Vận tải

Tàu thuyền gặp họa vì... bè cá trên sông

16/04/2020, 08:30

Hoạt động nuôi cá bè tràn lan trên một số tuyến sông khiến luồng chạy tàu bị thu hẹp, gây khó khăn cho phương tiện thủy lưu thông.

img
Một vị trí nuôi cá bè gần cầu Bình trên sông Kinh Thầy, Hải Dương

Chủ tàu nặng gánh bồi thường

Dọc hai ven bờ sông Thái Bình đoạn qua TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương), ghi nhận của PV Báo Giao thông đang có rất nhiều lồng nuôi cá đặt san sát nhau. Có khu gồm nhiều lồng nối liền, chạy dài vài trăm mét, bên trên mỗi lồng nuôi cá đều có nhà nổi, đèn chiếu sáng. Chủ một lồng cá cho biết, chỉ cần có vốn, làm hồ sơ đăng ký và có sơ đồ mặt bằng, đồng thời có xác nhận vùng nước không vi phạm công trình thủy lợi, đường thủy là được nuôi cá lồng.

Các lồng cá đều làm bằng khung sắt, nằm sát bờ sông. Nhiều người cho rằng, việc này sẽ không gây khó và gây tai nạn thủy. Tuy nhiên, đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường thủy tại đây cho biết, năm nào cũng có phương tiện thủy dọc tuyến đâm vào lồng bè.

Gần đây nhất, chiều 24/3, tàu VP-1149 trọng tải hơn 700 tấn lưu thông hướng cảng Cống Câu - cầu Phú Lương, khi đến Km 67+150 thuộc địa phận khu 11, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) bị mất lái đâm vào khu lồng cá của hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Khanh. Hậu quả, 5 lồng bè bị chìm, khiến khoảng 10 tấn cá vược, trắm, chép... thoát ra ngoài, ước tính tổng thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Nguyên nhân tai nạn và việc giải quyết do công an cấp huyện thụ lý, song theo đơn vị quản lý tuyến, việc bồi thường thiệt hại do chủ phương tiện và người nuôi cá thỏa thuận. Thông thường mỗi khi xảy ra vụ việc như trên, chủ phương tiện phải bồi thường cho chủ lồng bè.

Tương tự, nhiều đoạn ven bờ sông Văn Úc, Lạch Tray, Luộc cũng dày đặc các lồng bè cá. Theo các thuyền viên thường xuyên đi qua các tuyến sông trên, nhiều chỗ lồng bè san sát, phương tiện thủy rất khó tránh nhau. “Nếu va vào lồng kiểu gì cũng bị bắt đền, có khi bị ăn vạ. Sợ nhất là ban đêm trên sông Luộc, đoạn qua âu An Thổ, lái không cẩn thận là “dính đòn” ngay”, thuyền viên Bùi Văn Tuyền, tàu NB-2461 than.

Mới đây, đồng loạt các đơn vị vận tải thủy như: Công ty TNHH Dương Giang, Công ty TNHH Đức Phúc, Công ty TNHH Thương mại và công nghiệp tàu thủy Hải Long... phản ánh với các cơ quan chức năng về việc phương tiện thủy đi lại rất khó khăn, tiềm ẩn tai nạn do lồng bè cá trên sông.

“Tháng 1/2020, tàu của Công ty Hải Dương Ninh Bình xảy ra tai nạn với lồng cá bè trên sông Văn Úc - Kênh Đồng, phải đền 800 triệu đồng; tháng 6/2019, tàu của Công ty Visai bị tai nạn trên khu vực xã Đại Đức, huyện Kim Thành, Hải Dương phải đền 500 triệu đồng. Tháng 10/2018, tàu của Công ty An Phát Đạt bị tai nạn trên khu vực sông qua địa bàn huyện Tứ Kỳ, Hải Dương và phải đền 1,3 tỷ đồng”, đại diện các đơn vị trên nêu dẫn chứng.

Vì sao khó xử lý?

Địa phương có trách nhiệm giải tỏa
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam mới đây có văn bản chỉ đạo Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các vị trí nuôi trồng thủy sản gây mất ATGT đường thủy trên các tuyến sông như Thái Bình, Văn Úc, Luộc… Trường hợp vị trí nuôi trồng thủy sản không được cấp phép, trái phép hoặc không đủ điều kiện hoạt động, đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo xử lý và tháo dỡ, di dời để đảm bảo ATGT trên tuyến.

Theo lãnh đạo Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc, hầu hết lồng bè cá đều nằm ngoài phạm vi hành lang bảo vệ luồng, không ảnh hưởng đến hoạt động phương tiện. Nguyên nhân các vụ tai nạn phương tiện thủy đâm vào lồng cá bè chủ yếu xuất phát từ người điều khiển phương tiện thủy.

Chi cục đã chỉ đạo lực lượng thanh tra đường thủy phối hợp chính quyền các xã, phường ven sông tổ chức thống kê, rà soát hoạt động nuôi cá bè trên sông để đề xuất quản lý chặt chẽ hoạt động này, góp phần bảo đảm trật tự ATGT.

Đại diện các đội thanh tra đường thủy cho biết, hiện việc nuôi cá lồng bè phổ biến trên các tuyến sông là tuyến vận tải thủy chính khu vực phía Bắc, trong đó có không ít lồng cá tự phát. Các lồng cá trên nguy hiểm nhất là không thả phao giới hạn công trình; lắp đặt đèn tín hiệu ban đêm không đúng tiêu chuẩn giao thông thủy, lắp đặt đèn chiếu sáng ban đêm (để phục vụ nuôi cá) khiến người điều khiển phương tiện thủy khó quan sát, định hướng ban đêm…

“Chúng tôi đang phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ gia đình nuôi cá lồng bè thực hiện nghiêm các thủ tục xin chấp thuận vùng nước, lắp đèn tín hiệu, báo hiệu đường thủy đúng quy định và xử phạt đối với trường hợp vi phạm”, vị đại diện các đội thanh tra đường thủy thông tin và cho rằng, đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý vi phạm do thiếu căn cứ để xử phạt. Thực tế đến nay, chưa có trường hợp lồng cá bè nào bị xử phạt theo pháp luật giao thông đường thủy.

“Để xử phạt vi phạm phải căn cứ vào giấy phép nuôi trồng thủy sản, song bất cập là quy định của Luật Thủy sản không đề cập trường hợp nuôi trồng thủy sản trên đường thủy nội địa mà chỉ nói đến nuôi trồng ở ven biển, trên biển. Thanh tra đường thủy chỉ được kiểm tra việc lồng bè có được cơ quan quản lý đường thủy chấp thuận vùng nước hoạt động hay không. Trường hợp không có giấy phép, không nằm trong phạm vi quản lý của đường thủy cũng không có căn cứ để xử phạt”, ông Trần Sỹ Nghĩa, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 4 cho biết.

Trong khi đó, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, chính quyền một số địa phương cũng khó khăn trong việc xác định vi phạm, xử lý lồng bè cá ảnh hưởng đến giao thông đường thủy.

“Trên một số tuyến luồng đường thủy thuộc địa bàn huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) có các hoạt động nuôi trồng thủy hải sản tiếp giáp với luồng, hành lang luồng chạy tàu. Lực lượng chức năng của huyện đã kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng tại khu vực không có phao giới hạn luồng không xác định được ranh giới, mức độ vi phạm nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn, gây bất cập cho công tác quản lý”, UBND huyện Vân Đồn, Quảng Ninh nêu bất cập trong một văn bản gửi Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.