Bạn cần biết

Tết quê xưa

20/02/2015, 09:28

Tết thực sự bắt đầu từ ngày tiễn ông Táo về trời. Đó luôn là ngày rất đặc biệt

221
 

Tôi đang kể về thời tôi còn bé, tức là cách nay chỉ vài mươi năm. Hồi ấy nghèo hơn bây giờ rất nhiều. Vì thế mà ngày Tết càng trở thành niềm mong đợi háo hức nhất trong những thứ đáng được mong đợi. Bởi vào những ngày Tết, mâm cơm nhà nào cũng đầy ắp thịt cá cho dù cả năm túng thiếu.

Có thể nói, từ giữa tháng Chạp đã thấy mùi Tết ở khắp mọi ngõ ngách. Người ta đi lại, nói năng, hỏi thăm nhau...bằng một thứ tác phong và ngôn ngữ khác với ngày bình thường. Ai đang làm dở việc gì thì cố mà làm cho xong để kịp Tết. Những việc to tát như khởi công xây nhà, dạm ngõ, ăn hỏi, cưới xin... định ra Giêng mới bắt đầu thì phải chuẩn bị mọi thứ từ trước Tết.

Bởi vì Tết là thời điểm thiêng liêng, khép lại một năm cũ và mở ra một thời gian khác, vận hội khác, trở thành cái mốc làm chuẩn cho suốt 365 ngày.

Hẹn nhau một cách xã giao không gì tiện hơn là “đến Tết”.

Riêng với bọn trẻ con chúng tôi, vừa qua Tết này là đã lại mong sao cho nhanh đến Tết sau. Suốt cả hơn ba trăm ngày mong ngóng như vậy, nên khi bước vào tháng Chạp, đứa nào đứa nấy đều vô cùng háo hức. Háo hức nhất là được chuẩn bị những trò chơi xuân cùng với người lớn. Tùy vào phong tục từng vùng mà những trò chơi đó là đốt cây bông, leo cầu kiều, đánh đu, đi cà kheo, bịt mắt bắt dê, hái hoa dân chủ... -những trò chơi hầu như đã biến mất cả trong thực tế lẫn trên mặt chữ nghĩa, chỉ còn lưu lại nơi ký ức hoặc ở vài cuốn sách. Cả làng cùng bắt tay chuẩn bị, nhưng bận rộn nhất và cũng háo hức nhất là các cụ bô lão và đám trẻ con.

Tết thực sự bắt đầu từ ngày tiễn ông Táo về trời. Đó luôn là ngày rất đặc biệt. Dù ai làm ăn ở đâu, buôn to bán nhỏ gì thì cũng phải gác công việc lại để về làm lễ tiễn ông Táo nếu muốn hy vọng cả năm bếp lúc nào cũng đỏ lửa. Vào ngày hôm đó không ai được gõ bất cứ vật gì lên kiềng, bởi làm thế là xúc phạm ông Táo đang vắng nhà.

Ở quê tôi, ngày 26 tháng Chạp là ngày đặc biệt. Vào hôm đó làng tát ao bắt cá, mổ lợn chia cho mọi nhà. Sau cả năm chờ đợi, cuối cùng nhà nào cũng rủng rỉnh thịt, cá để chuẩn bị làm cỗ Tết. Cũng vào ngày hôm đó những chợ vốn họp định kỳ phá lệ, đồng loạt họp phiên tất niên. Bốn phía đều có chợ. Người ta đi chợ này, không tìm được thứ mình cần, lại nhảo sang chợ khác. Hoặc có khi chỉ là đến để ngắm cảnh họp chợ, hưởng không khi sắm Tết mỗi nơi mỗi khác. Thế là người người đi lại như mắc cửi, mặt mũi ai nấy đều tươi roi rói, xởi lởi từ ánh mắt, nụ cười đến những câu chào hỏi.

Nhưng ngày 26 tháng Chạp quan trọng với chúng tôi còn ở chỗ, nó được coi là ngày báo hiếu người già. Vào hôm đó nhà nhà làm bánh để biếu các cụ cao tuổi trong làng. Công việc chuẩn bị bánh trái được bắt đầu vào ngày 25. Trước đó hàng chục hôm, số các cụ nằm trong diện nhận bánh biếu đã được con cháu “kê khai” một cách cẩn thận. Sẽ không thể tha thứ cho sơ suất bỏ sót một cụ nào đó, bởi vì điều này có thể khiến người sơ suất day dứt suốt cả năm mới.

Những người chịu trách nhiệm cao nhất là các bà dâu trưởng, đặc biệt là dâu của trưởng tộc. Với mỗi gia đình, số lượng bánh phải biếu tùy thuộc vào phạm vi quan hệ. Trước hết là các cụ trong nội tộc, sau đó là lân bang, những cụ thượng thọ hoặc có uy tín trong làng.

222
 

Đêm 25, nhà nhà tíu tít với việc làm bánh trái. Thông thường là bánh rán và bánh rợm (dợm). Các bà dâu vô cùng khó tính khi chọn nguyên liệu, rồi sau đó trổ tài khéo léo, vì chất lượng bánh ngầm biểu hiện thái độ trọng thị với các bậc bô lão, dù ngay sau đó không khí thân ái xua ngay đi mọi sự sơ suất về kỹ thuật. Tấm bánh các cụ nhận không chỉ có giá trị vật chất (các cụ ít nhiều thể nào cũng có bình phẩm), mà cao hơn, thiêng liêng hơn, là nó biểu trưng cho truyền thống ơn nghĩa, uống nước nhớ nguồn.

