Thị trường

Tẩy chay Tân Hiệp Phát, ai hưởng lợi?

23/12/2015, 20:52

Làn sóng tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát đang trỗi dậy sau khi tòa xử vụ án “con ruồi trong chai nước”.

tan-hiep-phat
Dây chuyền sản xuất trong nhà máy Tân Hiệp Phát

Sau khi toà án tuyên phạt 7 năm tù đối với bị cáo Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền Giang), người bị cáo buộc đã đòi công ty Tân Hiệp Phát trả 500 triệu đồng cho chai nước ngọt có nghi có ruồi, một lần nữa làn sóng tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát lại trỗi dậy.

Trên khắp các diễn đàn, trang mạng xã hội là danh sách hơn 20 dòng sản phẩm trong đó có những nhãn hiệu khá phổ biến như nước tăng lực Number One, Trà xanh Không độ, Trà thảo mộc Dr Thanh, sữa đậu nành Soya Number One... cùng lời hô hào tẩy chay, nói không với doanh nghiệp nước ngọt này. Thậm chí, trên Facebook có cả những fanpage hàng chục nghìn lượt like có tên "Tấy chay Tân Hiệp Phát".

Trước đó, khi có thông tin anh Minh bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ sau khi nhận 500 triệu đồng từ đại diện của Tân Hiệp Phát tại quán giải khát tại Cái Bè (Tiền Giang), làn sóng tẩy chay các sản phẩm của Tân Hiệp Phát bắt đầu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá, cuộc khủng hoảng truyền thông lần này của Tân Hiệp Phát thậm chí nặng nề và khó chữa hơn trước vì hàng loạt nguyên nhân như tâm lý đám đông, đối thủ chơi xấu, xử lý khủng hoảng truyền thông yếu kém... Và không chỉ người dân đòi tẩy chay mà ngay cả đến chính quyền nhiều nơi cũng định hướng người dân không nên dùng nước của Tân Hiệp Phát.

0dbchutichtanhiepphatbizlivevnpasc_2lqpi9l3214nm
Ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Theo tính toán sơ bộ, sau vụ ông Võ Văn Minh, Tân Hiệp Phát đã chịu thiệt hại nặng nề lên tới trên 2.000 tỉ đồng. Và với tình hình căng thẳng như hiện nay thì nếu Tân Hiệp Phát phá sản cũng là điều dễ hiểu.

Ai hưởng lợi?

Câu hỏi đặt ra là ai sẽ hưởng lợi trước sự quay lưng này? Và nếu Tân Hiệp Phát "chết" thì người tiêu dùng được gì?

Theo một số liệu thống kê về thị phần nước giải khát năm 2012 cho thấy Tân Hiệp Phát đứng ở vị trí thứ hai với 22,65% thị phần, chỉ sau Công ty SPVB (trước đây là Pepsico và IBC), trong khi đó thị phần và cả doanh thu cao hơn nhiều so với Coca Cola, Tribeco, URC...

thi-phan-nuoc-giai-khat_nduf
 Thị phần ngành nước giải khát 10 doanh nghiệp đứng đầu năm 2012, Tân Hiệp Phát từng chiếm 22,65% thị phần

Một số liệu thống kê mới khác được dẫn lại trên trang Trí thức trẻ cho thấy, nếu tính riêng thị trường đồ uống không cồn, có thể nói chỉ còn là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa C2 của URC và trà xanh Không độ của Tân Hiệp Phát, khi hai công ty này nắm giữ tới 92% thị phần.

Trong dòng sản phẩm nước tăng lực, sản phẩm Number One của Tân Hiệp Phát được tung ra từ năm 2001, sau một thời gian ngắn Number One đã thu về hơn 30% thị phần, cho đến khi Coca Cola và Pepsi lần lượt ra mắt hai sản phẩm là Samurai và Sting, cuộc cạnh tranh mới trở nên căng thẳng hơn.

Khảo sát của Nielsen cho biết, đến giữa năm 2011, Sting chiếm 52%, Number 1 chiếm 23%, các thương hiệu khác chia nhau 25% thị trường còn lại.

Nhìn vào thị trường nước giải khát hiện nay, nếu Tân Hiệp Phát lao đao vì sự cố này, phía được lợi nhất chắc chắn không phải là người Việt, bởi các sẩn phẩm thay thế chủ yếu là của các hãng đồ uống nước ngoài như Coca Cola hay Pepsi Co.

Có nên dửng dưng trước cái chết của một thương hiệu Việt?

Tân Hiệp Phát có hơn 5.000 cán bộ công nhân viên. Nếu người Việt chúng ta ùa vào tẩy chay để “dìm chết” Tân Hiệp Phát thì đồng nghĩa với việc đang cố đánh sập một doanh nghiệp lớn của nước nhà. Theo đó, hàng nghìn tỉ đồng tiền thuế mỗi năm sẽ bị mất, 5.000 cán bộ công nhân viên và rất nhiều người thân của họ cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Đấy là chưa kể một doanh nghiệp vẫn đóng thuế đầy đủ trong khi những đối thủ cạnh tranh bị cáo buộc chuyển giá, báo lỗ để trốn thuế liên miên.

Còn nhớ cuối năm 2014, Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định truy thu 27 tỷ đồng tiền thuế của Công ty SPVB (trước đây là Pepsico và IBC) cho giai đoạn 2012-2013 vì đã có hành vi vi phạm trong việc kê khai thuế, nộp thuế và nội dung ưu đãi miễn giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, Pepsico thua lỗ kéo dài từ năm 1991. Năm 2008, Pepsico lại lỗ 58 triệu đồng, sang năm 2009 lãi 141 tỷ đồng. Con số này của năm 2010 là 137 tỷ đồng, năm 2011 là 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vẫn được điều chuyển lỗ, nên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty này đã nộp từ năm 2009 cho đến 2013 chỉ là 40,2 tỷ đồng.

Coca Cola thậm chí còn báo số lỗ “khủng” hơn. Theo số liệu của Cục Thuế Tp HCM, tính đến ngày 30/9/2011, Coca-Cola đã lỗ lũy kế 3.768 tỷ đồng. Đến thời điểm cuối tháng 9/2011, Coca-Cola thậm chí đã “âm” vốn chủ sở hữu đến hơn 800 tỷ đồng.

Đến tận tháng 10/1015, sau nhiều năm liền công bố thua lỗ, Coca-Cola Việt Nam cũng mới bắt đầu đóng thuế Thu nhập doanh nghiệp sau 20 năm lỗ liên tiếp.

Rõ ràng, doanh nghiệp làm sai thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, nhưng có một sự thực là trong ngành nước giải khát, không có nhiều thương hiệu quốc gia có tầm vóc đủ lớn như Tân Hiệp Phát để cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp ngoại.

Mới đây, Tân Hiệp Phát đã chính thức có lời xin lỗi gửi đến đông đảo người tiêu dùng, các đối tác, đại lý, nhà phân phối, nhất là gia đình ông Võ Văn Minh về những phiền toái và ảnh hưởng từ sự việc vụ án “con ruồi trong chai nước”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.