Chính trị

Tết cuối cùng bận rộn của Bác Hồ

30/01/2020, 06:29

Cái Tết năm 1969 - Tết Kỷ Dậu - cái Tết con Gà, là cái Tết cuối cùng của Bác Hồ. Không may là cái Tết đó sức khỏe của Bác không được tốt.

img
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969 (Ảnh tư liệu)

Tết là dịp sum họp của những người thân. Tết cũng có nghĩa là ăn Tết, là vui Tết, là chơi Tết. Tết là sự sẻ chia - sẻ chia tình người, sẻ chia niềm vui hân hoan đón Xuân mới.

Truyền thống ông cha ta trên đất Việt là vậy!

Không biết là trong cuộc đời mình, Bác Hồ được hưởng bao nhiêu cái Tết đúng theo kiểu đó. Có lẽ là lúc ấu thơ thôi. Lên 10 tuổi, Bác đã lâm vào cảnh mồ côi mẹ. Kể từ đó, Bác thiếu hơi ấm và sự âu yếm của người mẹ hiền tần tảo sớm hôm. Bác thiếu cả sự chăm chút cụ thể của người cha và chị gái Nguyễn Thị Thanh, anh trai Nguyễn Sinh Khiêm khi họ cũng vì nghĩa khí yêu nước và cũng vì phải bươn chải của cuộc đời mà phải xa cha mẹ và em trai. Và từ cái ngày ấy, cái ngày Bác xuống tàu Amiral Latouche-Tréville (tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin), ngày 5/6/1911, Bác sống một cuộc đời xa Tổ quốc đằng đẵng tới tận 30 năm, rồi về nước sống trong cảnh không có gia đình riêng.

Tết đến Xuân về. Nhà nhà sum họp. Nồi bánh chưng xanh bên bếp lửa bập bùng. Bác không có cái cảnh ấy. Người ta nói những vĩ nhân, danh nhân thường bị cô đơn là vì vậy.

Nhưng, Bác Hồ coi tất cả người dân Việt Nam là người nhà ruột thịt của mình; khi thấy mỗi người hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc là Bác như đứt từng khúc ruột. Bác cảm nhận được mỗi người Việt Nam đều có nỗi đau riêng. Và Bác cộng gộp: Cộng các nỗi đau riêng ấy lại thì thành nỗi đau của chính mình. Trên đời này, thật khó mà có số toán học lạ kỳ đến như thế!

Bác thường gửi thư chúc Tết đến đồng bào cả nước dịp Tết đến, Xuân về. Có thể là Bác chúc Tết với cương vị Chủ tịch nước. Có thể Bác chúc Tết với tư cách là một người dân bình thường đang làm công tác chung của xã hội. Cũng có thể do cả hai. Nhưng, có một điều chắc chắn là Bác không làm điều đó như là “đọc thông điệp đầu năm” thông thường như nhiều nguyên thủ quốc gia khác trên thế giới hay làm.

Với phong cách nói và viết của mình, Bác hay diễn đạt có 3 điểm đáng chú ý nhất: 1. Diễn đạt một cách ngắn gọn, súc tích; 2. Đủ những thông tin cần thiết; 3. Hay/hấp dẫn/thú vị. Vậy nên, thơ chúc Tết của Bác mang cả tính tổng kết chiến lược chính trị nhưng đầy xúc cảm. Cứ Giao thừa là đồng bào cả nước ai cũng đón chờ thơ chúc Tết thân thương của Bác.

Cái Tết năm 1969 - Tết Kỷ Dậu - cái Tết con Gà, là cái Tết cuối cùng của Bác Hồ. Không may là cái Tết đó sức khỏe của Bác không được tốt. Trên Đài Tiếng nói Việt Nam Tết năm ấy, giọng Bác tuy có yếu, nhưng đồng bào vẫn nghe được tiếng ấm đầy cảm hứng và hào sảng Bác gửi đến đồng bào và chiến sĩ cả nước:

Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!

Càng về những năm cuối đời, họng, tim và mắt của Bác yếu dần. Bác phải dưỡng bệnh nhiều lần cả ở trong và ngoài nước. Dịp gần Tết Kỷ Dậu này, sức khỏe của Bác vẫn là nỗi lo canh cánh của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhân viên y tế. Công việc của Bác vẫn ken dày. Bác họp Trung ương, Chính phủ và Bộ Chính trị; tiếp nhiều khách quốc tế và trong nước, nhất là những cán bộ miền Nam ra thăm và báo cáo với Bác; gửi điện mừng dịp lễ của các nước; khen thưởng những đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua sản xuất và chiến đấu. Bác để tâm đến mọi công việc, kể cả góp ý “dùng tiếng nói và chữ viết dân tộc ta” cho cách viết báo nhân dịp Tết trồng cây, dặn trồng cây cho nhiều lợi ích.

