Thời sự Quốc tế

Tết cận kề, người Mỹ gốc Á phải chịu thêm nỗi lo nguy hiểm hơn Covid-19

11/02/2021, 07:13
image

Từ đại dịch Covid-19, một loại virus vô hình khác đó là sự “thù hận, phân biệt chủng tộc với người Châu Á” đang nảy sinh và lây lan nguy hiểm.

img

Một vụ tấn công nhằm vào người cao tuổi gốc Á tại Mỹ

Rộ lên vấn nạn tấn công nhắm vào người gốc Á tại Mỹ

Hậu quả virus Covid-19 càng nghiêm trọng, tâm lý thù hận người Châu Á tại các nước phương Tây trong đó có Mỹ lại càng dâng cao, dẫn tới nhiều hậu hoạ vô cùng nghiêm trọng. Đã có không ít người Á châu đã phải hứng chịu sự nhục mạ, thậm chí hành hung vô cớ vì những "thuyết âm mưu" tự dựng và những hiểu nhầm vô cớ liên quan tới dịch bệnh. Nỗi lo ngày càng dâng cao khi ngày Tết Nguyên đán với người Châu Á cận kề.

Chủ tịch, Giám đốc điều hành tổ chức dân quyền Tăng cường Pháp lý cho người Mỹ gốc Á, ông John C.Yang chỉ ra, thực tế số vụ tấn công nhắm vào người gốc Á đã tăng mạnh trong năm 2020 (năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh). Nhưng trên sổ sách giấy tờ, không có nhiều số liệu ghi chép do nhiều người lo sợ khi trình báo tội phạm.

Một trong những vụ việc liên quan gây bức xúc dư luận thời gian gần đây là việc một cụ ông đến từ Thái Lan Vicha Ratanapakdee, 84 tuổi đang đứng trước cửa gara nhà mình thì bị một thanh niên tấn công giữa ban ngày. Kẻ phạm tội đã đánh ông ngã xuống đất rồi bỏ đi.

Ông Vicha Ratanapakdee phải nhập viện và qua đời 2 ngày sau đó. Gia đình ông chỉ trích: Đây là hành vi tấn công có động cơ phân biệt chủng tộc, người Châu Á đang bị đổ lỗi gây ra dịch bệnh khốc liệt như hiện nay. Nghi phạm đã bị toà án tại San Francisco kết tội giết người, tấn công người cao tuổi đến chết.

Nguy hiểm không khác gì virus Covid-19

Lý do là bởi virus COVID-19 được biết đến đầu tiên là từ thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc nên vô hình trung nó đã kích động làn sóng phân biệt chủng tộc, kỳ thị và thù hận nhằm vào người gốc châu Á.

Những hành động cực đoan, như phỉ báng, đánh đập, tấn công người châu Á, tẩy chay doanh nghiệp châu Á tại nhiều nước phương Tây cũng lây lan với tốc độ không thua gì virus Covid-19.

Chưa kể, trên mạng xã hội còn nhan nhản những bài viết mang tính bài ngoại như đổ thêm dầu vào ngọn lửa thù hận chủng tộc vốn âm ỉ. Trong đó, có một bài đăng trên Instagram hồi tháng Tư đã xúi giục xả súng vào người Châu Á tại New York và coi đây là cách để ngăn chặn dịch bệnh. Trước đây, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng luôn gọi virus Covid-19 là “virus Trung Quốc”.

Ông Joel Finkelstein Giám đốc Viện nghiên cứu Network Contagion có trụ sở ở Mỹ, tổ chức chuyên theo dõi các thông tin sai lệch và kích động trên mạng xã hội, gọi những nội dung kỳ thị, thù hận, phân biệt chủng tộc lan truyền như "một loại virus" và gây ra hậu quả nghiêm trọng cả về tâm lý và thể chất.

Đó chính là lý do vì sao chỉ 6 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra văn bản lên án những kiểu phát ngôn "kích động, bài ngoại” khiến người dân, gia đình, cộng đồng và doanh nghiệp thuộc những cộng đồng gốc châu Á và Thái Bình Dương (AAPI) rơi vào nguy hiểm trong thời gian dịch bệnh.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Tổng thống Biden rất lo ngại về vấn nạn phân biệt chủng tộc, những hành động chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Á. Chính vì vậy, ông đã ký sắc lệnh và bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng những hành động tấn công dù là trên lời nói hay bất cứ hình thức nào đều không thể chấp nhận và chúng ta cần phối hợp cùng nhau để giải quyết”.

Lập đội an ninh đặc biệt, tuần tra dịp Tết

Nỗi lo này càng tăng cao trước thềm Tết Nguyên đán 2021. Một số khu vực có nhiều cộng đồng gốc Á sinh sống đã phải tăng cường tuần tra, đảm bảo an ninh. Thậm chí, ngày 10/1, theo hãng tin Fox News, Chưởng lý quận Almeda bang California thông báo, thành lập một đội phản ứng đặc biệt nhằm đảm bảo an ninh sau khi liên tiếp chứng kiến tình trạng gia tăng số vụ tấn công chống lại người Châu Á, đặc biệt với người cao tuổi gốc Á, sống tại Chinatown ở TP. Oakland, bang California.

Tại cuộc họp báo, Chưởng lý Nancy O'Malley cho biết: Không thể dung thứ trước tình trạng gia tăng hành vi phạm tội nhắm tới người dân trong cộng đồng gốc Á đặc biệt là người Mỹ gốc Trung Quốc đang sinh sống, làm việc tại quận Alameda.

“Những kiểu sử dụng ngôn từ đại loại như “virus Trung Quốc” đã làm gia tăng sự ghét bỏ, tức giận và dẫn tới những kết quả thù hằn, tấn công nhân lên gấp nhiều lần. Đôi khi chỉ là vài lời nói nhưng có khi nó dẫn tới hành động tấn công hoặc nhiều hành vi phạm tội khác” – ông O'Malley nói.

Ngoài ra, Sở Cảnh sát Oakland đã phải tái phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát nhất là trong bối cảnh ngày Tết âm lịch đã cận kề.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.