Xã hội

"Tàu thép 67": Đại Nguyên Dương từ chối bồi thường, tìm cách thương thảo

30/12/2017, 16:31

Công ty TNHH Đại Nguyên Dương muốn gặp ngư dân thương thảo sau văn bản từ chối bồi thường vừa qua...

Cong-ty-Dai-Nguyen-Duong-muon-thuong-thao

"Tàu thép 67" vẫn chưa đến hồi kết do vẫn còn tàu chưa sửa xong, doanh nghiệp chưa thống nhất bồi thường

Chậm sửa tàu, ngư dân bức xúc

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết, địa phương này có 6 "tàu thép 67" bị hư hỏng được Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã đưa lên bờ sữa chữa. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa bàn giao theo đúng lịch hẹn. Trong khi đó, địa phương đã 2 lần mời Công ty này vào giải quyết nhưng Công ty này không vào, không chịu hợp tác.

“Ngư dân không hề có ý gây khó khăn hay đòi hỏi quá đáng, tuy nhiên do tàu hư hỏng lâu quá, không ra khơi được nên ngư dân mới bức xúc. Tôi đề nghị Công ty phải xuống trực tiếp gặp từng người dân, nếu cần, lãnh đạo huyện sẽ đi cùng để thỏa thuận đền bù, cụ thể ngày nào sẽ chi trả”, ông Công nói.

Cong-ty-Dai-Nguyen-Duong-muon-thuong-tha2

Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương muốn thương thảo với các ngư dân.

Còn ông Trần Văn Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Cát (Bình Định) cũng cho rằng cho rằng nguyên nhân khiến ngư dân bức xúc trong thời gian dài, xuất phát từ việc khắc phục chậm trễ của doanh nghiệp đóng tàu. Địa phương có 7 tàu hỏng thì đến lúc này có đến 6 tàu chưa được sửa xong. Nếu 2 công ty khắc phục sớm thì có lẽ ngư dân không bức xúc đến vậy. Con tàu 19 tỷ đồng vừa mua về, bỗng dưng không hoạt động được rồi kéo dài thời gian khắc phục, nợ nần thì không ai chịu nổi cả.

Bộ Công an vào cuộc

Theo ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho hay, trong số 15 con tàu hư hỏng đến thời điểm này đã sửa chữa được 11 tàu. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên để xảy ra sự chậm trễ về tiến độ, không bàn giao kịp cho ngư dân như đã hứa. Tại cuộc họp, ông Hùng xin nhận khuyết điểm trước lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng các ban ngành và ngư dân tỉnh này.

Cong-ty-Dai-Nguyen-Duong-muon-thuong-thao-1

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết Bộ Công an đã có chuyên án về vụ "tàu thép 67".

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu cũng cho biết đã họp bàn và thống nhất chắc chắn phải có đền bù, hỗ trợ cho ngư dân trên nguyên tắc thiệt hại của ngư dân một cách hợp tình, hợp lý. Đồng thời lãnh đạo công ty này mong bà con ngư dân chia sẽ với họ vì sự cố đáng tiếc vừa xảy ra.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho rằng việc yêu cầu bồi thường, hỗ trợ cho 5 chủ tàu với số tiền hơn 9 tỷ đồng là quá lớn, hiện Công ty đang rất khó khăn, đề nghị được xem xét và xin được gặp trực tiếp các chủ tàu để thương thảo. 

Điều vị Giám đốc này nói ra hết sức bất ngờ, bởi mới đây, đầu tháng 12, chính ông Nguyên thừa nhận có thiếu sót trong quá trình thi công nhưng lại cho rằng, máy và vỏ tàu ổn định, đủ điều kiện khai thác nên không đồng thuận về yêu cầu hỗ trợ nằm bờ cho ngư dân. Vị Giám đốc này cho rằng việc sửa chữa kéo dài là do phía ngư dân đề nghị kiểm tra chất lượng tôn, mưa bão và điều kiện nơi sửa chữa xưởng đóng tàu Tam Quan chưa phù hợp, chứ công ty dư sức để sửa chữa nhanh chóng.

Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Bình Định, nên có cuộc họp riêng giữa Công ty TNHH Đại Nguyên Dương với các chủ tàu dưới sự chứng kiến của Sở NN&PTNT để thống nhất giải quyết, tránh trường hợp các bên lúc đầu đồng ý, sau thấy không thỏa đáng lại thay đổi ý kiến như từng xảy ra trước đây.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, đang dần tìm thấy tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và ngư dân. Qua đó kêu gọi các bên ngồi lại bên nhau để tìm một hướng giải quyết tốt nhất, có lợi cho cả hai. Ông Châu mong muốn các bên giải quyết vụ việc này càng sớm càng tốt, bởi nếu kéo dài thì cả bên ngư dân và bên doanh nghiệp đều phải chịu thêm nhiều tổn thất.

"Các công ty phải bồi thường thiệt hại cho ngư dân để chi trả nợ cho ngân hàng trong thời gian tàu không ra khơi khai thác được. Bộ Công an đã có chuyên án, doanh nghiệp thiện chí hợp tác sẽ tốt hơn”, ông Châu nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Bình Định, trong 19 tàu hư hỏng phải sửa chữa có 17 chủ tàu nợ quá hạn ngân hàng với số tiền hơn 17 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc hơn 8 tỷ đồng và lãi hơn 9 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tấn Ngọc, Phó giám đốc Vietcombank tại Bình Định cho hay, về cơ cấu nợ gốc, ngân hàng vẫn đang chờ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề giãn nợ và gia hạn nợ. Tuy nhiên, lãi thì ngư dân phải trả. Còn 19 chủ tàu đề nghị 2 công ty đóng tàu hỗ trợ với tổng số tiền hơn 36,9 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.