Xã hội

“Tây” ăn Tết ta

15/02/2015, 07:49

Những người nước ngoài ấn tượng với Tết cổ truyền Việt Nam và cho rằng đây là một nét văn hóa đặc biệt.

151
Tết cổ truyền Việt Nam là một nét văn hóa vô cùng đặc biệt và ấn tượng
(Chụp tại đường hoa Nguyễn Huệ, TP HCM)
152
 

Bà Jutta Frasch, Đại sứ CHLB Đức tại VN:

Ấn tượng với Tết Hà Nội

Đây là năm thứ ba tôi được đón Tết cổ truyền Việt Nam. Tôi thật sự ấn tượng với công tác chuẩn bị kỹ càng và chu đáo của người dân Việt Nam cho những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Không khí chộn rộn, hối hả sắm Tết hiện diện khắp nơi, tất thảy mọi người đều hối hả, bận rộn và vui vẻ hơn.

Tôi cảm nhận, mỗi khi Tết đến Xuân về, dường như các hoạt động trên cả nước của các bạn đều ngưng hẳn lại, mọi người tạm gác công việc và gánh nặng cuộc sống thường nhật sang một bên, để quây quần, đoàn tụ tận hưởng một Tết cổ truyền đầy ý nghĩa. Điều đặc biệt ấn tượng với tôi là một Hà Nội của những ngày Tết cổ truyền đẹp vô cùng, phố xá thanh bình, tĩnh lặng, khuôn mặt ai nấy rạng ngời, thư thả. Họ dành cho nhau những cái bắt tay thân tình, những lời chúc tốt đẹp cho năm mới, khác hẳn không khí tất bật, xô bồ ngày thường.

Ở Đức, năm mới cũng là một dịp đặc biệt để người Đức quây quần sum họp bên gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, trái ngược với Tết cổ truyền ở Việt Nam, chúng tôi không có nhiều phong tục và truyền thống như đất nước các bạn. Đặc biệt là việc giữ mọi người sát lại gần nhau trong những ngày này quả là mơ ước quá xa xỉ với người Đức. Chúng tôi thường chỉ chào đón năm mới với bạn bè. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ăn mừng Giáng sinh trong nhiều ngày và đa số người Đức coi trọng lễ Giáng sinh hơn Tết Dương lịch. Đó mới là ngày mà các gia đình ở Đức đoàn tụ, sum họp.

153
 

Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á:

Mong đừng có TNGT trong ngày Tết

Trong 25 năm gắn bó với Việt Nam, tôi có rất nhiều năm đón Tết cổ truyền của Việt Nam. Năm 1989, lần đầu tiên đón Tết tại Việt Nam, tôi thật sự “choáng” bởi tục đốt pháo vào đêm Giao thừa của người dân Việt Nam, bởi tiếng pháo cứ gợi lại ký ức của chiến tranh. Nhưng nhiều năm gần đây, Việt Nam không còn đốt pháo nữa, những ngày Tết trở nên thanh bình và ấm cúng hơn rất nhiều.

Cũng như nhiều người Việt, Tết với chúng tôi, những người ngoại quốc sống và làm việc tại Việt Nam cũng có đào, quất và cả bánh chưng nữa. Thật thú vị khi tận mắt thấy người bạn Việt Nam gói bánh chưng, rất cầu kỳ và ý nghĩa, nó đòi hỏi rất nhiều tình yêu gửi gắm vào đó. Thật thích thú được thưởng thức hương vị bánh chưng trong dịp Tết.

Tết đến, tôi cũng đi chùa trong đêm Giao thừa để được trải nghiệm cảm giác thật cảm động và gần gũi. Tại lúc đó, tôi cảm nhận được rằng bất kỳ tôn giáo nào mà bạn đang theo nó không còn quan trọng vì ở nơi chùa chiền đó có sự tôn nghiêm, có sự gắn kết giữa các gia đình. Nó thể hiện một điều mà tất cả mọi người cùng hướng đến đó là sự bình an cho năm mới.

Là người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực ATGT, tôi luôn có tâm trạng nặng nề mỗi khi nghe thông tin TNGT xảy ra nhiều trong những ngày Tết. Thật đáng buồn khi trong ngày đoàn viên lại có những gia đình lại chịu cảnh mất đi người thân vì TNGT. Tuy nhiên, với sự nỗ lực trong các giải pháp mạnh đảm bảo ATGT của Chính phủ Việt Nam, hy vọng rằng Tết cổ truyền năm nay sẽ thật an toàn với mọi người dân Việt.

154
 

Tiến sỹ Nandini Oomman, chuyên gia về y tế và phát triển toàn cầu:

Tết Việt thật tuyệt!

Tết ở Việt Nam là khoảng thời gian bận rộn nhưng thật tuyệt vời. Nó gợi nhớ cho tôi rất nhiều về lễ hội Diwali ở Ấn Độ quê hương tôi, cũng là lễ hội diễn ra trong khoảng thời gian năm mới của người Hindu. Chúng tôi thăm gia đình, bạn bè, ăn những món ăn ngon, xem pháo hoa và mặc quần áo mới.

Khi tôi lần đầu đặt chân đến Việt Nam, những người bạn tôi nói nên rời Việt Nam và đi nghỉ ở đâu đó trong những ngày này vì Hà Nội trở nên hỗn độn khi mọi người chuẩn bị Tết. Tuy nhiên, gia đình tôi quyết định ở lại và xem mọi người đón Tết thế nào và từ đó, chúng tôi thực sự muốn ăn Tết Việt.

Lần đón Tết ở Hà Nội đầu tiên, tôi đi chợ với một người bạn để mua bánh chưng, mứt, ô mai trên phố Hàng Đường; chuẩn bị xôi gấc, một đĩa thịt gà và giò chả. Trong đêm Giao thừa, chúng tôi xem bắn pháo hoa ở Hồ Tây, sau đó đến thăm ba ngôi chùa và đền với một người bạn Việt Nam. Chúng tôi về nhà lúc 3 giờ sáng.

Trong dịp Tết, các đồng nghiệp mời chúng tôi đến nhà họ, chúc Tết từng nhà và kết thúc bằng bữa tối tại nhà cuối cùng. Vợ chồng một đồng nghiệp đã đưa chúng tôi  đi chùa Hương trong dịp Tết. Chúng tôi rất thích ngôi chùa, hang động và thích ngồi trên thuyền đi đến hang động đó.

Lần thứ hai đón Tết Hà Nội, tôi đi khắp thành phố, chụp ảnh người Hà Nội chuẩn bị đón Tết ở chợ hoa và khu phố cổ. Hôm đó, bạn tôi và tôi đi bộ 8 tiếng, từ 10h sáng đến 6h chiều, chỉ để ngắm thành phố và mọi người chuẩn bị cho ngày lễ lớn nhất trong năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.