Tâm sự

Tết này, cựu TNXP Đường 20 có nhà mới

01/01/2017, 20:19

Cuộc viếng thăm chớp nhoáng và tình cờ một cựu TNXP nghèo tại Thanh Hóa khiến tôi luôn trăn trở tìm cách giúp họ...

28

Bà Lê Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam trao quà tình nghĩa cho bàLê Thị Xuân, cựu TNXP Thanh Hóa

Cuộc viếng thăm chớp nhoáng và tình cờ một cựu TNXP nghèo tại Thanh Hóa khiến tôi luôn trăn trở tìm cách giúp họ vượt qua nghịch cảnh. Và sự trăn trở ấy đã không tốn công vô ích, khi Tết này cựu TNXP nghèo đã có căn nhà mới khang trang.

Từ tiệm cắt tóc đến... sự tình cờ

Tháng 8/2015, tôi được mời về dự Đại hội Hội Cựu TNXP Thanh Hóa nhiệm kỳ III. Về trước một ngày, sau khi nhận phòng khách sạn, tôi đi tìm nơi cắt tóc. Đó là một cửa hiệu chỉ cách hội trường họp của UBND tỉnh khoảng 250m. Chủ hiệu nhỏ thó, gày gò với nước da xanh nhợt.

Vừa cắt tóc cho khách, cậu thợ hỏi chuyện làm quen: “Chú ở Hà Nội về hay sao?”. “Tôi về dự đại hội TNXP Thanh Hóa”, tôi trả lời. Cậu thợ cắt tóc như người tìm được khách quen: “Vậy ạ! Mẹ cháu cũng là TNXP đấy. Nhưng bây giờ chưa có chế độ gì chú ạ”. Ngạc nhiên, tôi lại hỏi: “Cụ đi TNXP được bao năm, sao không có chế độ?”. Cậu ta bảo, đi được năm hay ba năm gì đấy và không biết tại sao không có chế độ. Cậu cho biết mình tên Hải, nhà cách đây 300m, ở số 151B, phố Quang Trung.

Bà Xuân đã có nhà mới. Niềm vui của bà Xuân cũng là niềm vui cho cả phường Đông Vệ, Hội TNXP TP Thanh Hóa và cả Tỉnh hội TNXP Thanh Hóa.

Tôi bảo: “Cắt tóc xong, cậu đưa tôi về xem nhà và gặp mẹ cậu nhé!”. Cắt tóc xong, Hải đi xe máy đưa tôi đến nhà. Đó là một căn nhà không ra nhà, lối vào chật chỉ đủ hai xe máy tránh nhau. Mái nhà lợp pro xi măng, tường ố đen ẩm mốc, biển số nhà còn mới ghi số 08/410 phố Quang Trung, TP Thanh Hóa. Căn nhà rộng chừng 12-15m2. Trong nhà có hai giường đơn kê song song, một ri-đô ngăn giữa, giường bên kia có bà cụ già có vẻ ốm yếu. Đầu giường bà chỉ kê độc một cái ghế nhựa đã cũ và bẩn.

Như ái ngại, Hải kéo ghế mời tôi ngồi. Tôi xua tay bảo: “Không cần đâu!”. Bà cụ bị tai biến não không ngồi dậy được. Hải xốc nách mẹ ngồi dậy nhưng bà phải tựa lưng mới vững. Bà nói thều thào khi tôi hỏi. Tôi vừa nghe, vừa đoán và được biết bà đi TNXP năm 1965 ở đường 20.

Dần dần, bà nói rõ hơn một chút. Tôi hỏi: “Bà có chế độ TNXP chưa?”. Bà bảo chỉ có chế độ tàn tật thôi. “Xã tôi 7 người đi TNXP thì chết 2. Đi TNXP được ba năm và 7 năm công nhân Nhà nước. Giảm biên chế, họ cho tôi về, được mấy trăm nghìn đồng trợ cấp một lần. Nhà nước khám lại cho được 300 nghìn đồng tàn tật của năm 2015, chế độ TNXP chưa có gì cả. Ông nhà tôi cũng là cựu chiến binh nhưng bị bệnh tim. Ông nhà tôi bảo tôi: Tôi mà chết trước bà thì bà khổ. Bà chết trước tôi thì tôi lo cho bà chu đáo ma chay. Chả ai nuôi bà bằng tôi cả. Ông ấy nói thế làm tôi chảy nước mắt. Khổ thay cho ông nhà tôi. Ông ấy bị bệnh tim nặng lắm. Chỉ mấy tháng sau khi phát bệnh là ông ấy chết. Tháng tư năm ấy, tôi bị cấp cứu. Bác sỹ bảo tôi không thể qua được. Tôi mừng là được đi theo ông ấy nhà tôi. Nhưng tôi không chết mà sống trong tàn tật đến giờ”, bà nói khó khăn.

