Vận tải

TGĐ Phương Trang: Doanh nghiệp buýt nào bỏ tuyến, chúng tôi nhận hết!

29/07/2022, 06:47

TP.HCM còn hơn 30 tuyến buýt không trợ giá đang tạm ngưng. Phương Trang có đủ xe, đủ tiềm lực, nhân lực để tham gia vào thị trường xe buýt này.

Hội thảo “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng” do Báo Giao thông tổ chức sáng 28/7 tại TP.HCM với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra những giải pháp tổng thể giải quyết các bất cập để phát triển vận tải hành khách công cộng.

Tại đây, lãnh đạo Công ty CP xe khách Phương Trang khẳng định sẵn sàng nhận lại các tuyến xe buýt tại TP.HCM nếu các doanh nghiệp khác bỏ cuộc.

Bên lề hội thảo, Báo Giao thông trao đổi với ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Phương Trang để làm rõ hơn câu chuyện này.

img

Ông Đào Viết Ánh

Không dễ dàng, nhưng tin sẽ làm được!

Tại TP.HCM, Phương Trang vừa nhận lại tuyến xe buýt Tân Phú - Tiền Giang dài 72km mà một hợp tác xã (HTX) khác bỏ cuộc. Phương Trang đã chuẩn bị gì để tham gia vào lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp vốn không mặn mà?

Từ tháng 12/2020 đến nay, Phương Trang đã đầu tư khoảng 1.000 xe buýt loại B20-B26, kể cả B40 để tham gia sâu vào thị trường xe buýt. Đây là tuyến xe buýt không có trợ giá. Dĩ nhiên, không dễ dàng gì khi vận hành, nhưng chúng tôi tin Phương Trang sẽ làm được.

Phương Trang tham gia lĩnh vực hoạt động vận tải được 20 năm nay ở tuyến cố định. Riêng lĩnh vực xe buýt từ năm 2008, với các tuyến trọng điểm như Bảo Lộc – Đà Lạt 120km có giá vé 60.000 đồng, chúng tôi đã vận hành tốt. Khoan nói về tiền lãi, nhưng đến nay chúng tôi chưa hề lỗ.

Vì sao nhiều doanh nghiệp tham gia xe buýt kêu lỗ, bỏ tuyến nhưng Phương Trang vẫn quyết định bước chân vào?

Chúng tôi muốn đem lại dịch vụ cộng đồng chất lượng cao, mang lại hiệu quả cho người dân sử dụng. Mong muốn hơn nữa là nâng cao chất lượng dịch vụ công cộng đô thị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Vậy, Phương Trang có lo sẽ bị lỗ như các doanh nghiệp vận tải xe buýt khác và việc này được đặt ra thế nào trong chiến lược của doanh nghiệp?

Chúng tôi đã cân đối dòng tiền, tài chính và tự tin là chất lượng đầu vào của Phương Trang rất tốt nên sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực xe buýt.

Khi Phương Trang đưa chất lượng tiêu chí dịch vụ lên hàng đầu, chúng tôi cũng đặt lợi ích xã hội lên hàng đầu.

Sẵn sàng nhận các tuyến không trợ giá

img

Từ tháng 12/2020 đến nay, Phương Trang đã đầu tư khoảng 1.000 xe buýt, mở rộng hoạt động tại nhiều tỉnh, thành (Trong ảnh: Phương Trang đưa vào khai thác 8 tuyến buýt tại Khánh Hòa từ tháng 4/2022). Ảnh: PV

Không sợ lỗ, vậy Phương Trang có tự tin để tham gia vào các tuyến không trợ giá đang bị tạm ngưng?

Như tôi đã nói, Phương Trang sẵn sàng. TP.HCM còn hơn 30 tuyến buýt không trợ giá đang tạm ngưng. Phương Trang có đủ xe, đủ tiềm lực, nhân lực để tham gia vào thị trường xe buýt này.

Một số doanh nghiệp, HTX xe buýt đang rất khó khăn trong vận hành. Chúng tôi biết điều đó. Nhưng chúng tôi cũng biết, bản thân phải luôn giữ được chất lượng dịch vụ, đừng để lúc đầu làm tốt, rồi sau đó bị mai một đi. Chúng tôi vẫn giữ phương châm “Chất lượng là danh dự”.

