Đời sống

Tết cổ truyền ở miền Tây có gì đặc biệt?

12/01/2023, 18:51

Tết cổ truyền, miền Bắc có bánh chưng, miền Nam có bánh tét…, và nhiều điều khác nhau thú vị nữa, mà không phải ai cũng biết...

Hoa mai vàng mang sự may mắn

Nếu như miền Bắc có hoa đào đỏ thắm thì miền Nam lại có hoa mai - không thể thiếu trong cái Tết của người miền Nam.

img

Hoa mai vàng tượng trưng cho ngày Tết ở Nam Bộ.

Hoa mai có màu vàng, thường được người dân ví von với từ “may” trong may mắn. Hai từ này là khác nhau, nhưng ở miền Nam thường phát âm giống hệt nhau. Nên người dân tin tưởng, ngày Tết, nếu có hoa mai trong nhà, sẽ mang lại nhiều sự may mắn.

Hiện hoa mai được trồng chủ yếu tại các nhà vườn và nhà dân ở các vùng thôn quê. Ở các khu vực đô thị thì ít. Tết đến Xuân về, người dân thành thị thường ra chợ mua một vài nhành mai về chưng. Những hộ khá giả, có điều kiện thì mua những chậu mai khủng để trong sân nhà.

Mê mẩn bánh tét Nam Bộ

Nếu ở miền Bắc có bánh chưng thì ở miền Nam có món bánh tét nổi tiếng. Trong những ngày Tết, nhà nào cũng có cặp bánh tét trên bàn thờ để dâng lên tổ tiên.

img

Bánh tét Nam Bộ.

Bánh tét được gói bằng lá chuối với nhân gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn, nhưng được gói thành hình trụ dài. Bên cạnh đó, người dân còn sử dụng thêm hạt điều, nhân chay hoặc nhân ngọt để làm phong phú thêm món ăn này. Mang ý nghĩa của sự hội tụ tinh hoa đất trời, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong tất cả các mâm cỗ ngày Tết của các tỉnh miền Trung, miền Nam.

Tại ĐBSCL có rất nhiều làng bánh tét nổi tiếng ở các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang… Từng địa phương lại có các cách chế ra đòn bánh tét khác nhau. Ở Tiền Giang, khi làm bánh tét nhân mỡ, mấy bà lấy mỡ ướp với tí đường, củ hành tím rồi phơi trong thau nhôm chừng 5 - 6 tiếng.

Ngoài bánh tét nhân mỡ như nêu trên ở Tiền Giang, người ta cũng còn làm bánh tét có nhân là thịt ba rọi, tôm khô và hột vịt. Do nếp được ngâm nước lá dứa, nên khi ăn bánh có mùi thơm nhẹ.

Ở tỉnh Bến Tre có loại bánh tét không nhân. Bánh được làm toàn bằng nếp trộn chung với đậu đen hay đậu phộng và nước cốt dừa, ăn rất béo và thơm.

Còn bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh) phần nếp bánh lại có màu xanh, nhân đậu xanh, trong cùng là thịt mỡ và hột vịt muối. Qua tìm hiểu, tham khảo, nhiều thực khách đều thừa nhận, không ở đâu lại có bánh tét ngon như ở Trà Cuôn.

Thịt kho tàu

Không biết từ bao giờ mà mỗi khi Tết đến, các gia đình ở miền Tây không nhà nào thiếu nồi thịt kho hột vịt.

img

Món thịt kho tàu.

Món thịt kho này, thịt thái to khoảng trên 40cm, nấu chung với nước dừa xiêm để thịt kho lạt đi, ăn được to miếng. Thịt hầm từ bắp đùi hầm nhừ với vài vị thuốc Bắc. Có thể thêm vào hột vịt luộc gọi là thịt kho hột vịt.

Ngoài ra, còn có món khổ qua dồn thịt heo rồi hầm như hầm thịt. Các món truyền thống này chỉ cúng và ăn tới chiều mồng hai, sáng ngày mồng ba sẽ cũng và ăn món khác phải như gà, cá.

Rước ông bà

Ở miền Tây, ngày 30 tháng Chạp, các gia đình sẽ làm một mâm cơm cúng tổ tiên, gọi là lễ “rước ông bà”.

img

Mâm cơm cúng ông bà.

Cho đến khi hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên luôn nghi ngút. Trước giao thừa, các gia đình thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên).

Lễ vật cúng giao thừa ngoài hương hoa quả phẩm còn có thêm quả dừa, bánh tráng con gà trống luộc.

Mâm cơm cúng tất niên chiều 30 Tết thường quy tụ đủ mặt mọi người thân trong gia đình. Theo quan niệm của người Nam Bộ, mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc nhân gian. Hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, nên cúng tế, đốt pháo là để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.