Xã hội

Tết lung linh ánh điện trên đảo Lý Sơn

20/02/2015, 09:11

Lần đầu đón cái Tết “không thiếu điện”, người dân trên đảo tiền tiêu Lý Sơn không khỏi bỡ ngỡ, mừng đến lạ.

142
Không khí tấp nập trên huyện đảo Lý Sơn

Tết “điện” đầu tiên

Lần đầu đón cái Tết “không thiếu điện”, người dân trên đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi) có một tuần đầu năm thật đặc biệt. Điện lưới quốc gia được kéo cáp ngầm ra tận đảo đang tạo đà làm đổi thay các mặt đời sống, kinh tế - xã hội, văn hóa và cuộc sống của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Thanh Quân, người dân xã An Vĩnh (Lý Sơn) tỉ mẩn chỉnh dàn amply hiện đại vừa được gia đình “tậu” về chơi Tết. Những bóng đèn to nhỏ bố trí khắp các gian phòng khách, nhà ăn, bếp… “Năm trước có tiền cũng chịu, chẳng dám “chơi sang” mua sắm đồ điện tử. Vì thiếu điện (mỗi ngày chỉ được vài tiếng đồng hồ có điện), nhiều khi đang nghe nhạc lại nghỉ giữa chừng. Năm nay điện sáng cả ngày, không khí rộn ràng, tươi vui, chẳng riêng ngày lễ, ngày thường đã vui như Tết”, ông Quân hồ hởi.

Trên những chuyến tàu ra đảo, ngoài hàng hóa nhu yếu phẩm, nhiều người dân đảo “cõng” thêm các đồ trang trí nội thất, đặc biệt là nhiều mặt hàng Tết, hàng điện tử, điện lạnh, điện máy…  “Năm nay là cái Tết… đặc biệt. Ngay từ khi chuẩn bị có nguồn điện quốc gia ra đảo, gia đình nào cũng sắm sửa thêm các vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Các cơ sở sản xuất, dịch vụ nông - ngư nghiệp, các nhà nghỉ, khách sạn… cũng chuyển đổi máy móc sang sử dụng điện để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của du khách đến với huyện đảo…”, ông Bùi Văn Huân, xã An Vĩnh phấn khởi.

Hơn 4 tháng hoàn thành kéo điện lưới ra đảo, Lý Sơn chấm dứt cơn “khát điện” phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân huyện đảo. Tết Ất Mùi 2015 cũng là năm đầu tiên người dân huyện đảo đón cái Tết “điện” sung túc. Bà Hồ Thị Mỹ Lệ, chủ nhà nghỉ Viễn Đông (thôn Đông, xã An Hải) cho hay: Người dân được sử dụng điện với giá rẻ và chất lượng ổn định hơn phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh. Các cơ sở lưu trú cũng đầu tư nâng cấp máy điều hòa, quạt điện, tivi “xịn” hơn và không còn phải lo máy phát điện diesel bị hư hỏng ngoài 6 giờ có điện mỗi ngày.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, ông Trần Ngọc Nguyên kỳ vọng: Có điện, cuộc sống người dân, bộ mặt của huyện đảo thay đổi đáng kể. Du khách cũng ra Lý Sơn “xông đất” đầu năm nhiều hơn. Lý Sơn đang khoác chiếc áo mới, người dân huyện đảo được đón cái Tết yên bình, sung túc, “no đầy” hơn về cả vật chất lẫn tinh thần… như người dân trong đất liền.

143
Lý Sơn nhìn từ trên cao

“Đánh thức" Lý Sơn

Theo lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn, đảo có tiềm năng rất lớn nhưng khó khăn lớn nhất trong phát triển của Lý Sơn nhiều năm qua là… thiếu điện. Cuối tháng 9/2014 vừa qua, cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia đã và đang tiếp tục thổi luồng sinh khí mới đến với hòn đảo tiền tiêu này.  Ngay từ trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, người dân và du khách đến Lý Sơn cũng đón tin vui về dịch vụ giao thông tốt hơn sau khi hãng taxi Tiên Sa (TP Đà Nẵng) chính thức lăn bánh trên huyện đảo.

Lý Sơn có diện tích 10,4 km2 (đảo Lớn gồm xã An Vĩnh và An Hải, đảo Bé là xã An Bình), với hơn 22 nghìn người dân, cách đất liền 15 hải lý ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Trong năm 2014, có 36.620 lượt khách đến Lý Sơn, tăng 7.766 lượt khách; trong đó có 381 lượt khách quốc tế (tăng 286 lượt so với năm 2013). Cũng trong năm 2014, tổng giá trị các ngành kinh tế huyện Lý Sơn đạt 765.091 triệu đồng, tăng 17,4%; nông, lâm, ngư nghiệp, thương mại - dịch vụ đều tăng so với năm trước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 18,7 triệu đồng/người/năm, tăng 3,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2013.

Ông Trần Ngọc Nguyên cho biết, năm 2015 sẽ hứa hẹn một năm đầy triển vọng để Lý Sơn phát triển các ngành mũi nhọn khi huyện đảo đã hòa điện lưới quốc gia và được Chính phủ tập trung thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, dịch vụ...

Cũng theo ông Nguyên, điện lưới quốc gia không chỉ giúp người dân nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống dân sinh, mà còn tạo “cú hích” để huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, vững chắc về quốc phòng, an ninh.

Thống kê từ Phòng Kinh tế (UBND huyện Lý Sơn) cho thấy, ngay sau khi có điện lưới quốc gia, người dân huyện đảo đã áp dụng mô hình tưới phun mưa tự động cho cây tỏi, từ 7 ha ban đầu đã nhân rộng khoảng trên 80 ha, không những tiết kiệm được nguồn nước mà còn nâng cao năng suất. Hàng loạt cơ sở sản xuất, các xưởng sơ chế, chế biến, bảo quản nông - thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa tàu thuyền được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng quy mô…  

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh Lý Sơn cũng đang đầu tư xây dựng thêm nhà nghỉ, khách sạn để phục vụ tốt nhu cầu khách du lịch ra Lý Sơn ngày càng tăng. Đặc biệt mạng lưới hạ tầng giao thông ngày càng được nâng cấp, đồng bộ hóa.  

Ông Trần Ngọc Nguyên phấn khởi: Thời gian gần đây đã và đang có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư ra Lý Sơn khảo sát, đặt vấn đề đầu tư xây dựng khách sạn và du lịch quy mô lớn. Như dự án của Saigon Tourist, Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương cũng đã quyết định đầu tư một khu resort và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản biển Lý Sơn…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.