Thế giới giao thông

Taxi các nước lắp vách ngăn bảo vệ tài xế thế nào?

26/02/2019, 07:26

Tại TP New York (Mỹ), việc lắp đặt các tấm chắn bảo vệ tài xế taxi được áp dụng từ những năm 1960.

img
Màn hình video được tích hợp trên vách ngăn xe taxi tại New York

Từ lâu, tại một số nước phát triển trên thế giới, nhiều hãng xe taxi thường lắp đặt thêm các vách ngăn nhằm bảo vệ tài xế taxi khỏi những rủi ro bị tấn công, cướp của và giết người.

Lắp đặt phổ biến tại Mỹ và Anh

Tại TP New York (Mỹ), việc lắp đặt các tấm chắn bảo vệ tài xế taxi được áp dụng từ những năm 1960. Thời điểm này Sở Cảnh sát New York, đơn vị kiểm soát ngành vận tải taxi đã cho phép các chủ sở hữu xe taxi lắp đặt các vách ngăn để ngăn chặn các vụ cướp tiềm năng. Tới năm 1967, việc lắp đặt này là bắt buộc đối với các xe taxi chạy ban đêm và sau đó vào năm 1971, tất cả các xe taxi đều phải lắp đặt vách ngăn bảo vệ.

Kể từ khi được thành lập năm 1971, Ủy ban Taxi và Limousine TP New York (NYC TLC) chịu trách nhiệm quản lý việc cấp phép và điều chỉnh taxi truyền thống và ngành công nghiệp cho thuê xe, bao gồm cả các công ty thuê xe qua ứng dụng điện tử. Do đó, NYC TLC quản lý việc lắp đặt vách ngăn bảo vệ trong xe taxi.

Tuy nhiên, từ cuối những năm 1970 - 1994, quy định này được nới lỏng trước khi thành phố này phải chứng kiến một làn sóng tội phạm mà phần nhiều có liên quan trực tiếp tới vấn nạn sử dụng cocaine, cướp đi nhiều sinh mạng, trong đó có tài xế taxi.

Các công ty vận vải hoặc hãng taxi phải gửi thiết kế vách ngăn mới lên NYC TLC để phê duyệt trước khi lắp đặt trên các xe chở khách và thông báo trước với hãng bảo hiểm xe.

Ban đầu, việc quy định bắt buộc lắp đặt vách ngăn trong xe taxi gặp phải nhiều tranh cãi, nhưng NYC TLC tuyên bố vách ngăn đã phát huy hiệu quả. Đầu những năm 1990, có hơn 40 tài xế bị giết mỗi năm. Tuy nhiên, không có tài xế taxi nào bị giết trong các vụ cướp kể từ năm 1997. TP New York giờ đây được cho là thành phố an toàn nhất cho các tài xế taxi ở Mỹ.

Tại một thủ đô phát triển khác là London (Vương quốc Anh), các vách ngăn cũng được thấy phổ biến trong các taxi truyền thống.

Được quản lý bởi Cục Vận tải London, việc lắp đặt các vách ngăn bảo vệ tài xế được khuyến khích nhưng không bắt buộc. Trong khi đó, ở Australia, Trung Quốc hay Ấn Độ, nhà chức trách cũng coi việc lắp đặt các tấm chắn bảo vệ tài xế là một lựa chọn mở cho các tài xế lái taxi nói riêng và các hãng xe mà họ đang làm việc nói chung. Việc lắp đặt hay tháo bỏ các tấm chắn tự chế này không bị ràng buộc bởi bất cứ quy định nào.

Tấm chắn bảo vệ tài xế taxi cần điều chỉnh ở một số nơi

Tại Mỹ, mỗi tấm chắn trong taxi có thể chống được đạn súng lục cỡ nòng 38, bao gồm lá chắn nhựa dày ít nhất 0,95cm và bên dưới được củng cố bằng một tấm thép dày ít nhất 2,1cm. Hầu hết các tấm chắn nhựa được làm từ Lexan, một loại nhựa nhiệt dẻo nhẹ, chống vỡ.

Tại Anh, Cục Vận tải London quy định các vách ngăn trong taxi phải phù hợp với các đặc điểm kỹ thuật và đảm bảo các yêu cầu an toàn của tùy loại xe theo tiêu chuẩn của Anh và/hoặc Liên minh châu Âu. Ngoài ra, lớp nhựa trong phải không có vết trầy xước hay bám bẩn, gây cản trở tài xế hoặc tầm nhìn của hành khách. Các thiết bị lắp đặt trong xe cũng không được cản trở lối vào hoặc lối ra hoặc gây nguy hiểm cho hành khách.

Nếu trong quá trình kiểm tra cấp phép hàng năm (hoặc trong quá trình kiểm tra tuân thủ bất thường) của chiếc xe, các quy định nêu trên không được tuân thủ, chiếc xe có thể không được cấp phép hoặc giấy phép hiện tại bị đình chỉ.

Tuy nhiên, khi tình trạng bạo lực, trấn cướp trên taxi ở những thành phố lớn trên thế giới đã có xu hướng giảm, một số tài xế taxi nói rằng, vách ngăn làm cản trở việc trao đổi, nói chuyện với hành khách, nhất là trong những chuyến đi đường dài. Họ cảm thấy như bị nhốt trong lồng và giải pháp tốt nhất là loại bỏ hoàn toàn các vách ngăn.

Hồi tháng 4/2016, các quan chức của NYC TLC nói rằng, các tài xế taxi có thể sẽ được tháo bỏ các vách ngăn trong xe, để họ có thể tỏ ra thân thiện hơn với hành khách, một động thái giúp họ cạnh tranh tốt hơn với Uber. Việc tháo bỏ này sẽ phải được thay thế bằng các thiết bị định vị (GPS) và giám sát (camera an ninh) hành trình trong xe.

Dù vậy, ý kiến này vẫn chỉ nằm trong các cuộc thảo luận và vẫn chưa được đưa vào triển khai rộng rãi đối với taxi màu vàng điển hình của New York.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.