tai nạn tàu. Trong đó, từng có vụ thiệt mạng về người. Nhưng vụ chìm tàu cao tốc xảy ra chiều 26/2 là nghiêm trọng và tang thương nhất.

Trước đó, ngày 25/12/2011 xảy ra vụ chìm tàu gỗ 60 CV của tiểu đoàn 70 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam chở 35 người từ Cù Lao Chàm vào đất liền. Vụ tai nạn khiến 2 thường dân và 4 chiến sỹ bị tử nạn do say sóng hoặc đang nằm dưới hầm tàu.

Đáng nói, vị trí tàu này gặp nạn cũng đúng khu vực mà tàu cao tốc QNa- 1152 bị chìm ngày 26/2.

img

Khu vực con tàu bị chìm có một cồn cát bị bồi lấp

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Sen (52 tuổi, trú Cửa Đại), Thuyền trưởng tàu cao tốc Phương Đông 05 số hiệu QNa-1152 cho hay, tàu gặp nạn do gặp đợt sóng ập đến từ cồn cát mới bồi khoảng 5 năm trở lại đây.

“Mọi thứ diễn ra quá nhanh, chỉ chừng 10 giây, khiến tàu lật úp, không thể cứu kịp hành khách", ông Sen nói.

Anh Hải (trú tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) cho biết, nhà mình ở bên kia cầu Cửa Đại nên cũng từng chứng kiến vụ lật tàu năm 2011 và nay là vụ tàu chìm ngày 26/2. Khu vực xảy ra tai nạn cũng tương tự như thế này. Là khi tàu từ Cù Lao Chàm vào gần đến bờ mới bị lật.

“Khu vực phía ngoài biển sóng êm hơn, càng vào bờ sóng càng lớn và có những luồng chảy phía dưới nên tàu thuyền dễ bị chao nghiêng. Kèm theo gió mạnh thì nguy cơ lật tàu rất lớn. Ngoài ra ở đây còn có những cồn cát nổi lên. Cồn cát mà tàu hôm qua gặp nạn là cồn cát lớn nhất ở khu vực này”, anh Hải nói.

Cũng theo nhìn nhận của anh Hải, khi tàu vào sát bờ gặp phải cồn cát này, tàu chạy lách qua khe nhỏ để vượt nhưng cồn cát quá lớn cộng với sóng mạnh đánh từ phía sau khiến mũi tàu va trúng dẫn đến bị hư hỏng, gặp phải gió lớn nên lật úp.

img

Ông Lê Sen, ngồi thẫn thờ giữa sân Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Đại, ánh mắt luôn hướng nhìn ra vùng biển Cửa Đại

Nhiều ngư dân địa phương cho rằng, họ hay ra Cù Lao Chàm để chơi nhưng đi bằng tàu đánh cá. Tàu này di chuyển chậm hơn tàu cao tốc nhưng độ đằm lớn hơn, ít chao nghiêng. Đồng thời khuyên khách du lịch chỉ đi ra đảo vào những ngày biển êm, trời quang mây tạnh.

“Không hiểu sao đoàn khách du lịch hôm qua lại đi ra Cù Lao Chàm khi thời tiết không thuận lợi. Gió lớn, sóng to, tầm quan sát cũng sẽ hạn chế. Theo tôi, người dân và du khách nên ra vào đảo Cù Lao Chàm từ khoảng tháng 3 đến tháng 8 và phải xem tình hình thời tiết thực tế ngày hôm đấy như thế nào”, anh Hải nói.

Một lái tàu du lịch tại đây cũng chia sẻ với PV, trước kia Hội An khai thác du lịch Cù Lao Chàm bằng loạt ca nô nhỏ tầm 15 chỗ ngồi, loại này mui trần, có mái che chứ không đóng kín như bây giờ. Loại đấy khi xảy ra tai nạn thì hành khách sẽ nhảy được và nổi lên mặt biển, công tác cứu hộ dễ dàng hơn, giảm thiệt hại về người. Còn loại ca nô như vụ tai nạn vừa rồi được đóng kín, chỉ có một lối ra phía trước, nếu bị lật út, những người mặc áo phao sẽ khó có thể thoát ra ngoài được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.