Tôi hỏi nhà này bà xây từ bao giờ. Được biết, trước bà ở bên Tống Duy Tân. Khi ông nhà bệnh, phải vào viện hai lần, bà buộc phải bán nhà để trả nợ. Nhà này là mua lại ở tạm qua ngày. Tôi xem nhà cửa mà cám cảnh. Tôi hỏi: “Bà đi lại thế nào ạ?”. Bà bảo: “Nếu ra nhà vệ sinh là phải bò, không đứng dậy đi được.

Khi tôi ra ngõ chụp toàn cảnh căn nhà, tôi nghe được câu bà nói với con trai mà cảm thấy đau lòng. Đại khái: Nhà có gì bán được thì bán đi, đưa tiền cho bác nhà báo ở Hội Nhà văn nhờ bác “chạy” chế độ cho mẹ. Giấy tờ chứng nhận và bằng khen còn cả trên bàn thờ bố...

29
CựuTNXP Lê Thị Xuân và con trai

Chiến tranh lùi xa, nỗi buồn đọng lại

Tôi xem Giấy chứng nhận của Tỉnh Hội Cựu TNXP Thanh Hóa Trần Đình Lăng ký năm 2008: Bà đi TNXP ba năm 1965-1968. Chứng nhận hộ nghèo 2014. Mã số HN0070 ngày 1/1/2014. Kỷ niệm chương TNXP. Xác nhận bệnh của Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa ngày 7/4/2014. Tàn tật trí não... Rất nhiều giấy tờ, không nhớ được. Chỉ biết là bây giờ bà sắp chết rồi, chế độ TNXP chưa có và nhà cửa thì dột nát. Trời mưa, nước mưa dột ở trong nhà cũng phải đội áo mưa. Bà ở một mình, hàng ngày, anh con trai đưa cơm đến.

Hải đưa tôi ra UBND phường Đông Vệ, Phó chủ tịch UBND phường cho biết: Khó khăn của bà Xuân, phường đã có đề nghị lên thành phố nhưng chưa được giải quyết hai năm rồi. Phường có 166 gia đình có TNXP, đặc biệt khó khăn nhất có ba hộ. Bà Xuân là một trong ba hộ đó, địa phương đã hỗ trợ 1,5 triệu đồng cách đây hai năm.

Trong đại hội Hội Cựu TNXP Thanh Hóa, tôi gặp chị Hoa là Chủ tịch Chi hội TNXP phường Đông Vệ, chị nói đã báo cáo hoàn cảnh của bà lên thành phố nhưng chưa thấy trả lời. Thế là đã rõ. Ai cũng nói “báo cáo rồi” là hết trách nhiệm...

Chiến tranh đã lùi xa. Những người gọi là TNXP cũng đã già yếu. Bài ca TNXP những người trẻ vẫn đang hát. Nhưng còn bà Lê Thị Xuân, cựu TNXP vẫn đang sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Thi thoảng bà vẫn có quà thăm vì ở trong nhóm đối tượng nghèo nhất phường.

Và niềm vui nhà mới

Trước lúc khai mạc Đại hội Hội Cựu TNXP Thanh Hóa, tôi gặp anh Nguyễn Văn Lưu, lúc đó là Chánh Văn phòng Bộ GTVT kiêm Giám đốc Quỹ Xã hội từ thiện Công đoàn GTVT VN. Tôi trao đổi với anh về trường hợp bà Xuân và đề nghị cho bà suất trợ cấp sửa nhà. Anh nói không đắn đo: “Hoàn toàn được, đề nghị Chủ tịch hội Lê Trung Sơn bổ sung”. Anh Lê Trung Sơn cho biết: Thành phố không thấy báo cáo trường hợp bà Xuân và sẽ thực hiện thẩm tra lại ngay. Và cuộc thẩm tra cùng việc hỗ trợ làm nhà mới cho bà Xuân đã diễn ra từ tháng 11/2015 đến tháng 10/2016. May thay, mọi việc đều suôn sẻ.

Ông Lê Trung Sơn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thanh Hóa điện cho tôi, giọng rất vui: “Bà Lê Thị Xuân đã có nhà mới. Sắp tới, sẽ bàn giao nhà cho bà. Anh về dự lễ bàn giao nhé!”. Sau đó, Lê Văn Hải, con trai bà Xuân cũng điện cho tôi và mời tôi về dự lễ bàn giao nhà mới cho mẹ Hải.

Tôi không về được nhưng đã thở phào nhẹ nhõm. Tôi vui như chính mình được nhà mới. Và vui hơn vì trải qua bao khó khăn, vất vả, bà Xuân đã có căn nhà mới kịp đón xuân về...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.