Làm báo cùng Giao thông

Tết gần, lại nhớ Tết xa

07/02/2016, 19:05

Những ngày tháng bao cấp thiếu thốn ấy, Tết là một kì công. Lũ trẻ chỉ mong Tết để được đi chơi...

14
Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau

Tôi vẫn nhớ như in một buổi sáng mồng 1 Tết, bố chở tôi trên chiếc xe đạp gióng ngang đến chúc năm mới mấy nhà chú bác họ hàng. Lúc ấy còn sớm, chừng 6 giờ, trời còn mờ sương, đường vắng bóng người và những hè phố còn vương xác pháo đốt đêm Giao thừa. Tôi ngồi sau và ngắm phố, tay vẫn ôm lưng bố, có lúc ngủ gật lúc nào không biết. Cuộc chúc Tết rồi cũng kết thúc khi hai bố con trở về vào lúc quá trưa. Bố có vẻ không thích việc phải đi nhiều như thế, nhưng tôi còn quá nhỏ và phải đến khi đã trở thành một ông bố, mới hiểu được cái sự không thích của ông cụ thể là gì.

Những ngày tháng bao cấp thiếu thốn ấy, Tết là một kì công. Lũ trẻ chỉ mong Tết để được đi chơi, để có tiền mừng tuổi và mấy ngày Tết trôi nhanh đến mức chỉ muốn níu kéo lại không cho nó trôi đi mất. Đấy là những ngày được nghỉ học, được đi chơi, và điều quan trọng nhất, được đốt pháo và ăn những thứ mà ngày thường chẳng bao giờ có được như giò nạc, nem rán, miến, xôi và nhiều thứ khác nữa. Để có được một cái Tết ấy là biết bao nhọc nhằn của cha mẹ.

Cái cảnh đến chiều 30 mẹ đã nấu xong đồ cúng và đến tiệm quấn lô để có một cái đầu mới cho năm mới bây giờ không còn nữa. Cảnh bố phải đi xông nhà mấy nhà họ hàng cũng đã chấm dứt từ rất lâu rồi. Cũng không còn nữa việc về quê “tha” lên đủ thứ cho Tết, từ những cân thịt lợn đến những cân gạo nếp hoặc bố mẹ mang về những hộp mứt hay trứng chim bằng bìa giấy mỏng và đen đúa. Tất cả đã được cất vào những ngăn kí ức và như một điều hoàn toàn tự nhiên, Tết đến, sự hoài niệm trở về.

Bao năm đã trôi qua kể từ những ngày ấy, bây giờ, nếu nói đến ăn, người ta chỉ băn khoăn làm thế nào để được ăn ngon hơn và sạch hơn mà thôi.

Ngày xưa, thiếu thốn là điều rất dễ chia sẻ với tất cả, cái Tết ít ỏi ấy lại rất sạch. Bây giờ đủ đầy thứ để ăn thì lại tràn ngập những nỗi lo ung thư. Thôi thì khuất mắt trông coi và sống được đến đâu thì sống.

Tết vẫn ăn, nhậu, tụ tập bạn bè triền miên. Đối với không ít gia đình, “nhà quê” bây giờ lại trở thành nguồn cung cấp thức ăn. Cuộc sống hàng ngày và cả Tết trở thành một cuộc tự vệ trong tuyệt vọng như thế.

Tết bây giờ cũng khác vì có mạng xã hội. Bạn có thể nhìn vào cuộc sống, niềm hy vọng, suy nghĩ và cả những nỗi buồn của biết bao người. Ta thấy những căn hộ ấm cúng có đào hay mai, những cuộc đi chúc Tết hoặc đi chơi đâu đó của các gia đình và bạn bè. Còn gì nữa, những cuộc nhậu, những buổi liên hoan, những cuộc cụng ly và biết bao gương mặt hạnh phúc?

Không hiểu tại sao tôi dị ứng đến thế với những mâm nhậu. Quanh năm Facebook chìm ngập trong rượu, bia. Tết còn hơn thế, hầu như ai cũng thế. Miếng ăn và những ly rượu đã trở thành một sự ám ảnh lớn mà cả người thích hoặc không thích đều phải trải qua.

Cũng nhiều Tết tôi không ở nhà, công việc khiến tôi đi xa nhiều năm. Nhiều người vẫn hỏi là có nhớ nhà không khi Tết về. Trước sự ngạc nhiên của họ, tôi thường nói là không.

Tôi chỉ hoài niệm một chút gì đó không cụ thể từ những mảnh ghép quá khứ, cho những năm tháng đã qua: Tiếng pháo đêm Giao thừa, những bao lì xì mừng tuổi, nụ cười của bà nội, cái vẻ tất tả của bố vào ngày giáp Tết mang đồ Tết được phân phối về nhà.

Ăn không còn là một nhu cầu nữa, mà giờ là đi, đi khắp nơi có thể và Tết với tôi là một dịp nghỉ ngơi cùng gia đình, cho gia đình, cho những chuyến đi tới một nơi nào đó ta chưa biết.

Không phải để lại chìm vào những cuộc nhậu nhẹt ở đó với bạn bè, mà để sống đẹp với những người ta yêu thương nhất.

Ở bên này, họ nghỉ mỗi năm hai kì, kì nghỉ hè và nghỉ đông vào dịp năm mới, kì nào cũng rất dài. Thường thì họ đi nghỉ, hoặc ở nhà bố mẹ vài ngày và rồi phần lớn thời gian ở đâu đó, rất xa, như là một thói quen của lối sống hiện đại và bền vững.

Bỗng dưng lại nghĩ, càng đi xa ra thế giới, càng thấy cái Tết hiện tại xa thêm và cái Tết xưa hiện ra trước mắt.

Có một lúc nào đó, chỉ mong mình bé lại và trở về với ngày xưa, ngồi sau lưng bố trên chiếc xe đạp, đi trên những con phố vắng tanh và còn đầy xác pháo đỏ rực.

Không phải đi xông nhà như một nghĩa vụ, mà là đi chơi...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.