Thời sự

Tết giữa Hoàng Sa, Trường Sa

15/02/2015, 06:43

Những ngày cuối năm, những đội tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung lại rộn ràng “rẽ sóng” vươn khơi xuyên Tết.

151
Tàu thuyền ngư dân sẵn sàng ra khơi xuyên Tết

Ra khơi xuyên Tết

Ngày cuối năm Dương lịch, Âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) tấp nập tàu thuyền, dòng người hối hả chuẩn bị ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm. Chủ tàu QNg- 96059 Nguyễn Thanh Tuấn (quê Đức Phổ, Quảng Ngãi) tất bật cùng cánh bạn thuyền đưa đá lạnh xuống khoang, nạp dầu, chuyển ngư cụ và các nhu yếu phẩm.

Trong đó, không thể thiếu hương vị Tết là bia, rượu, chả giò, thịt heo, bánh kẹo... “Năm nay tôi ra khơi dài ngày hơn, xuyên cả Tết dương và Tết âm nên phải chuẩn bị sẵn mọi thứ. Chắc chắn ngày cuối năm, tàu ghé đảo Trường Sa lớn chúc Tết các chiến sĩ, bà con dân đảo”, anh Tuấn nói.

"Năm nay tôi ra khơi dài ngày hơn, xuyên cả Tết dương và Tết âm nên phải chuẩn bị sẵn mọi thứ. Chắc chắn ngày cuối năm, tàu ghé đảo Trường Sa lớn chúc Tết các chiến sĩ, bà con dân đảo”.

Anh Tuấn
(Chủ tàu QNg-96059)

Trước lúc ra khơi, nhiều chủ tàu thuyền Đà Nẵng xác định đón năm mới trên biển. Với họ, biển cũng chính là nhà. Trời yên biển lặng, những con tàu dễ “no cá” sau hải trình xuyên Tết. Trước đây, ngư dân chỉ mở biển (khai vụ đánh bắt) sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, khoảng ba năm trở lại đây, rất nhiều tàu thuyền ra khơi trong dịp cuối năm.

Một số ngư dân ở các phường An Hải Bắc, Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) thổ lộ: Thường thì vào dịp Tết, cá mực nhiều hơn do thời tiết ngày càng ấm lên nên chúng tôi rẽ sóng vươn khơi sẽ trúng đậm hơn.

Anh Võ Trường Thành (ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), người đã ăn Tết trên biển nhiều năm tỏ bày: Tết dương hay âm lịch, chúng tôi đều cho anh em được nghỉ ngơi đón Tết thoải mái, với cơm ngon cỗ đầy chả thiếu gì như ở nhà mình.

Ông Nguyễn Quyền (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) - một chủ tàu dịch vụ hậu cần, nói: Trong đêm giao thừa, các chủ tàu sẽ quần tụ gọi nhau để dồn về một chỗ. Rồi anh em chúc nhau chén rượu đầy, nổ sâm banh, hú còi vang vọng cả một góc trời và nối đất liền qua những lời chúc tụng gia đình bằng sóng bộ đàm. Rồi cũng xem ti vi, nghe Chủ tịch nước chúc Tết, đón chào năm mới với những bữa cơm thịnh soạn...

Giữ biển xuân

Hướng đôi mắt về phía cửa biển Đà Nẵng, tay vị chủ tàu QNg- 90352 Nguyễn Văn Sơn (huyện Đức Phổ) cầm chắc tay lái chuẩn bị hải trình rẽ sóng, mở biển. Ông Sơn kỳ vọng một chuyến đi biển cuối năm có thể bằng 7-8 lần những chuyến hàng ngày. Vì vậy, dù biết không được thắp nén nhang trong đêm 30 cho tổ tiên, ông bà nhưng giữa biển khơi, anh em trên tàu vẫn tập hợp trước mâm cỗ cúng thỉnh cầu trời biển, tổ tiên phù hộ.

Theo các ngư dân, thường đầu năm mới, giá cả thị trường đều tăng vọt. Các mặt hàng thủy sản khan hiếm hơn nên thu nhập mỗi chuyến tàu đi biển về sau Tết có khi gấp vài ba lần ngày thường.

Chấp nhận ăn Tết trên biển, các ngư dân không chỉ mong một chuyến biển bội thu mà còn mang một trọng trách lớn: Canh giữ vùng trời biển đảo quê hương. Từng tổ đội liên kết, vươn khơi cùng đánh bắt và hỗ trợ nhau trên biển.

Ban tác chiến Bộ chỉ huy BĐBP Đà Nẵng đánh giá: Ngư dân đi thành các nhóm, tổ đội, vừa báo nhau các “tọa độ vàng” vừa làm “tai mắt” cho ngành chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý các tình huồng trên biển, bảo vệ chủ quyền.

Hiện các tỉnh miền Trung đã đưa ra nhiều giải pháp tiếp sức cho ngư dân. Hầu hết đội tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 90CV đều đã được trang bị đầy đủ tất cả máy bộ đàm tầm xa, máy siêu âm dò cá, máy định vị vệ tinh... Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh luôn vận động tàu thuyền liên kết thêm để phát triển hơn nữa dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển để ngư dân đánh bắt xa bờ bám biển dài ngày, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí... 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.