Hỏi - Đáp

TGĐ gây tai nạn chết người có được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự?

18/06/2020, 09:17

Tổng giám đốc lái xe ô tô gây tai nạn chết người ở Sóc Trăng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, dù gia đình bị hại có đơn xin bãi nại.

img
Công ty Cổ phần Tổng Kỳ Hòa (phường 1, TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) do ông Són làm Tổng giám đốc. Ảnh: Gia Minh

Liên quan đến vụ ông Phạm Văn Són, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng Kỳ Hòa (phường 1, TX Vĩnh Châu) lái xe ô tô gây tai nạn chết người rồi “nhờ” tài xế nhận tội thay, trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, dù có đơn bãi nại của gia đình bị hại, nhưng theo quy định ông Són vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Do tại Điều 260 quy định về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của Bộ Luật hình sự không nằm trong quy định tại Điều 155 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, nên khi hành vi có dấu hiệu và có cơ sở pháp lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can mà không phụ thuộc vào việc người bị hại có yêu cầu hay không", luật sư Lễ nêu quan điểm.

Luật sư Lễ cho rằng, đối với việc bãi nại của bị hại cộng với việc đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, được xem xét là tình tiết giảm nhẹ khi xét xử theo quy định tại Điều 51 của Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải... là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 51 còn quy định, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể xem tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, khoảng 21h ngày 14/5, anh Lý Sà Rích (38 tuổi, ngụ tại ấp An Hòa 1, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề) điều khiển xe trên đường 935 theo hướng TP Sóc Trăng đi TX Vĩnh Châu để về nhà.

Khi đến địa phận ấp Chắc Tưng (xã Tài Văn, huyện Trần Đề), anh Rích dừng xe bên đường bất ngờ bị ô tô BKS 83L-1837 do ông Phạm Văn Són, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Kỳ Hòa (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) điều khiển cùng chiều phía sau tông trúng. Hậu quả, vụ tai nạn làm anh Rích văng xuống lề đường tử vong.

Sau khi gây tai nạn, ông Són bỏ mặc nạn nhân, tiếp tục điều khiển xe chạy về hướng TX Vĩnh Châu và giấu ô tô trong nhà kho của công ty. Sau đó, ông Són "nhờ" tài xế nhận tội thay mình, nhưng không qua mặt được cơ quan điều tra.

Quá trình điều tra, khoảng giữa tháng 5/2020, cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Phạm Văn Són để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, sau hai tuần tạm giam, ông Són được cho tại ngoại để điều tra do bị bệnh tiểu đường, quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo.

Sau đó, vợ chồng ông Lý Cô (69 tuổi, ngụ xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) đã ký văn bản bãi nại và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho ông Phạm Văn Són, vợ chồng ông Cô cho rằng, tai nạn đối với con trai ông là hoàn toàn vô ý và không ai mong muốn.

Người chết thì không thể làm sống lại, vợ chồng tôi cũng không nhẫn tâm thấy ông Són vướng cảnh tù tội để vợ con chịu cảnh nhọc nhằn”, ông Cô chia sẻ.

Điều 155 của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại:

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.