Xã hội

Tàu xuất khẩu đá ùn ứ, Hải quan Quảng Ninh đề nghị tháo gỡ cho doanh nghiệp

08/01/2021, 09:02

Dù tàu hàng chở đá xuất khẩu ùn ứ tại các cảng gây thiệt hại lớn từng ngày, nhưng vẫn chưa rõ hướng xử lý, tháo gỡ cho doanh nghiệp.

img

Nhiều tàu biển quốc tế phải neo đậu dài ngày tại cảng vì công văn của Tổng cục Hải quan khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại lớn

Công văn đẩy doanh nghiệp vào thế "tiến thoái lưỡng nan"

Báo Giao thông vừa có các bài viết phản ánh thiệt hại của hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu đá do tàu hàng bị ùn ứ tại các cảng biển xuất phát từ công văn hỏa tốc số 8019 ban hành ngày 22/12/2020 của Tổng cục Hải quan. Tại công văn này, Tổng cục Hải quan quy định: "Mặt hàng xuất khẩu đá vôi, đá chứa canxi (trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng), đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 thì thuộc nhóm 25.21".

Do đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục hải quan tỉnh, thành phố rà soát các tờ khai xuất khẩu và hồ sơ xuất khẩu đối với mặt hàng khai báo là đá vôi, đá chứa canxi, đá xây dựng…, đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 nhưng chưa phân loại (thuộc nhóm 25:21 nêu tại điểm 1 công văn) để thực hiện phân loại và áp dụng mức thuế đúng quy định, thu đủ thuế và xử phạt theo quy định.

Công văn đường đột, cấp tốc này của Tổng cục Hải quan đã khiến hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu đá rơi vào thế bị động, bất ngờ dẫn tới việc tàu hàng ùn ứ tại cảng biển, gây thiệt hại rất lớn. Các hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với các đối tác nước ngoài cũng bị tạm dừng, hủy bỏ. Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp xuất khẩu đá qua cảng Quảng Ninh, ước tính mỗi ngày họ đang thiệt hại hơn 4 tỷ đồng vì tàu hàng bị ùn ứ, chưa kể thiệt hại do đối mặt với mức phạt hợp đồng vì giao hàng không đúng thời hạn.

"Từ năm 2012 tới nay, các doanh nghiệp vẫn kê khai mặt hàng của mình theo mã 251749, đúng như Thông tư 05 Bộ Xây dựng.hướng dẫn về việc "xuất khẩu xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi". Tới nay, Tổng cục Hải quan ban hành văn bản 8019, yêu cầu doanh nghiệp áp theo mã 252100 và phải có nguồn mỏ có giấy phép của Bộ Tài nguyên và môi trường. Nếu theo văn bản này thì cả nước chỉ có 3 mỏ sản xuất vôi công nghiệp (chứ không phải khai thác đá vôi), không thể cung cấp đá xuất khẩu. Như vậy, các doanh nghiệp "tiến thoái lưỡng nan", khai theo mã 251749 không được và mã 252100 cũng không xong", đại diện Công ty TNHH xuất nhập khẩu quốc tế Gimexco cho biết.

img

Sà lan chở đá neo đậu nhiều ngày tại cảng Cẩm Phả

Hải quan Quảng Ninh đề nghị gỡ khó cho doanh nghiệp

Trước tình trạng tàu hàng ùn ứ tại cảng Cẩm Phả gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp, ngày 5/1, Cục Hải quan Quảng Ninh có công văn số 45 gửi Tổng cục Hải quan. Công văn nêu rõ: Qua nghiên cứu, Cục Hải quan Quảng Ninh nhận thấy, hiện vẫn còn bất cập về quy định các chỉ tiêu, cơ sở để phân biệt đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và đá vôi dùng để sản xuất vôi công nghiệp, sản xuất xi măng.

Theo báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, hiện nay tại khu vực cảng Cẩm Phả có 14 tàu hàng nước ngoài đã nhập cảnh chờ xếp hàng lên tàu, trong đó có 2 tàu đã xếp hàng nhưng phải dừng lại. Ngoài ra, còn 6 tàu nước ngoài có kế hoạch nhập cảnh để nhập hàng, có 21 tờ khai của 10 doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai.

"Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai và đưa hàng đến cửa khẩu chờ xuất khẩu; Cục Hải quan Quảng Ninh đề nghị Tổng cục Hải quan trao đổi với các Bộ, ngành trước mắt cho phép các doanh nghiệp được xuất khẩu các lô hàng còn tồn đọng nêu trên. Cùng với đó, đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét hướng dẫn, có quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn để phân biệt đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và đá vôi dùng để sản xuất vôi công nghiệp, sản xuất xi măng. Từ đó, Tổng cục Hải quan có hướng dẫn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hồ sơ, chứng từ đúng quy định khi thực hiện xuất khẩu các mặt hàng nói trên", Cục Hải quan Quảng Ninh đề nghị.

Được biết, ngày 6/1 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã họp bàn hướng xử lý vấn đề này, nhưng chưa đưa ra giải pháp tháo gỡ vấn đề bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu đá. Tổng cục Hải quan sẽ gửi công văn tham khảo ý kiến của Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên môi trường về vấn đề này.

"Chúng tôi băn khoăn là tại sao trước khi ra công văn hỏa tốc 8019, Tổng cục Hải quan không hỏi ý kiến và thảo luận với hai Bộ này. Tới nay, khi tàu hàng ùn ứ tại cảng thì họ lại gửi công văn xin ý kiến của các Bộ. Doanh nghiệp chết từng ngày, thiệt hại kinh tế cho nhà nước cũng đang tính theo từng ngày. Vậy mà Tổng cục Hải quan không đưa ngay ra hướng xử lý tháo gỡ những thiệt hại do công văn 8019 của họ gây ra. Vậy những thiệt hại đơn và kép của doanh nghiệp và Nhà nước, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?", đại diện Công ty TNHH xuất nhập khẩu quốc tế Gimexco bức xúc.

Đại diện Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tân Á chia sẻ thêm, mặt hàng đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi vẫn khai theo mã 251749 hiện đang được bán cho đối tác ở nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh… Hiện tại, do nguồn hàng ở Việt Nam bị tắc, nên nhà máy của đối tác nước ngoài đang lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, chậm trễ nữa sẽ ngừng sản xuất. Nhiều đối tác nước ngoài cho biết họ đã chuẩn bị các thủ tục pháp lý khiếu nại chính phủ Việt Nam thông qua con đường ngoại giao và tham tán thương mại.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: Tại Quyết định 105/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để điều tra cơ bản địa chất trên các diện tích vùng nguyên liệu đã quy hoạch; Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng xây dựng và ban hành chính sách đảm bảo quyền lợi của các địa phương trong khai thác nguồn khoáng sản làm xi măng; xây dựng quy chế bảo hiểm rủi ro hoạt động khoáng sản.

Điều 12 Luật Hải quan quy định: Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu; kiến nghị chủ trương, biện pháp quản lý Nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

"Với các quy định rõ ràng như vậy, khi thấy phát sinh các vấn đề thuộc lĩnh vực mình quản lý thì Tổng cục Hải quan phải đề xuất lên Bộ Tài chính để Bộ Tài chính cùng các Bộ khác trình Thủ tướng Chính phủ và quyết định các chính sách để không ảnh hưởng đến doanh nghiệp", luật sư Bình nêu quan điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.