Ngày 2/2/1969, tức là ngày 17 tháng Chạp, tháng giáp Tết Kỷ Dậu, Bác thấy trong người mệt, đau đầu và tức ngực. Ngay ngày hôm sau, 3/2/1969, nhân dịp Kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, Bác cho đăng bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” - một bài báo rút từ tâm can của Bác khuyên bảo cán bộ, đảng viên về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Ngày 6/2/1969, vào lúc 10 giờ 15 phút, tại Nhà khách nhỏ của Phủ Chủ tịch, Bác đọc lời chúc mừng năm mới vào máy ghi âm để phát vào đêm Giao thừa Tết Kỷ Dậu. Suốt từ ngày sát Tết trở đi, tình hình sức khỏe của Bác càng xấu, các bác sĩ phải thăm khám liên tục.

50 năm đã trôi qua, kể từ năm 1969 ấy. Giờ đây, chúng ta xem lại những ngày Tết với lịch làm việc của Bác thì thật ngạc nhiên về sự quan tâm của Bác đối với mọi người, mặc dù sức khỏe những ngày Tết của Bác thực sự có vấn đề.

Ngày 28 tháng Chạp giápTết, Bác tiếp thân mật Đoàn thiếu niên dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc; tiếp bà Menba Hécnanđê, Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam và Đoàn đại biểu Viện Hữu nghị với các dân tộc của Cuba nhân dịp Đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Ngày 29 tháng Chạp giáp Tết, Bác đón các vị trong Phái đoàn Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam ra thăm miền Bắc.

Ngày 30 tháng Chạp, ngày cuối cùng của năm cũ, Bác gửi lẵng hoa tặng cho một số cơ quan, trong đó có Khối 30, khu phố Đống Đa, Hà Nội và Phân đội 5 Đoàn Công an vũ trang bảo vệ Thủ đô.

Ngày mồng 1 Tết Kỷ Dậu là một ngày bận rộn của Bác. Buổi sáng sớm, lúc 6 giờ 30, Bác đã cùng các vị Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân tại sân bay Bạch Mai, Hà Nội, nói chuyện tại Hội trường lớn với các đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua, đại biểu các đơn vị có thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Từ 11 giờ, Bác đến thăm và chúc Tết đồng bào xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội), cùng đồng bào trồng cây khai Xuân trên đồi của xã. Dưới bóng cây bạch đàn trên đồi, Bác nói chuyện và chúc Tết đồng bào địa phương.

Bác nói: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”. Bác là hiện thân của sức sống bất diệt của môi trường tự nhiên khi quan tâm một cách rất đặc biệt đến trồng cây, nhất là dịp Xuân đất nước của vùng nhiệt đới gió mùa ở miền Bắc.

Việc Bác trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì ngày mồng 1 Tết Kỷ Dậu 1969 chính là sự tiếp nối sinh động nhất cho tư tưởng của Bác về môi trường sống của con người. Trước đó, ngày 5/2/1969, Bác có bài viết nhan đề Tết trồng cây, bút danh T.L. đăng trên báo Nhân Dân, số 5411, một lần nữa nói lên sự quan tâm đặc biệt này của Bác.

Trong bài báo, Bác nêu lên ý nghĩa cũng như lợi ích to lớn của việc trồng cây ở các địa phương. Bác nêu kết luận trong bài báo: “Kinh nghiệm cho thấy rằng: Mọi người đều nên tham gia trồng cây, nhưng lực lượng các phụ lão có tổ chức là quan trọng và các cháu thiếu nhi là lực lượng góp phần đắc lực”.

Buổi chiều mồng 1 Tết, tại Khu Phủ Chủ tịch, Bác cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp và ăn cơm với chị Tạ Thị Kiều, đại biểu chiến sĩ miền Nam đang ở thăm miền Bắc.

Ngày mồng 2 Tết, Bác bị mệt.

Ngày mồng 3 Tết, lúc 6 giờ sáng, Bác đau ngực, phải làm điện tâm đồ, các bác sĩ thấy vùng cơ tim phía trước mé trái có hiện tượng thiếu cung cấp ô-xy. Từ buổi chiều hôm đó trở đi, nhiều lần Bác phải thở bằng ô-xy và làm điện tâm đồ, kiểm tra huyết áp, tim mạch. Cứ thế, những ngày sau Tết, xen kẽ Bác vừa khám chữa bệnh, Bác vừa làm việc, tiếp khách.

Một cái Tết đáng nhớ. Đáng nhớ không những nó là cái Tết cuối cùng trong cuộc đời của Bác Hồ, mà còn là cái Tết dù sức khỏe kém mà Bác vẫn sống với dân, với nước, với đồng bào, đồng chí, hòa nhịp đập trái tim mình với khung cảnh đất trời sang Xuân mới.

(Trong bài, có sử dụng một số tài liệu trong bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011 và trong cuốn Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, T.10).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.