Hồ sơ tài liệu

Tây Ukraine hỗn loạn, NATO bất lực "dâng" Baltic cho Nga

19/07/2015, 18:30

Miền tây Ukraine đang hỗn loạn,NATO bất lực nhìn lỗ hổng pháp lý "dâng" Baltic cho Nga...là những tin tức Thế giới hôm nay.

ukrainerightsector-jpg-1718483346-1437285834826-0-
 

Tây Ukraine hỗn loạn, Cực hữu gọi chính phủ Kiev là "lũ phản bội"

Tình hình tại miền Tây Ukraine ngày càng diễn biến phức tạp khi lực lượng Cực hữu kiên quyết không phục tùng mệnh lệnh của chính phủ, RT đưa tin.

Hôm 18/7 vừa qua, trên mạng xã hội Facebook, lãnh đạo lực lượng Cực hữu (Right Sector) Dmitry Yarosh đã khẳng định "không ai có thể tước đi quyền được bảo vệ Đất mẹ Ukraine của [Cực hữu]", đồng thời gọi chính phủ Kiev là "lũ phản bội". Yarosh kêu gọi Vệ binh Quốc gia Ukraine, Quân đội chính phủ Ukraine, cũng như các lực lượng an ninh khác dừng không nghe theo mệnh lệnh của chính phủ.

"Hãy chặn những kẻ phản bội quyền cao chức trọng lại, tất cả những gì chúng muốn là làm bất ổn tình hình và không công nhận các phong trào tự nguyện. Trong khi chúng ta đang đổ máu để bảo vệ Đất mẹ, những kẻ có quyền chỉ biết trục lợi cho mình và làm mọi thứ để cuộc chiến này tiếp tục kéo dài" - Yarosh phát biểu.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh tình hình miền Tây Ukraine, đặc biệt là tại thành phố Mukacheve, nằm sát biên giới Hungary và Slovakia, nơi quân đội chính phủ Kiev và một bộ phận có vũ trang của Cực hữu đang giao tranh.

Putin ra lệnh lập lực lượng quân dự bị mới

Tổng thống Nga Putin yêu cầu lập lực lượng vũ trang dự bị mới, một phần trong các bước đi nhằm nâng cao huấn luyện và sự sẵn sàng chiến đấu.

Nghị định mới nhất về lực lượng này được công bố hôm qua, điều mà ông Putin đã đưa ra từ năm 2012, ngay sau khi tái đắc cử tổng thống, theo Reuters.

So với lực lượng dự bị hiện tại, điểm khác của lực lượng mới là "các quân nhân bán thời gian" sẽ được trả lương trọn vẹn cả tháng và được huấn luyện thường xuyên. Các quan chức quốc phòng Nga trước đây từng cho biết lực lượng dự bị mới ban đầu có khoảng 5.000 người, một con số nhỏ so với quân ở tiền phương là 750.000 người.

Theo truyền thông Nga, việc lập lực lượng mới bị trì hoãn do thiếu ngân sách. Nghị định mới của ông Putin yêu cầu chính phủ cấp tài chính cho họ. Nga đã có vài triệu quân dự bị bao gồm các cựu quân nhân nhưng họ không được thường xuyên đào tạo.

NATO bất lực đứng nhìn lỗ hổng pháp lý "dâng" Baltic cho Nga

Tạp chí Newsweek (Mỹ) cho hay, Moscow có thể sẽ tìm cách khai thác các lỗ hổng pháp lý từ thời Liên Xô cũ để đưa các nước Baltic về với Nga mà "không tốn giọt mồ hôi".

Newsweek cho biết, tuần trước, ông Yevgeny Fedorov, một thành viên đảng cầm quyền thuộc Duma Quốc gia Nga, đã đề nghị văn phòng Tổng Công tố Nga xem xét lại việc Hội đồng Nhà nước Liên Xô cũ công nhận quyền tự trị của các nước Baltic vào năm 1991.

20150719_UKRAINE_CILVILWAR
 

Mới đây, ông Fedorov cùng một cộng sự khác cho biết họ muốn bãi bỏ sự hợp pháp của Hội đồng Nhà nước Liên Xô cũ, đồng thời gọi đó là một "hành vi phản quốc", điều có thể sẽ khiến cựu Tổng thống Mikhail Gorbachev phải ra hầu tòa.

Về mặt pháp lý, văn phòng Tổng Công tố Nga không có quyền tài phán đối với bất kì hành động nào của Liên Xô trong quá khứ. Ngoài ra, các nước Baltic đã được người sáng lập Xô Viết Vladimir Lenin cũng như cộng đồng quốc tế công nhận từ những năm 1920, và một lần nữa vào những năm 1990 khi Duma Quốc gia Nga phê chuẩn hiệp ước biên giới với Latvia và Lithuania.

Nếu viễn cảnh này xảy ra, sự tồn tại của NATO sẽ gặp phải trở ngại nghiêm trọng. Theo phân tích của Newsweek, khai thác những lỗ hổng pháp lý như vậy là một phần chiến lược chia rẽ NATO cũng như gây mất đoàn kết trong khối châu Âu của điện Kremlin.

Nga quan ngại tình hình giao tranh leo thang ở Đông Ukraine

Theo AFP, Điện Kremli thông báo ngày 18/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tiến hành các cuộc điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Ukraine, Mỹ và Đức trong bối cảnh tình hình giao tranh đang leo thang ở miền Đông Ukraine.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, ông Lavrov đã kêu gọi quân đội Ukraine "bắt đầu phi quân sự hóa" điểm nóng xung đột tại làng Shyrokine.

Theo Ngoại trưởng Nga, lực lượng ly khai đã rút khỏi khu vực chiến lược cách cảng Mariupol 10km. Mariupol là thị trấn lớn cuối cùng trong khu vực vẫn nằm trong quyền kiểm soát của chính quyền Kiev.

Ông Lavrov cũng kêu gọi người đồng cấp Ukraine "giải quyết những khúc mắc liên quan đến dự án cải cách hiến pháp," vốn nhằm mục đích trao thêm quyền tự trị cho các khu vực ly khai.

Ngoài ra, ông Lavrov nhấn mạnh đến sự bất bình của Moskva khi Kiev không bao hàm các đại diện của lực lượng nổi dậy vào quá trình thảo luận về cải cách hiến pháp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.