Quân sự

Tên lửa diệt hạm mới của Nga và TQ đã khiến Mỹ muốn loại bỏ 2 tàu sân bay?

01/05/2020, 16:11

Lầu Năm Góc đã nhiều lần tuyên bố rằng đã đến lúc phải dựa vào nhiều loại vũ khí hải quân khác nhau.

img
Một hàng không mẫu hạm của Mỹ - ảnh tư liệu.

Là một phần của việc tối ưu hóa hải quân, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang đề nghị giảm số lượng hàng không mẫu hạm và loại bỏ cùng lúc hai chiếc tàu sân bay.

Lầu Năm Góc đã nhiều lần tuyên bố rằng đã đến lúc quân đội nước này phải dựa vào nhiều loại vũ khí hải quân khác nhau.

Về các kế hoạch chiến lược của các đô đốc Hải quân Mỹ, hãng RIA Novosti đã có một bài báo đề cập.

Giảm tàu sân bay

Theo cổng thông tin Defense News của quân đội Mỹ, quyết định đưa hai sân bay nổi vào “nghiền phế liệu" sẽ thay đổi chiến thuật sử dụng Hải quân Mỹ trên toàn thế giới.

Nếu hiện tại, các tàu sân bay, được ví như những căn cứ không quân trên biển của quân đội Hoa Kỳ có thể liên tục có mặt ở những khu vực trọng yếu ở các đại dương, thì trong tương lai, các nhóm tấn công tàu sân bay sẽ chỉ còn đóng vai “lữ đoàn hỏa lực tăng cường” và sẽ chỉ di chuyển khi nhận lệnh.

Mô hình triển khai chiến đấu hiện tại của Hải quân Mỹ được thiết kế cho khoảng 15 tàu sân bay, ông Jerry Hendricks, một sĩ quan hải quân đã nghỉ hưu và là nhà phân tích của Tập đoàn Telemus, nói với các phóng viên.

img
Tàu sân bay Mỹ sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng cách triển khai sẽ phải khác.

Với chín hàng không mẫu hạm như hiện nay của Mỹ, Lầu Năm Góc có thể sử dụng sáu hoặc bảy chiếc cùng lúc, vì những chiếc còn lại sẽ trải qua quá trình sửa chữa và bảo trì theo lịch trình tại căn cứ.

Điều này có nghĩa là sự hiện diện liên tục của các hàng không mẫu hạm như hiện nay ở Trung Đông và Thái Bình Dương có thể sẽ không còn nữa. Hải quân Hoa Kỳ sẽ chuyển sang triển khai định kỳ cho các nhiệm vụ cụ thể hoặc trong các trường hợp khẩn cấp.

Theo chuyên gia này, các chỉ huy của Mỹ ở những khu vực khác nhau trên toàn hành tinh sẽ có thể nhận được sự hỗ trợ từ các nhóm tấn công tàu sân bay nếu cần thiết hoặc khi họ yêu cầu Bộ Quốc phòng phải bố trí triển khai để ngăn chặn một nguy cơ nào đó.

Trước đó, tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper tuyên bố rằng ông quan tâm đến một lực lượng hải quân tinh gọn, hiện đại hơn.

Trong những tháng tới, cấu trúc mới của hải quân sẽ được thể hiện thông qua các cuộc tập trận và cuối cùng sẽ được phê duyệt vào mùa Hè này.

img
Trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ - ảnh tư liệu.

Tuy nhiên, việc giảm số lượng hàng không mẫu hạm không có nghĩa là hạ thấp vai trò của chúng.

“Các cuộc thảo luận về tàu sân bay thường tập trung vào câu hỏi lớn là có nên duy trình 11 hàng không mẫu hạm như hiện nay nữa hay không. Nhưng, tôi nghĩ, những con tàu này rất quan trọng theo cách riêng của chúng” - ông Mark Esper nói.

Theo ông Mark Esper, các tàu sân bay vẫn chứng tỏ sức mạnh, uy tín của Mỹ, thu hút sự chú ý của mọi người. Đây là một phương tiện răn đe quan trọng, đem lại cho nước Mỹ những cơ hội tuyệt vời. Tuy nhiên, cách sử dụng chúng cần phải thay đổi.

Thêm tàu ​​khu trục cỡ nhỏ

Về chủ đề này, các chuyên gia quân sự được hãng Ria Novosti phỏng vấn đồng ý với nhận định cho rằng các nhà phân tích ở Lầu Năm Góc đã quyết định giảm số lượng các hạm đội tàu sân bay do sự xuất hiện của các hệ thống chống hạm mới ở Nga và Trung Quốc.