Sau khi gạo nếp, thịt, đậu, mật, lá gói đã sẵn sàng, việc rất quan trọng là nặn và gói bánh. Hình thức đẹp, đầy đặn của chiếc bánh có một ý nghĩa rất lớn lao. Không thể làm theo lối hàng chợ. Vào ngày này, các cụ không phải mó tay mảy may công việc nào. Tất cả do con cháu vui vẻ bày đặt trong một không khí ấm áp, vui vẻ và đầy lòng kính trọng.

Bánh được đích thân các bà dâu ngồi lựa ra những chiếc xấu mã, kém chất lượng. Số này chia sau cho bọn trẻ con. Số còn lại được chia ra từng gói, từng đĩa, đặt vào thùng hoặc mâm. Việc hoàn tất công đoạn này chậm nhất là trưa ngày 26.

Người đem biếu bánh ăn mặc cẩn trọng, trước tiên ra miếu Thành Hoàng làng dâng thần thánh, khấn vái sì sụp, cầu các vị phù hộ độ trì cho mọi người sức khỏe, an lành. Sau đó, căn cứ vào danh sách kê khai, bà dâu đội đến từng nhà.

Đã thành lệ, vào giờ đó các cụ (tính từ tuổi lên lão) cũng ăn mặc tề chỉnh, ngồi sẵn ở vị trí trang trọng chờ nhận quà. Người biếu bánh phải phúc hậu, xởi lởi, lựa những lời trân trọng nhất, chẳng hạn:

- Năm hết Tết đến, chúng con nhờ phúc lộc các cụ mà trời cho vợ chồng, con cái, cháu chắt mạnh khỏe, gọi là có chút quà, của ít lòng nhiều đến biếu cụ. Mong sao cụ khỏe mạnh làm cây cao bóng cả cho chúng con nương tựa. Xin đừng từ chối tấm lòng của con cháu.

Người biếu nhẹ nhàng nhấc phần bánh đã được đặt riêng kính cẩn dâng lên cụ già. Với vẻ mặt xúc động, người nhận bánh chưa vội đón trước khi có nhời trở lại:

- Năm hết Tết đến, bố mẹ cháu lại còn nhớ đến ông (bà) thật quý hóa quá. Ông (bà) xin nhận và cầu chúc cho các cụ bên nhà, cho anh chị và các cháu bao nhiều điềm dữ ở lại với năm cũ để xuân mới đầy phúc lộc, thóc gạo, lợn gà đầy nhà, không có chỗ mà chứa.

Bấy giờ cụ mới đón quà, đặt lên bàn thờ và mặc dù chưa ăn cũng không bao giờ tiếc câu khen khiến người đem biếu hả hê:

- Ăn lộc anh chị cho thì lão già (bà già) này nhắm mắt vẫn còn nhớ.

Việc biếu bánh rộn rịp suốt đến chiều. Người này ra, người khác vào, cười nói râm ran. Trên đường làng, ngõ xóm hôm ấy chỉ thấy người đội bánh. Những nhà có cụ già không khí y hệt ngày hội.

Ngày 29 là phiên chợ cuối. Ai cần mua bán thêm gì thì giải quyết vào phiên chợ này, bởi vì từ hôm sau là bắt đầu Tết thực sự. Ngoài việc thanh toán nốt nợ nần, mọi người ai về nhà nấy chuẩn bị ngày sum họp cuối năm bên mâm cỗ tất niên thịnh soạn. Vẫn còn chuyện cãi chửi, đá thúng đụng nia giữa nhà này nhà nọ loáng thoáng đâu đó, nhưng về cơ bản là tràn ngập một không khí linh thiêng của ngày kết thúc năm cũ.

Sáng mồng Một Tết là ngày duy nhất trong năm ai thích xuống khỏi giường lúc nào thì tùy, không bị bắt buộc. Các cụ già thường dậy rất sớm, khăn áo chỉnh tề để sửa lễ cúng gia tiên. Bọn trẻ được cưng nựng bằng những câu nói dịu dàng nhất. Những bộ quần áo mới may từ trong năm, giờ mới được giở ra để diện Tết. Có đứa lớn quá mau khiến quần áo đã thành cộc cỡn nhưng chẳng hề gì. Đứa nào đứa nấy súng sính xanh, đỏ, tím vàng... đi lại lăng xăng trong sự ấm cúng không bút nào tả được.

Trước khi ngồi vào mâm cỗ đầu năm bốc khói nghi ngút và thơm điếc mũi với tất cả các món ăn mà ngày thường chỉ có trong mơ, người lớn bắt đầu chậm rãi lần bao tượng lấy ra những tờ bạc, đồng xu mới coóng để mừng tuổi (có nơi gọi là tiền mở hàng còn ngày nay thì nhất loạt gọi là lì xì). Tiền mừng tuổi sau đó được nhét vào ống tiết kiệm được chuẩn bị từ trước Tết, thường làm bằng ống tre để nguyên đốt, cưa chéo một nhát vừa đủ nhét được đồng tiền xu to nhất. Thỉnh thoảng, bọn trẻ lại cầm hai đầu ống, đưa lên sát tai lắc lắc để nghe thứ âm thanh rổn rảng vang ra từ bên trong, lòng cũng cứ thế mà rổn rảng theo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.