Xã hội

Tây Nguyên khát, báo động nguy cơ mất mùa kỷ lục

18/03/2015, 18:30

Chưa bao giờ hạn hán Tây Nguyên lại đến sớm vậy, báo động tình trạng mất mùa cà phê, lúa và hoa màu...

51

Gia đình ông Phúc (ở Cư Mgar) thuê nhân công đào giếng tìm nướcvới giá 2 triệu đồng/m

Nhà nào cũng cử người đi tìm nước

Có mặt tại khu vực hồ Ea Drơng, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk), PV Báo Giao thông nhận thấy, hồ đang ở mực nước chết. Tại đây, hàng chục chiếc máy bơm đang hoạt động ngày đêm để tận dụng những vũng nước cuối cùng, tưới cho diện tích cây trồng đang “khát nước”.

Ông Nguyễn Hồng Phúc (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar) chia sẻ: “Tôi chưa thấy năm nào hạn sớm như năm nay. Mọi năm, tầm đợt này lượng nước còn dồi dào lắm. Nhưng năm nay, tôi vừa tưới xong đợt 2 là thiếu nước, cứ hút được một tiếng thì phải nghỉ mất hai tiếng để nước rỉ ra lại. Tôi phải thuê nhân công đào giếng sâu thêm để “kiếm” nước tưới”.

"Người dân cần trồng xen canh các cây trồng như sầu riêng, bơ,… vào vườn cà phê để giữ nước, che bóng mát. Sử dụng các giống cà phê chín muộn, có khả năng chịu hạn tốt như: TR14, TR15, TR16. Ngoài ra, cần xem xét xây dựng các công trình thủy lợi chuyên tưới cho cây cà phê và các cây trồng chủ đạo có giá trị kinh tế cao”.

TS. Lê Ngọc Báu
Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên

Tại xã Yang Réh (huyện Krông Bông), các giếng nước sinh hoạt đã cạn khô. Trong cái nắng khô khốc, những đàn gia súc trở nên xác xơ, mệt mỏi. Ông Nguyễn Đình Thu (45 tuổi, buôn Jang Réh, xã Yang Resh, huyện Krông Bông) cho hay, giờ nhà nào cũng cắt cử một người chỉ chuyên đi tìm nguồn nước. Người dân phải dùng xe cày, xe trâu, xe bò chở thùng phuy và can đi xin nước.

“Hàng ngày, tôi phải đi vài cây số để mua nước. Giá một can nước là 10 nghìn đồng, mỗi ngày, tiết kiệm nhất nhà tôi cũng dùng hết 6 can. Nước sau khi rửa mặt cũng dồn lại để dành tưới cây. Nước rửa rau, vo gạo đem cho gia súc uống. Không có nước cực khổ lắm”, ông Thu than.

Chỉ tay vào vườn cà phê bắt đầu xuất hiện hiện tượng sâu đục cành, ông Trần Văn Bảy (38 tuổi, thôn 3, xã Cư Kty, huyện Krông Bông) cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, vườn cà phê này thu được 8 tấn/ha, trừ chi phí giống, thuốc trừ sâu, công làm cỏ và thu hoạch, chủ vườn thu lãi 2,4 triệu đồng/ha. Nhưng từ khi khô hạn, gần 1 tháng qua, chủ vườn tiêu tốn khoảng 1,5 triệu đồng tiền dầu mỗi ngày để bơm nước tưới cho cây, trong khi cây cho sản lượng thấp, ước tính chỉ còn 3 tấn. “Tính ra, hạn hán khiến tôi lỗ gần 200 ngàn đồng/ha, chưa tính tiền dầu bơm nước. Hiện chúng tôi đã phải di chuyển các máy bơm ra xa để “vét” những giọt nước còn lại tưới cho cây trồng, nhưng cứ khô hạn mãi, thì có dịch chuyển máy bơm cũng không còn nước”, ông Bảy nói.

Mất mùa rình rập

Đưa tay chỉ vào những cánh đồng khô nứt nẻ, ông Trần Văn Tuấn (60 tuổi, ở thôn 6, xã Khuê Ngọc, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) ngao ngán: “Đây là năm đầu tiên bà con phải chống chọi với thời tiết nắng hạn như thế này. Gần một tháng nay, thủy lợi khô cạn không cấp được nước khiến người dân phải kéo những giọt nước cuối cùng từ suối lên để cứu lúa. Lúa đang giai đoạn đẻ nhánh nhưng không còn nước tưới, nửa cánh đồng đã bắt đầu héo rũ, vàng úa, nhiều chỗ đã khô như rơm. Năm nay, bà con lại mất mùa, thiếu đói mất thôi”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Krông Bông (Đắk Lắk), đến nay đã có 357,5 ha lúa nước đang bị khô hạn nghiêm trọng. Như tại xã Khuê Ngọc Điền, cánh đồng gần 50 ha đã khô ráp, nứt nẻ toàn bộ, lúa ngả màu vàng và bắt đầu khô cháy. Người dân tất bật ngày đêm nổ máy “vét” nước cứu những diện tích còn sót lại.

Ông Ngô Xuân Biện, Phó phòng NN&PTNT huyện Cư Mgar cho biết, huyện có 51 hồ chứa nước, nhưng hơn 2/3 số đó nằm ở mực “nước chết”. Hiện có hơn 100 ha lúa bị ảnh hưởng. Nếu hạn kéo dài nửa tháng nữa thì sẽ có 4 nghìn ha cà phê thiếu nước. 

“Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, hạn hán đến sớm, chính quyền đã vận động toàn dân tận dụng nước ở tất cả các nguồn để tưới cho cây trồng; hướng dẫn bà con nạo vét hệ thống kênh mương, cửa vào các cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao giếng, khơi thông dòng chảy, lắp đặt trạm bơm dã chiến, sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm. Đồng thời, vận động bà con cơ cấu mùa vụ thích hợp, lựa chọn những cây trồng chịu được nắng hạn, cho năng suất cao”, ông Biện nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.