Với tiềm lực sẵn có, Phương Trang tự tin sẵn sàng tham gia bất kỳ tuyến buýt nào. Chúng tôi đã đấu thầu thành công tuyến Tân Phú - Tiền Giang dài 72km dự kiến khai thác đầu tháng 8 này là một minh chứng.

Phương Trang ủng hộ chính sách phát triển xe buýt, có trợ giá cũng như không trợ giá. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng nhận cả các tuyến không trợ giá để bớt đi gánh nặng cho ngân sách.

Kinh nghiệm của Phương Trang khi triển khai các tuyến không trợ giá ở các địa phương như thế nào để có thể áp dụng tại TP.HCM?

Để làm được, phải có bộ tiêu chí chất lượng dịch vụ. Bộ tiêu chí đó nhằm để bảo đảm nguyên tắc vận hành của công ty xe buýt và để hành khách thụ hưởng được chất lượng dịch vụ. Hành khách bỏ tiền ra thì phải được dùng dịch vụ xứng đáng.

Phương Trang cam kết, mọi vận hành của chúng tôi dựa trên phương châm “Chất lượng là danh dự”, sau đó mới tính đến lợi nhuận.

Không bao giờ nghĩ đến việc “tận thu”

img

Từ ngày 1/8, tuyến xe buýt MST 63-1 (Tiền Giang - Long An - TP.HCM) do Công ty Phương Trang khai thác sẽ đưa vào hoạt động. Đây là tuyến xe buýt tỉnh liền kề đầu tiên không trợ giá của Tiền Giang

Phương Trang làm thế nào để thu hút khách đi xe buýt, vốn là điều khiến cả các địa phương, cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp phải đau đầu?

Thứ nhất, phải sắp xếp lại luồng tuyến, phân luồng thuận lợi cho người dân, giảm thời gian chờ của hành khách. Để hành khách chờ dưới cái nắng nóng thời tiết như Sài Gòn thì hành khách khó mà tiếp cận được với xe buýt.

Trong quá trình hoạt động, chúng tôi chú trọng hàng đầu về chất lượng dich vụ, đội ngũ nhân viên. Các tuyến xe buýt mới được đầu tư xe mới 100%. Chúng tôi có chủ trương không bao giờ tận thu của khách hàng, chi trả của hành khách phải xứng đáng với dịch vụ. Bên cạnh đó, luôn ưu tiên các đối tượng chính sách, học sinh, sinh viên, người tàn tật, người yếu thế…

Có ý kiến cho rằng, với những tuyến dài như Tân Phú - Tiền Giang 72km mà Phương Trang vừa đấu thầu trúng thì xe buýt hoạt động hiệu quả. Còn những tuyến ngắn ở nội đô thì thường khó khăn, chắc chắn không hiệu quả, đặc biệt không trợ giá thì không thể vận hành. Phương Trang có sẵn sàng tham gia những tuyến buýt nội đô hay không?

Trợ giá hay không trợ giá hoặc thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước là do chính sách quy định, chúng tôi tuân thủ. Đối với thị trường xe buýt tại TP.HCM, nếu có HTX hay doanh nghiệp nào từ chối do khó khăn chúng tôi sẽ đứng ra nhận lại hết. Phương Trang giơ hai tay đón nhận!

Cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT:
Tính toán để trợ giá hiệu quả nhất

img

Vận tải khách công cộng bắt buộc phải có trợ giá. Giải pháp là làm sao cho trợ giá hiệu quả nhất.

Cần có kế hoạch lâu dài, đảm bảo trợ giá ổn định, không thể năm nay có nhiều tiền thì trợ giá nhiều, sang năm ít tiền thì trợ giá ít đi.

Trong quá trình xây dựng tuyến, đưa ra hồ sơ thầu, cơ quan quản lý cần có đánh giá, có khảo sát, để khi đưa ra kế hoạch thầu sát thực nhất, khi đó trợ giá sẽ phù hợp nhất. Tuyến nào trợ giá hay không thì phải tính toán cụ thể, phù hợp.

Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT:
Người dân phải được hưởng lợi đầu tiên

img

Với vận tải khách công cộng, nếu không trợ giá không làm được, nhưng trợ giá ở mức nào, doanh nghiệp và Nhà nước chịu ở mức nào lại là câu chuyện cần bàn.

