Điều tra

Tàu lạ vơ vét cát sông Đà, dân kêu cứu

11/10/2016, 06:37
image

Người dân bức xúc chỉ nơi rất nhiều sà lan khai thác cát trái phép trên sông Đà, Phú Thọ.

unnamed
Người dân bức xúc chỉ nơi rất nhiều sà lan khai thác cát trái phép trên sông Đà đoạn qua xã Lương Nha, Thanh Sơn, Phú Thọ. Ảnh: Hữu Tuấn

Gần 2 tháng nay, hàng chục tàu hút cát không biết từ đâu lũ lượt kéo nhau về khu vực lòng sông Đà đoạn chảy qua xã Lương Nha (Thanh Sơn, Phú Thọ) hoạt động ngày đêm khiến người dân vô cùng bức xúc.

Cày xới lòng sông

Theo quan sát của PV Báo Giao thông, sáng 6/10, có tới 6 tàu cuốc cỡ lớn không được đánh số, không hề có biển tên công ty đang đua nhau cày xới lòng sông Đà đoạn chảy qua xóm Lạc Song, xã Lương Nha. Xung quanh là cả chục chiếc sà lan dài hơn chục mét đang chờ “ăn no” cát thì xuôi dòng theo hướng về phía huyện Tam Nông. Chị Đồng Thị Huyền (người dân xóm Lạc Song) cho biết, những chiếc tàu cuốc xuất hiện tại đây gần 2 tháng nay, hoạt động 24/24h, tiếng ồn vang tận vào khu dân cư. “Có ngày chúng tôi đếm được 13 tàu cuốc cùng 86 chuyến sà lan thay phiên nhau ra vào khu vực lòng sông chảy qua địa bàn xã để khai thác, vận chuyển cát?”, chị Huyền nói.

Bà Trương Thị Thoàn (63 tuổi, trú tại khu 1 xóm Lạc Song) bức xúc cho biết, không chỉ phần đất canh tác của người dân dọc bờ sông đang bị sạt lở nghiêm trọng mà ngay cả bờ sông phía khu dân cư cũng bị ảnh hưởng. “Trước cột tiêu sau nhà tôi nằm trên đất liền, thế mà từ khi tàu cuốc về khai thác cát đến giờ, nó trôi tuột xuống lòng sông. Nhà tôi cách sông 20m, nếu họ cứ tiếp tục khai thác thế này không biết có còn nhà để ở hay không”, bà Thoàn than thở.

Cũng theo người dân tại đây, nhiều lần các tàu cuốc đã di chuyển vượt ra giới hạn cho phép khai thác, tiến gần về phía khu dân cư để hoạt động. “Ngày thì đem tàu ra giữa dòng nhưng cứ tối đến lại cho tàu tiến sát bờ để hút cát. Nhiều lần chúng tôi gửi đơn lên chính quyền kiến nghị nhưng tình hình vẫn không thay đổi”, chị Nguyễn Thị Mẩu, xóm Lạc Song kể.

Cát tặc núp bóng doanh nghiệp?

unnamed
Rất nhiều sà lan vây quanh các tàu cuốc khai thác cát

Trao đổi với PV, ông Đinh Công Hường, Chủ tịch UBND xã Lương Nha cho biết, mỏ cát lòng sông Đà thuộc xã Lương Nha được cấp phép cho Công ty CP Lưu Thịnh Châu khai thác, sản lượng cho phép mỗi năm là 45.000m3, trữ lượng khoáng sản là 1.571.530m3 cát, sỏi; thời hạn khai thác là 5 năm kể từ ngày 5/11/2014.

Cũng theo ông Hường, cách đây 2 tháng chỉ có những tàu hút cát thông thường khai thác trên khu vực mỏ cát thuộc địa bàn của xã. Sau khi những tàu cuốc kéo về hoạt động đêm ngày, thường xuyên vượt qua mốc giới cho phép, ngày 5/10, chính quyền xã đã phối hợp cùng Phòng TN&MT huyện Thanh Sơn tiến hành đo vị trí khai thác của các tàu này, phát hiện vượt khu vực cho phép khai thác 40m.

Trước đó, ngày 3/10, chính quyền xã đã tổ chức cuộc họp với đại diện Công ty Lưu Thịnh Châu. Tại đây, công ty này cho biết, đang trong quá trình chuyển giao công ty cho một công ty khác ở tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, cam kết sau khi chuyển giao sẽ làm phao chỉ giới khu vực được khai thác, cung cấp thông tin về số lượng người hoạt động trên các tàu, các tàu hoạt động phải có biển của công ty... “Khó khăn của xã là không có phương tiện để ra tận nơi kiểm tra, cũng không có thẩm quyền kiểm tra xem có hay không việc tàu lạ, “cát tặc” trà trộn trong số các tàu đang hoạt động ở khu vực mỏ cát của xã. Chính quyền xã chỉ có thể quan sát nếu phát hiện các tàu vượt giới hạn cho phép khai thác thì yêu cầu rời khỏi mà thôi”, ông Hường nói.

Ông Nguyễn Hữu Tám, Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Sơn cho biết, ngày 5/10 sau khi phát hiện các tàu khai thác cát ở địa phận xã Lương Nha vượt giới hạn cho phép, đơn vị đã nhanh chóng mời cảnh sát kinh tế xuống hiện trường. Tuy nhiên, khi cảnh sát đến nơi, các tàu này lại chạy về vị trí được cấp phép khai thác nên không thể làm gì được. “Ngay trong ngày 5/10, đơn vị đã mời đại diện công ty lên làm việc và lập biên bản yêu cầu công ty này cam kết không cho tàu hoạt động liên tục đêm ngày, vượt giới hạn khu vực cho phép. Tuy nhiên, đại diện công ty không ký biên bản với lý do không có mặt tại hiện trường và cho rằng, đó không phải là tàu của công ty”, ông Tám nói và cho biết, Phòng đã báo cáo sự việc lên Sở TN&MT tỉnh và đoàn công tác của Sở sẽ xuống kiểm tra, rà soát tổng thể để làm rõ những vi phạm của Công ty Lưu Thịnh Châu.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, theo nguyên tắc, cơ quan cấp phép khai thác mỏ có thẩm quyền kiểm tra, giám sát. Nếu xảy ra vi phạm khai thác ngoài phạm vi thì cần phải “tuýt còi” ngay, trường hợp không xử lý, các cơ quan chức năng liên quan, trong đó có lực lượng của ngành đường thủy sẽ phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm.

Nếu có các vi phạm như khai thác vào luồng chạy tàu hay phạm vi hành lang bảo vệ luồng, tập kết phương tiện choán luồng, không có phương án đảm bảo ATGT đường thủy..., Cục Đường thủy nội địa VN sẽ có ý kiến, chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật.

Khi PV đặt vấn đề: Các tàu hoạt động không có biển tên công ty, không đánh số tàu cũng như không xác định được khối lượng cát khai thác lên là bao nhiêu, được chở đi đâu. Liệu sản lượng khai thác được mỗi năm có dừng ở con số 45.000m3 như trong giấy phép? Liệu chỉ có tàu của công ty khai thác hay còn có “tàu lạ” mà người ta hay gọi là “cát tặc”?... Hầu hết câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ chính quyền xã và lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Thanh Sơn đều là “không thuộc thẩm quyền nên không biết được”(?!). 

Huy Lộc

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.