Trong tháng này, người ta đã biết đến tên lửa siêu thanh đầy hứa hẹn có tên là Zircon, sẽ được đưa vào trang bị cho các tàu chiến cả nổi và ngầm của Hải quân Nga từ năm 2022.

img
Tên lửa Zircon của Nga và những hệ thống vũ khí diệt hạm mới xuất hiện ở Trung Quốc đã trở thành động lực thay đổi chiến thuật của quân đội Mỹ?

Hiện tại, tên lửa diệt hạm Zircon đang được thử nghiệm thêm ít nhất khoảng mười lần phóng từ các phương tiện mang – bắn khác nhau.

Tầm bắn của tên lửa Zircon sẽ vượt quá phạm vi hoạt động của máy bay chiến đấu được trang bị trên các tàu sân bay của Mỹ và tốc độ bay của tên lửa loại này có thể đạt 9 Mach.

Zircon sẽ trở nên bất khả chiến bại với tất cả các hệ thống phòng không hải quân hiện có trên thế giới.

Điều này cũng đã từng được ấn phẩm National Interest của Mỹ nhắc đến với phán đoán nói rằng tên lửa Zircon có khả năng chẻ đôi một hàng không mẫu hạm bất kỳ mà chưa cần dùng đến thuốc nổ của đầu đạn.

Trong những điều kiện và tình thế này, Lầu Năm Góc rõ ràng đã có ý định “đặt cược ít tiền hơn”. Theo Defense News, số lượng tàu tuần dương và khu trục hạm sẽ vẫn ở mức hiện tại - khoảng 90 chiếc. Tuy nhiên, các tàu chiến có lượng giãn nước nhỏ hơn sẽ được bổ sung thêm.

Hiện tại, Hải quân Hoa Kỳ có khoảng 20 tàu tác chiến ven bờ, thuộc các lớp Freedom và Independence.

Các phi đội máy bay được thiết kế và sử dụng để hỗ trợ các tàu chiến này rơi vào khoảng từ 55 đến 70 chiếc.

Xu thế sẽ là robot hải quân

Nhưng sự đổi mới quan trọng nhất mà Lầu Năm Góc đang hướng đến là việc sử dụng hàng loạt các hệ thống chiến đấu có ít thủy thủ điều khiển hoặc hoàn toàn không có người lái.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper trong một tuyên bố gần đây, đã nhấn mạnh rằng: Tương lai nằm ở robot hải quân vì việc chế tạo và vận hành chúng đơn giản, tiết kiệm và nhanh hơn nhiều.

Theo ông Mark Esper, nếu việc phát triển các hệ thống có triển vọng diễn ra theo kế hoạch, đến năm 2030, Hải quân Mỹ sẽ có hơn 350 máy bay không người lái được trang bị.

img
Thử nhiệm tàu không người lái mang - phóng tên lửa LUSV.

Đô đốc Michael Gildi, chỉ huy các hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ vào cuối năm ngoái cho biết, Hải quân Mỹ cần thay đổi tư duy, nên trang bị nhiều hệ thống chiến đấu không có người lái bởi vì:

“Chúng ta không thể có đủ tàu chiến mà để chế tạo được mỗi chiếc, nước Mỹ phải bỏ ra ít nhất 2 tỷ USD".

Tại Hoa Kỳ, một số dự án tàu không người lái đang được thực hiện cùng một lúc. Theo kế hoạch, ba lớp tàu chiến do robot điều khiển sẽ được bổ sung cho Hải quân gồm:

Hệ thống tàu có bề mặt lớn với vũ khí hạng nặng, Hệ thống tàu có bề mặt trung bình để trinh sát và tác chiến điện tử, và cuối cùng là tàu có diện tích nhỏ làm nhiệm vụ cài - phá mìn và mở rộng phạm vi hệ thống liên lạc.

Năm 2020, Lầu Năm Góc hy vọng sẽ có hai tàu lớn nhất trong dự án LUSV (Tàu mặt nước không người lái cỡ lớn). Với lượng giãn nước hai nghìn tấn, chúng cơ bản có kích thước tương đương một tàu hộ tống.

Ban đầu, LUSV sẽ được sử dụng cùng với các tàu chiến thông thường và đóng vai trò là một nền tảng, bề mặt mang, bắn tên lửa và có khả năng tự động quay trở lại căn cứ để nạp đạn.

Tuy nhiên, sau đó các tàu dạng LUSV sẽ có thể hành động độc lập, tự chủ trong ít nhất 90 ngày liên tục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.