Theo tôi, chúng ta nên khuyến khích theo chiều hướng: Nếu doanh nghiệp mạnh như Phương Trang vào đấu thầu mà Nhà nước không cần trợ giá nhiều thì hoan nghênh. Người dân không quan tâm ai khai thác tuyến buýt mà chỉ cần phương tiện tốt, dịch vụ tốt thì sử dụng.

Vận tải khách công cộng là phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội cho một đô thị, cho một tỉnh, thành phố chứ không phải cho một doanh nghiệp.

Vì thế, lựa chọn doanh nghiệp làm sao cho vừa tầm, đúng, đủ để đạt được mục tiêu. Phát triển vận tải công cộng thì người dân phải hưởng lợi đầu tiên, sau đó đến chính quyền thành phố và cuối cùng là doanh nghiệp.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM:
Đang tính toán đầu tư xe buýt nhỏ 7 - 12 chỗ

img

Về hiệu quả trợ giá xe buýt, tôi xin ví dụ, nếu như tất cả chúng ta là người dân, giữa một bên không trợ giá, Nhà nước không mất tiền, giá vé là 20 - 30 nghìn đồng, còn một bên có trợ giá, Nhà nước mất tiền, giá vé 5 - 7 nghìn đồng. Vậy, người dân chọn ai? Chắc chắn người dân sẽ chọn bên 5-7 nghìn.

Tôi thừa nhận, xe buýt TP.HCM còn hạn chế, đôi khi quên đi chất lượng phục vụ, có kiểm soát nhưng chưa thực sự chặt chẽ. Ở một số hợp tác xã, xe buýt loại hình không trợ giá, chất lượng xe không được tốt một phần là do lịch sử để lại.

Dù trợ giá hay không, chúng ta phải giải quyết bằng bài toán đấu thầu. Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào tiền và sản lượng thì chưa đủ. Đây là bài toán tổng thể từ mạng lưới, tốc độ lan tỏa và mức độ hài lòng của người dân.

TP.HCM có đề án phát triển vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân kèm 27 đề án nhỏ trong đề án tổng thể. Đề án chưa được thông qua, có rất nhiều nội dung công việc cần được tiếp tục nghiên cứu.

Hiện, chúng tôi đang tính toán đầu tư xe buýt nhỏ từ 7 - 12 chỗ phục vụ nhu cầu hành khách trong các tuyến đường nhỏ, hẻm. Về làn đường riêng cho xe buýt, chúng tôi cũng tiếp thu ý kiến nghiên cứu làn riêng cho xe buýt đoạn từ Bến Thành đến Tân Sơn Nhất.

Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM:
Hạn chế xe cá nhân mới vực được vận tải công cộng

img

Thực tế là kết quả chất lượng dịch vụ của xe buýt phát triển hơn so với nhiều năm trước đây.

Thống kê của trung tâm cho thấy, có gần 96% các tuyến xe buýt chạy đúng giờ trong khi tỉ lệ xe mới, máy lạnh, chất lượng cao ngày càng tăng, sự phản ứng của người dân giảm dần. Vậy thì tại sao chất lượng tăng mà sản lượng lại giảm?

Câu hỏi đặt ra là tại sao người dân không lựa chọn xe buýt trong khi giá vé không tăng, xe buýt đẹp và sạch hơn? Thực tế là hiện có quá nhiều xe cá nhân, xe máy chiếm tỉ lệ lớn dẫn đến tắc đường, kẹt xe và người dân không còn mặn mà với xe buýt. Vậy thì chỉ có hạn chế xe cá nhân mới vực được vận tải hành khách công cộng.

TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông:
Trợ giá 5.000 tỷ mà hiệu quả vẫn nên làm

img

Trợ giá xe buýt của TP.HCM hơn 1.000 tỷ/năm hiện nay là không nhiều. Vấn đề là giao thông công cộng hiện đang như “một đứa con được nuôi mà không chịu lớn”, bế tắc ở chỗ đó. Trợ giá có thể lên đến 5.000 tỷ nhưng sản lượng tăng thì có lẽ không tiếc tiền trợ giá.

Xe buýt của TP đang vô cùng bế tắc, không giải được bài toán này thì xe buýt sẽ biến mất khỏi TP.HCM. Không chạy được, không có khách thì trợ giá hay không trợ giá cũng không có ý nghĩa. Xe buýt không có tương lai thì giao thông công cộng không đứng vững được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.