Giao thông

Tàu Hải Đăng 05 và hành trình “tiếp lửa” hải đăng Trường Sa

22/06/2018, 06:15

Nhờ sóng yên, biển lặng, chuyến hành trình 15 ngày đi 9 đảo và 4 nhà giàn DK được xem là ngắn nhất.

96

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thăm tàu Hải Đăng 05 trong chuyến công tác Trường Sa

Có nhiều chuyến tiếp tế, biển động mạnh, tàu Hải Đăng 05 và thủy thủ đoàn phải lênh đênh trên biển hơn 1 tháng mới đi hết các ngọn hải đăng trên khu vực quần đảo Trường Sa...

Vượt hiểm nguy làm nhiệm vụ thiêng liêng

Một ngày cuối tháng 4 đẹp trời, chúng tôi có mặt tại bến cảng Rạch Bà (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để theo tàu Hải Đăng 05 làm nhiệm vụ tiếp tế, thay “quân” tại 13 hải đăng trên quần đảo Trường Sa (gồm 9 đảo và 4 nhà giàn  DK). Chuyến đi lần này, ngoài thủy thủ đoàn, tàu chở theo đoàn công tác của Cục Hàng hải VN, Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam, công nhân ra thay ca và lượng lương thực thực phẩm đủ cho công nhân các đảo đèn dùng trong khoảng 2 tháng.  Đúng 8h sáng 23/4, tàu Hải Đăng 05 nhổ neo nhằm hướng Trường Sa.

Thuyền trưởng Trần Văn Nga (48 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho hay: “Hành trình tiếp tế của tàu Hải Đăng 05 đi hết các đảo đèn có quãng đường khoảng 1.300 hải lý, tương đương với hơn 2.400km (mỗi hải lý bằng 1.852m). Thường từ tháng 3 - tháng 6 hàng năm, thời tiết thuận lợi. Về cuối năm, gió mùa Tây Nam, gió Đông Bắc thổi mạnh, đồng thời xuất hiện nhiều cơn bão khiến việc tiếp tế gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm”.

Anh Nga nhớ lại hai chuyến hành trình cuối của năm 2017 là chuyến thứ 6 và thứ 7, tàu liên tiếp gặp nhiều cơn bão mạnh. Riêng chuyến thứ 7, tàu phải đối mặt với 3 cơn bão. “Thật khủng khiếp, hôm đó là ngày 23/12, tàu đến đảo Đá Tây thì gặp bão số 16 (Tembin) cấp 11, 12, giật cấp 15. Khoảng 15h, tàu đến đảo này, lúc đó, gió bắt đầu thổi mạnh. Chúng tôi vào trong âu tàu ở điểm A đảo Đá Tây tránh trú”, anh Nga kể.

Do đây là cơn bão cực mạnh nên tàu dùng 5 sợi dây neo để buộc vào phao neo, thả neo trái, buộc thêm 4 sợi dây lái. Sang ngày hôm sau, gió mỗi lúc càng mạnh. Lúc 8h, gió đã mạnh lên cấp 8, cấp 9 khiến tàu chòng chành, chồm lên, tụt xuống theo từng đợt sóng, rồi những con sóng chồm kín thân tàu. Tất cả các thủy thủ được lệnh bằng mọi giá phải bảo vệ tàu. Đến 17h, sóng xô dữ dội làm đứt 5 sợi neo mũi, tàu bị rê neo, sau đó đứt tiếp 4 sợi dây lái.

“Tình hình rất nguy cấp. Tôi quyết định chạy hết tốc lực để lấy lại mũi tàu và cho thả thêm neo phải. Tiếp đó, chạy tàu để dây neo cuốn vào xích phao neo, giữ hướng mũi tàu. Cuộc vật lộn kéo dài nhiều giờ, cuối cùng tàu Hải Đăng 05 cùng thủy thủ đoàn đã thoát nạn. Lúc đó khoảng 12h đêm”, anh Nga cho biết.

97

Tàu Hải Đăng 05 dừng trên hành trình tiếp tế các đảo đèn

Mong một chiếc tàu mới

Sau gần 50 giờ hành hải, 9h ngày 25/4, Hải Đăng 05 đến đảo Đá Tây (cách Vũng Tàu khoảng 300 hải lý). Tàu đậu cách đảo chừng 1 hải lý, các thủy thủ dùng xuồng máy kéo theo pông-tông chở đoàn công tác và nhu yếu phẩm vào nhà đèn trong sự hân hoan của những người canh đèn biển.

Trong chuyến công tác tại đảo Trường Sa Lớn (ngày 27/5), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã xuống thăm tàu Hải Đăng 05. Tại đây, Bộ trưởng chia sẻ với những khó khăn và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thủy thủ đoàn tàu Hải Đăng 05. Trước đó, ngày 26/5, trong buổi làm việc tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Bộ trưởng ủng hộ chủ trương đóng tàu mới và giao cho Vụ KH-ĐT phối hợp với Tổng công ty khẩn trương tham mưu nguồn vốn thực hiện.

Tàu Hải Đăng 05 có chiều dài 56m, rộng 9m, tải trọng 578 tấn nên chỉ chạy được sóng cấp 5, gió cấp 6. Tàu được đóng năm 2004, năm 2005 đưa vào sử dụng. Thời điểm đó, tàu chỉ tiếp tế cho 5 ngọn hải đăng, mỗi năm 4 chuyến. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, đã tăng lên 7 chuyến/năm. Tàu có tốc độ tối đa theo thiết kế là 8 hải lý/h nhưng hiện nay chỉ đạt dưới 7 hải lý/h, còn nếu gặp sóng to, gió lớn thì “bò” khoảng 3 - 4 hải lý/h.

Anh Trần Minh Thuận, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam đã trải qua nhiều chuyến hành trình đến các hải đăng ở quần đảo Trường Sa nên cảm nhận rõ những khó khăn trong công việc trung chuyển người, hàng hóa từ tàu đến trạm đèn. “Tàu đậu cách xa đảo mà chỉ có một chiếc xuồng nhỏ, mỗi lần chở được từ 5 - 7 người cùng máy móc khiến thời gian dừng chờ bị kéo dài. Từ đó, Đoàn Thanh niên Tổng công ty đã phát động “Công trình thanh niên”, quyên góp mua sắm, tân trang pông-tông (sức chở khoảng 15 người cùng hàng hóa, máy móc thiết bị) trang bị thêm cho Hải Đăng 05. Đây là chuyến chuyển tải thứ 2 của pông-tông”, anh Thuận cho hay.

Tàu Hải Đăng 05 theo thiết kế chỉ chở được 17 thủy thủ đoàn và khoảng 11 khách, tuy nhiên có nhiều chuyến, lượng người tăng cao hơn gấp rưỡi do yêu cầu nhiệm vụ. Tàu không có chảo ăng-ten nên tivi chỉ để “làm cảnh”. Nhiều chỗ trên thân tàu đã gỉ sét, nhiều tủ cấp đông hỏng hóc...

Dừng ở hải đăng Đá Tây khoảng 3 giờ, tàu lại nhổ neo hướng về Trường Sa Lớn và các điểm đảo. Con tàu nhỏ bé giữa biển lặng và xanh thẳm ngút tầm mắt. Vỗ nhẹ vào vai, ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo nói: “Gần 3 ngày lênh đênh, không được xem tivi, không có thông tin từ đất liền, nhớ nhà rồi phải không? Vậy mà những anh em gác đèn biển phải từ 6-8 tháng mới được về đất liền đấy!”.

Ông Cường trăn trở vì con tàu quá cũ, chạy quá chậm, trong khi đòi hỏi nhiệm vụ ngày càng cao. “Mong muốn của Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN cũng như Tổng công ty, nhất là những người công nhân đang ngày đêm canh giữ “lửa thiêng” nơi hải đảo xa xôi là mỗi tháng được tiếp tế một lần. Nhưng tàu này không thể đáp ứng được bởi nó quá nhỏ và chạy chậm, không thể đủ thời gian quay vòng ngay cả trong điều kiện thời tiết tốt. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất đầu tư một con tàu lớn hơn, cấp trên rất ủng hộ chủ trương nhưng chưa bố trí được nguồn kinh phí”, ông Cường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.